Những ngày này, người dân Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước vô cùng thương tiếc ba đồng chí cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy hy sinh trong quá trình chữa cháy tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội (Vụ cháy xảy ra khoảng 13 giờ ngày 01/8/2022).
Sự tận tình, trách nhiệm, hết mình của ba đồng chí cán bộ, chiến sĩ thêm một lần nữa nhắc chúng ta nhớ về Bác Hồ kính yêu, về tình cảm của Bác, về những lời dặn dò thiêng liêng Bác để lại cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia diễu binh tại Quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9/2015.
Năm 1954, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam, công tác phòng cháy, chữa cháy được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào phong trào bảo vệ trị an và thể hiện rõ nhất với khẩu hiệu 3 phòng: “Phòng gian - Phòng hỏa - Phòng tai nạn”.
Ngày 01/01/1955, khi Đại đội chữa cháy Hà Nội được cử một Tiểu đội 07 người tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trường kỳ trở về Thủ đô. Khi Bác đã đi từ lễ đài xuống, rẽ qua thăm đơn vị chữa cháy đang làm nhiệm vụ. Bác ân cần bắt tay từng người và chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Lời nói giản dị năm ấy vừa là lời chúc vui vẻ của Bác vừa là lời động viên vừa là mục tiêu giao nhiệm vụ mà Bác Hồ kính yêu tin tưởng giao cho lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc Lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác Phòng cháy chữa cháy”, đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 27/9/1961. Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã đổi cụm từ “Phòng hoả, cứu hoả” thành cụm từ “Phòng cháy, chữa cháy” khi Pháp lệnh này được trình lên Người.
Vào cuối năm 1959, Bác Hồ đã đề nghị và được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng huy hiệu mang tên “Huy hiệu Bác Hồ” đối với những gương làm việc tốt mà Bác đọc được trên báo chí. Người lính phòng cháy chữa cháy nhận được vinh dự trên là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Bá Thọ - Phó Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Công an Quảng Bình. Đọc được bài viết về tấm gương dũng cảm của đồng chí Hồ Bá Thọ trên Báo Công an nhân dân số 462 ra ngày 27/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng thưởng Huy hiệu của Người. Trong những năm kháng chiến ác liệt, Huy hiệu Bác trao là động lực để người chiến sỹ Hồ Bá Thọ kiên trung không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tết năm Canh Tý (1960), giữa đêm mưa phùn và giá lạnh, Người đã đến thăm và chúc Tết gia đình đồng chí Trương Từ Thức, Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy Hà Nội lúc bấy giờ. Không “trống giong cờ mở” như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác, chuyến “vi hành” của Người lặng lẽ trong mưa phùn và gió lạnh cùng một vài đồng chí trong đoàn cùng đi. Trước phút Giao thừa, nghe tiếng gõ cửa, gia đình đồng chí Trương Từ Thức mở cửa mới biết là Bác đến “xông đất”, chúc mừng năm mới.
Lời của Bác dành riêng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Ngày 03/8/1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang - Hà Nội bị trúng bom giặc, Bác Hồ đã gửi thư khen cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội. Trong bức thư, Bác đã căn dặn lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy 4 điều:
- “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.
- “Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.
- “Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.
- “Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.
Những câu chuyện nhỏ, giản dị nhưng rất mực ấm áp, mang trong đó là rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu. Những chỉ dạy ân cần nhưng sâu sắc mà Bác dành cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lúc sinh thời đã trở thành nguồn động viên, động lực, cổ vũ để lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khắc phục mọi khó khăn, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chiến đấu chống giặc lửa, sẵn sàng xả thân vì sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 02/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 369/TTg lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày Phòng cháy, chữa cháy toàn dân”. Tháng 10 hàng năm là Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngày 29/6/2001, Luật Phòng cháy, chữa cháy được thông qua, quy định ngày 4/10 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. |
Khắc ghi lời dạy của Người, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hôm nay đã và đang viết tiếp truyền thống anh hùng của lực lượng Cộng an nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tích cực vận dụng sáng tạo, nghiên cứu các biện pháp, rèn luyện ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng thế trận toàn dân, dựa vào dân trong công tác phòng cháy chữa cháy góp phần bảo vệ vững chắc an ninh trật tự của Tổ quốc.
Sự hy sinh của ba cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Phòng cháy chữa cháy chính là sự nhắc nhở với mỗi cơ quan, mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng cháy chữa cháy. Mỗi người lính sẵn sàng xả thân vì sự an toàn, hạnh phúc của Nhân dân. Nhưng việc ý thức chấp hành nghiêm Luật Phòng cháy, chữa cháy của Nhân dân chính là cách tốt nhất để giảm thiểu các sự việc đáng tiếc, đề chúng ta thực hiện tốt nhất lời chúc “thất nghiệp” của Bác dành cho lực lượng Phòng cháy, chữa cháy năm ấy./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)