Trước năm 1945, khi Đảng chưa nắm chính quyền, Đảng thông qua cán bộ, đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể để thiết lập mối quan hệ, vận động nhân dân. Cán bộ, đảng viên sống trong lòng dân, được dân nuôi, dân bảo vệ che chở, đồng thời lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Khi Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, thấy trước được nguy cơ quan liêu của cán bộ, đảng viên, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác dân vận của chính quyền. Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Bác Hồ đã luôn nhắc nhở: Củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Chính phủ, cán bộ phải là “công bộc của dân”...

Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân

Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo, tập hợp, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1949, đất nước có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng phải đi vào chiều sâu, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận - đăng trên báo Sự Thật, số 120 ngày 15-10-1949. Bài báo hơn 600 chữ, là tác phẩm lớn thể hiện tư tưởng của Người về công tác dân vận, đặt vấn đề, định nghĩa về công tác dân vận, khẳng định công tác dân vận ở tầm chiến lược, quốc sách.

Trong tác phẩm, Bác đặt câu hỏi: Dân vận là gì? Đồng thời Người giải thích “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Nội dung thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân nhằm xây dựng khối đại đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Người cũng đặt câu hỏi “Ai phụ trách Dân vận?” và khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng “vì nước, vì dân”, Người luôn nêu tấm gương sáng gần dân, thương dân, lắng nghe để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặt lợi ích, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Người cũng đúc kết, nêu phong cách mẫu mực, kim chỉ nam cho người làm công tác dân vận nói riêng, cán bộ của Đảng nói chung cần phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Đó thật sự là yêu cầu, về bản lĩnh chính trị, tư duy lý luận, năng lực hành động, đạo đức cách mạng và tinh thần nêu gương của người thực hành dân vận, người cán bộ của Đảng.

Về tác phong, yêu cầu công tác người cán bộ dân vận, Bác cũng chỉ rõ, trước nhất là phải giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng về lợi ích và nhiệm vụ của họ để họ hăng hái làm cho kỳ được; thứ hai, bất kỳ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương; động viên và tổ chức toàn dân thi hành; trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; khi thi hành xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Có thể thấy, đây chính là nền tảng tư tưởng, phương châm đối với từng cấp ủy, người đứng đầu quán triệt, vận dụng, phát triển ngày càng sâu sắc trong quá trình vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Từ tư tưởng dân vận của Người, nhận thức thêm sâu sắc mối quan hệ giữa Đảng với dân. Đảng có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đảng phải vận động nhân dân xây dựng Đảng. Nếu Đảng xa dân, không tin dân; dân xa Đảng và không tin Đảng sẽ dẫn đến sự suy yếu của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Hiện, trong quá trình tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, với hai nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị văn kiện và nhân sự đại hội nhiệm kỳ mới, sau đó là quá trình tổ chức, triển khai đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, những nội dung trên vẫn giữ nguyên giá trị chỉ đạo, phương châm hành động của cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Quy định việc rèn luyện đạo đức, phong cách, tác phong công tác cán bộ, trước hết là đội ngũ giữ cương vị lãnh đạo quản lý.

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng chính quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Thời gian qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI,XII; gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được đẩy mạnh với mục tiêu lâu dài cũng như trước mắt là tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ ở các cấp phải thật sự trong sạch vững mạnh.

Cần thấy rằng, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; cơ cấu, độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn; nguồn quy hoạch cán bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp và kế tục giữa các thế hệ.

Tuy nhiên, Đảng ta thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm… Tác hại của nó là làm cho Đảng suy yếu, mất sức chiến đấu, giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng. Sinh thời, Bác Hồ chỉ rõ đó là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân, của Đảng.

Đảng ta kiên quyết chấn chỉnh sự giảm sút mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tuyên chiến không khoan nhượng với “giặc nội xâm”. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa XII, đến nay đã có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Đó là những đảng viên, cán bộ yếu kém, phai nhạt lý tưởng; những người cơ hội, quan liêu, xa dân; những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét của dân làm giàu cho riêng mình, phản bội lại niềm tin của nhân dân, của Đảng...

Thực tế, gần 100 cán bộ cao cấp, chưa lâu còn đóng trong “vỏ bọc” thành phần tinh hoa, đứng trong hàng ngũ cốt cán của Đảng bị kỷ luật cũng cho thấy Đảng ta chưa bao giờ và không thể sao nhãng việc chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Kiên quyết chấn chỉnh sự giảm sút mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Bài học còn nóng bỏng tính thời sự, trong đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, những kết quả và thắng lợi của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ, đánh giá cao, học tập. Thành quả đó, từ phát huy sức mạnh tổng hợp, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của toàn xã hội. Bài học rất ý nghĩa về “ý Đảng-lòng dân”.

Nhưng, có cả “bức tranh” tương phản đáng buồn. Với khoảng thời gian ba tháng chống đại dịch, ghi nhận đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện, lực lượng vũ trang nhiều địa phương đảm nhận vai trò chiến sĩ tuyến đầu quyết liệt chống dịch, thì lại có hàng loạt trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố bị tố mua thiết bị xét nghiệm giá “khủng”, đội giá nhiều tỷ đồng, gấp nhiều lần so với giá thông thường.

Khi cả hệ thống chính trị, người dân cả nước “căng mình”, kề vai góp sức chung lòng chống đại dịch, nhiều nghĩa cử cao đẹp nở rộ, thì lại có những cán bộ, đảng viên trong đó có nhiều người ở cương vị lãnh đạo, có học hàm, học vị cao trong ngành y tế lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi - một tội ác, đang từng bước được phanh phui, xử lý... cho thấy, sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận “công bộc” còn rất đáng lo ngại.

Mọi biểu hiện thoái hóa, biến chất, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm… xét cho cùng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Mọi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hàng trăm thứ bệnh tiêu cực khác đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra. Tác hại của nó là làm cho Đảng suy yếu, mất sức chiến đấu, giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng. Cuộc chiến chống giặc “nội xâm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta còn không ít quyết liệt, cam go nhưng nhất định phải chiến thắng.

Thực tiễn khẳng định, toàn bộ hoạt động của Đảng xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đảng ta xác định cần tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Bảo đảm sự nghiệp cách mạng không xa rời bản chất “của dân, do dân, vì dân”, không ngừng tăng cường niềm tin của dân với Đảng.

Cán bộ là gốc của mọi công việc. Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Về phẩm chất đạo đức cán bộ, Người căn dặn “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng ta chưa bao giờ sao nhãng việc chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Thực tiễn đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn được người có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, về “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Ðảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ...”. Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự quyết tâm, trách nhiệm quyết liệt của Đảng ta “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, phải là yêu cầu số một và liên tục suốt cả cuộc đời của mỗi cán bộ, đảng viên chân chính. Thực tiễn đang đòi hỏi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thúc đẩy toàn Đảng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

LÊ MẬU LÂM

Theo Báo Nhân Dân

Vũ Nhung (st)

Bài viết khác: