Dù khẳng định việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống là nhân tố quyết định để cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) không tham nhũng, tiêu cực (TN, TC) nhưng thực tế cho thấy, TN, TC-biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa quyền lực cũng là yếu tố khách quan ở bất kỳ chế độ xã hội và thời đại nào.

Bởi tạo hóa sinh ra con người vốn có lòng tham và những ham muốn mang tính bản năng. Chính vì vậy, muốn ngăn chặn TN, TC thì phải có giải pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Thế nhưng, dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để kiểm soát quyền lực song “lồng cơ chế” vẫn còn những “lỗ hổng”...

Nguy hiểm từ quyền lực “ngầm”

Tìm hiểu những vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ có chức quyền trong những năm qua, nhất là những vụ án cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật, chúng tôi nhận thấy hầu hết khi đương chức, những cán bộ này như là “vua con”. Dù họ có nhiều việc làm sai trái nhưng cấp dưới không dám ngăn cản, thậm chí buộc phải làm theo. Chẳng hạn, ông Vũ Huy Hoàng có nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ khiến dư luận rất bất bình. Rồi các ông: Nguyễn Bắc Son khi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tất Thành Cang khi làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Chung khi làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội... cùng nhiều cán bộ cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện đã ngang nhiên lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để tham nhũng, trục lợi.

Vì sao Đảng ta đã có quy định về những điều đảng viên không được làm, đã ban hành các quy chế, quy định yêu cầu các cấp ủy và CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức đảng phải gương mẫu thực hiện để chống lạm dụng quyền lực; pháp luật cũng có những quy định khá chặt chẽ để phòng, chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, chống TN, TC, nhưng vẫn có nhiều CB, ĐV, công chức, nhất là cán bộ cấp cao vi phạm như vậy?

Thẳng thắn nhìn nhận chúng ta sẽ thấy, “lỗ hổng” ở đây chính là sự lạm quyền của một số cán bộ cấp cao, của người đứng đầu. Lạm quyền dẫn đến siêu quyền lực, siêu mánh lới, siêu mưu kế đen tối ở một số cán bộ, một số người đứng đầu. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến “lỗ hổng” kiểm soát quyền lực này chính là vai trò của người cầm cân nảy mực. Việc phát huy trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu là phù hợp với thực tế phát triển, nhưng nhiều người đứng đầu không chuẩn mực về đạo đức, tư cách, nhiều trường hợp tham lam vô độ, nịnh trên nạt dưới, tạo bè cánh bao bọc cho mình. Với cơ chế chủ yếu vẫn là xin-cho, người đứng đầu có quyền phân bổ kinh phí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phân công các công việc gắn liền với lợi ích cá nhân; người đứng đầu phẩm chất kém khi đã thích ai, có cảm tình với ai thì người đó được hưởng lợi (và ngược lại) thì khó ai dám trái ý "sếp" mà chủ yếu là lờ đi hoặc đồng lõa với những sai phạm của “sếp” để được lòng (đồng nghĩa với được hưởng lợi).

quan chuc hau toa 2
Minh họa: Thái An

Thực tế cho thấy, hầu hết những sai phạm của cán bộ lãnh đạo trong những năm qua đều có sự độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm các quy định trong công tác cán bộ, quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản... và cái đích cuối cùng là tham nhũng, trục lợi... Những vi phạm này, không thể nói là tất cả các thành viên cấp ủy, ban lãnh đạo và chi bộ, đồng nghiệp cùng công tác với những cán bộ đó đều “không biết”, mà nhiều người biết rõ nhưng không có ý kiến phản biện. Nhiều trường hợp tập thể phải biểu quyết theo quy định cũng chỉ là để “hợp lý hóa ý muốn của thủ trưởng”! Việc kiểm soát quyền lực thực sự rất khó ở chỗ này và vì thế, nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu đã lạm quyền, bị quyền lực làm cho tha hóa, dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đánh giá: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; việc kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp...

 

Kiểm tra... không ra vi phạm

Như đã phân tích ở trên, tha hóa quyền lực là một thực tế khách quan, việc cán bộ tha hóa, biến chất cũng không thể tuyệt đối tránh dù ở chế độ xã hội nào. Chính vì thế, cần phải có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát quyền lực, phòng, chống cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Làm cho đội ngũ cán bộ, công chức “không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng” là mong muốn chung của nhân loại cũng như mọi nhà nước. Nhưng để thực hiện được “không cần, không muốn tham nhũng” là vô cùng khó. Do đó, các quốc gia đều chú trọng những giải pháp kiểm soát quyền lực để quan chức “không thể, không dám tham nhũng” và Việt Nam cũng như vậy. Cùng với những quy định chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Đảng, chúng ta có hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

Nhưng những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng và thanh tra, kiểm tra của chính quyền dưới cấp Trung ương hầu như chỉ phát hiện được sai phạm của cán bộ cấp dưới, rất hiếm khi phát hiện ra sai phạm trong cấp ủy, chính quyền cùng cấp, nhất là sai phạm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, khá nhiều tổ chức, cá nhân có vi phạm kéo dài nhưng qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra vẫn không phát hiện ra vi phạm. Thời gian qua, có những người đứng đầu (thậm chí cả ban lãnh đạo) không chỉ vi phạm mà còn ngang nhiên can thiệp, chỉ đạo sai trái hoạt động thanh tra, kiểm tra, khiến cơ quan kiểm tra, thanh tra ở cùng cấp bị vô hiệu hóa. Đây là thực trạng rất đáng báo động. “Lỗ hổng” này đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống TN, TC.

Chúng ta không khỏi giật mình khi ông Nguyễn Đức Chung lúc là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (là công ty gia đình của ông Chung) với giá cao hơn mua trực tiếp từ công ty của Đức, gây thiệt hại cho Nhà nước 36 tỷ đồng. Trước những ý kiến của dư luận, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thanh tra việc mua sắm, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội. Thực hiện quyết định này, Thanh tra TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra và chỉ ra nhiều sai phạm. Nhưng ông Nguyễn Đức Chung lợi dụng chức vụ, nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng, ép buộc Thanh tra thành phố phải kết luận là không có sai phạm, dẫn tới Chánh thanh tra TP Hà Nội phải ký quyết định thay đổi kết luận thanh tra. Sau này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ sự việc.

Nguyên nhân nào khiến cơ quan hoặc cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra bị người đứng đầu hoặc ban lãnh đạo tổ chức đảng, chính quyền vô hiệu hóa, can thiệp, ép buộc phải kết luận sự việc không đúng với bản chất? Câu trả lời vẫn là do chịu chi phối về nhiều mặt, phụ thuộc vào lợi ích, tạo thành một vòng khép kín mang lại lợi ích cho nhau. Thật vô cùng khó để cơ quan, cán bộ cấp dưới dám chỉ ra vi phạm của cán bộ, cơ quan cấp trên có “quyền sinh quyền sát” hoặc có thể gây khó dễ đối với bản thân mình. Đây chính là bất cập lớn cần phải sớm tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc chúng ta gần như “bỏ ngỏ” trách nhiệm, chưa xử lý nghiêm khắc đối với cơ quan và cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra khi không phát hiện ra vi phạm của đối tượng được thanh tra, kiểm tra cũng là một “lỗ hổng” trong kiểm soát quyền lực, dẫn đến vụ việc TN, TC không được phát hiện, ngăn chặn từ sớm nên ngày càng “phát triển” thành vụ việc lớn hơn.

“Khoảng trống” nhân dân giám sát

Muốn phòng, chống TN, TC hiệu quả thì phải phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, bởi không có gì mà nhân dân không biết và không có gì qua mắt được nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Nhận thức rõ vấn đề này, suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, đến Đại hội lần thứ XIII vừa qua, Đảng đã bổ sung thêm “dân thụ hưởng”. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong phòng, chống TN, TC nói riêng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Quy chế dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, ngày 3-10-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW về hướng dẫn tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải công khai để nhân dân biết về nhiều nội dung, làm cơ sở góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, CB, ĐV...

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân vẫn là khâu yếu, thậm chí còn tồn tại nhiều “khoảng trống” dẫn đến nhân dân rất khó thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

Đầu tiên, việc công khai, minh bạch là cơ sở, điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia kiểm soát quyền lực, phòng, chống TN, TC, bởi nếu nhân dân không biết thì làm sao có thể kiểm tra, giám sát? Thế nhưng lâu nay, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, đối phó; thậm chí, có tình trạng không thực hiện công khai và hiện tượng cố tình đóng dấu “mật” vào những tài liệu lẽ ra cần công khai. Hình thức công khai cũng chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, dẫn đến rất ít người biết. Đơn cử, việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là biện pháp vô cùng hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, vì quần chúng sẽ giám sát, kịp thời phát hiện những tài sản bất thường, thông báo cho các cơ quan chức năng kiểm tra xem đó có phải là từ thu nhập phi pháp hay không; nhưng hiện nay, chúng ta chưa quy định công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ các cấp để đông đảo nhân dân được biết. Việc phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc (và một số trường hợp khác) cũng ít đơn vị thực hiện nghiêm.

“Khoảng trống” nữa là mặc dù Hiến pháp đã quy định rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Điều 8) và “... Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28)... song hiện nay, vừa thiếu những quy định chi tiết để thực hiện, vừa chưa có chế tài thực sự hiệu quả để bắt buộc các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản ánh, kiến nghị. Thậm chí, khá nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chấp hành nghiêm quy định tiếp công dân; vẫn còn hiện tượng trù dập, thành kiến với người khiếu nại, tố cáo, chưa thực sự quan tâm giải quyết.

Ngay việc dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là chủ trương nhất quán của Đảng, nhưng chúng ta cũng chưa có đầy đủ quy định để phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong công tác này, đặc biệt là chưa có quy định cụ thể để nhân dân tham gia vào việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và phòng, chống TN, TC trong đội ngũ CB, ĐV, dẫn đến không ít trường hợp chọn nhầm cán bộ hoặc không kịp thời phát hiện cán bộ vi phạm. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của CB, ĐV chưa hiệu quả”...

Thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật thì dư luận nhân dân đều có ý kiến xì xào về phẩm chất đạo đức, lối sống, về tài sản nghi ngờ bất minh từ trước khi những cán bộ này bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Vì thế, khi cán bộ đó bị kỷ luật hoặc truy tố thì người dân ở nơi cư trú và quần chúng cùng cơ quan, đơn vị cũng không mấy bất ngờ, nhất là với những cán bộ ngang nhiên vi phạm hoặc có nhiều dấu hiệu bất thường trong suốt thời gian dài, như: Trịnh Xuân Thanh (thời kỳ công tác tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương), Vũ Huy Hoàng (lúc là Bộ trưởng Bộ Công Thương), Tất Thành Cang (khi là lãnh đạo các cấp ở TP Hồ Chí Minh), hay một số cựu lãnh đạo của TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Thuận, Bộ Y tế... 

Những “lỗ hổng” trong cơ chế kiểm soát quyền lực, cùng với hệ thống pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, nhiều kẽ hở là nguyên nhân cơ bản khiến một số cán bộ thiếu bản lĩnh đã vi phạm pháp luật, kỷ luật. Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở những bài sau. (còn nữa)

Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế thì công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022).

 

Nhóm phóng viên

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: