Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969 (tức ngày 21/7 Âm lịch), Bác Hồ kính yêu đã đi xa mãi mãi. Trái tim của Người đã ngừng đập nhưng hình ảnh của Người, những lời dạy của Người vẫn còn mãi trong trái tim của Nhân dân ta và bạn bè quốc tế.

ngay cuoi cung cua bac 2
Hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị và rất mực ấm áp.

Cả cuộc đời vì Nước vì Dân

Trong bài thơ “Bác ơi”, Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác Hồ - Người đã dành cả cuộc đời để tìm con đường giải phóng cho dân tộc, cho Nhân dân. Kể cả khi sắp rời xa thế giới, về với cõi người hiền, Người vẫn luôn dành sự quan tâm cho Nhân dân cả nước, đau đáu một nỗi niềm “yêu nước, thương dân”.

Trở lại thời gian lúc 6h ngày 12/8/1969, Bác Hồ gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây để nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác lên cơn sốt và ho, rồi những ngày sau, Bác ho nhiều hơn, sốt nặng hơn. Nhưng Bác vẫn lên xuống Nhà sàn gắng gượng làm việc.

Theo đề nghị của bác sĩ, tối 17/8/1969, Bác Hồ không làm việc ở Nhà sàn nữa, Người xuống ở và làm việc tại ngôi nhà nhỏ phía sau Nhà sàn. Đây là ngôi nhà mà Bộ Chính trị đã quyết định làm cho Bác trong những ngày tháng 5/1967 khi Bác sang Trung Quốc để chữa bệnh, với mục đích để bảo đảm an toàn cho Bác trong những năm máy bay giặc Mỹ bắn phá Hà Nội.

Khi ấy, Bác không nhận sử dụng riêng cho mình, Bác đã nói: “Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ này thôi. Các chú lo cho Bác, cũng phải lo cho dân. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy”.

Một ngày Bác ốm nặng, nhưng Bác rất vui khi nghe báo cáo về Nghị quyết của Bộ Chính trị về kỷ niệm 4 ngày lễ lớn trong năm 1970. Bác nói với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: “Các chú nên bàn cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác không đồng ý đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970 (ngày 19/5 chính là ngày sinh nhật Bác). “Hiện nay, các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí...”, Bác dặn. Có lẽ, chưa lúc nào Bác dành một chút ưu tiên nào cho bản thân. Bởi hơn ai hết, Bác hiểu nỗi khổ của Dân, hiểu được chiến tranh còn nhiều gian khổ.

Những ngày tháng 8 năm 1969, trời mưa to, mực nước sông Hồng lên cao, trong lúc Bác đang lâm bệnh, Trung ương mời Bác lên ATK (an toàn khu) đề phòng đê sông Hồng vỡ gây lụt lội. Nhưng Bác bảo: “Bác không thể bỏ Dân, trước hết hãy lo cho Dân”. Vì vậy, Trung ương đã chuẩn bị xe lội nước để đưa Bác lên ATK nếu Hà Nội bị lụt và đằng sau xe Bác có nhiều xe lội nước khác để cứu dân.

Những ngày Bác ốm, mỗi lần tỉnh dậy sau cấp cứu, Bác hỏi han mọi việc, mà điều đầu tiên Bác hỏi: Nước sông Hồng đã xuống chưa?...

Những dự định còn dang dở

Ngày 29/8/1969, Bác nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng Lễ Quốc khánh, Bác sẽ ra dự mươi mười lăm phút.

Ngày 01/9/1969, Bác rất mệt, cũng có lúc tỉnh táo và nhanh nhẹn hơn, tự tay bưng và ăn được chén con long nhãn.

Nhưng 9h ngày 02/9/1969, Bác bị một cơn đau tim rất nặng. Các giáo sư, bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc phải thực hiện cấp cứu cho Bác.

Đến 9h47, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt: “Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi”. Thế là, 9h47 ngày 2/9/1969 truyền đến cho nhân loại một nỗi đau, Bác Hồ ra đi mãi mãi để cho “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Ngày Lễ Quốc khánh năm đó, đất nước vắng hình bóng Bác!

ngay cuoi cung cua bac 3
Đại tướng Võ Nguyên Giáp an ủi người dân trong ngày Quốc tang của dân tộc. Ảnh tư liệu.

            Trong thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (tháng 9/1954), Bác đã viết: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”. Bác luôn mang trong mình nỗi nhớ đồng bào miền Nam. Đặc biệt, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác càng nung nấu ý muốn là phải vào bằng được Nam Bộ với đồng bào, đồng chí miền Nam đang chiến đấu. Như biết trước được sức khỏe của Bác có phần giảm sút đi nhiều, lo lắng ý định không thể thực hiện được, một lần nữa Bác lại đề nghị được vào miền Nam để gặp gỡ đồng bào, động viên chiến sĩ.

Bác mong chờ được vào miền Nam. Cho đến tháng 8/1969, Bác nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nghe báo cáo tình hình chiến trường, vẫn theo dõi bản đồ chiến sự miền Nam. Mỗi khi tỉnh dậy sau cơn mệt nặng, bao giờ Bác cũng hỏi tin tức về miền Nam. Chưa vào được miền Nam, Bác yêu cầu hễ có đồng chí, đồng bào nào từ miền Nam ra thì phải cho Bác biết và đưa vào gặp Bác. Mỗi lần được gặp gỡ đại biểu từ miền Nam ra, Bác vui khoẻ hẳn lên.

Lúc trở bệnh, Người đề nghị được uống chút nước dừa. Như hiểu được lòng của Bác, đồng chí Vũ Kỳ  nói với mấy anh em bảo vệ ra hai cây dừa trước Nhà sàn lấy ở mỗi cây một trái, bổ ra hoà nước vào một chiếc cốc và tách ở mỗi trái một miếng cùi dừa bày vào đĩa, đưa lên cho Bác. Đó là hai cây dừa giống miền Nam hàng ngày Bác vẫn chăm bón. Bác đã nhấp một chút nước dừa để coi như được mang theo mình vào cõi trường sinh “nỗi nhớ miền Nam - nỗi nhớ nhà”...

Lăng Bác hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa, nguyện ước về nước Việt Nam hòa bình, độc lập, những người dân Việt Nam tự do của Bác đã trở thành hiện thực. Nhưng những dự định vào miền Nam, gặp đồng bào miền Nam… vẫn mãi dang dở! Có lẽ vì vậy mà người dân miền Nam mỗi khi có dịp ra Hà Nội đều sẽ cố gắng để vào Lăng viếng Bác. Như cô Nguyễn Hương Giang (hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu) chia sẻ: Tôi hay những người con miền Nam khác đều rất mong mỏi được vào Lăng viếng Bác, được nhìn thấy Bác. Bác vẫn nằm đó như những tình cảm Bác dành cho đất nước, cho Nhân dân vẫn luôn còn mãi với dân tộc Việt Nam.

Đã gần 53 năm từ ngày Bác ra đi, nhưng mỗi khi có dịp nhắc lại những câu chuyện về Bác, đặc biệt những ngày cuối đời, các thế hệ người dân Việt Nam lại trào dâng niềm xúc động khôn nguôi. Mỗi người dân khi đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xem bộ phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác” họ lại không kìm được những giọt nước mắt nhớ thương Người. Hình ảnh về bài viết cuối cùng về “người tốt việc tốt” Bác còn để lại, cây đa cuối cùng Bác trồng ở xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội ngày nay), buổi sinh hoạt vui cuối cùng với các cháu thiếu nhi… Cảnh ngôi Nhà sàn đã buông rèm, căn phòng với giường chiếu đơn sơ của Người giờ trở nên trống lạnh với những kỷ vật nằm im, lưu giữ lại một phần lịch sử… tất cả đã chạm đến trái tim của những người dân Việt Nam.

Nhớ về Bác, mỗi người dân Việt Nam nguyện sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, nỗ lực từng ngày để học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam như Bác hằng mong ước./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: