Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cao xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, bảo đảm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Trong 10 nhiệm vụ, giải pháp căn bản, Đảng nhấn mạnh, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(1).

Phát triển quan điểm của Đại hội, Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (25/10/2021) nêu rõ quan điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm đồng thời thúc đẩy tự phê bình, phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư yêu cầu: “Đề cao tinh thần “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa””(2). Tự phê bình nghiêm túc, tự soi, tự sửa trở thành giải pháp căn bản, quy luật trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. “Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”(3).

 

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII cho rằng, cần phải đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở, không để sai phạm kéo dài hoặc “đùn đẩy” lên cấp trên. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nhằm đề cao trách nhiệm, thống nhất hành động trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm trên dưới đồng thuận, dọc ngang thông suốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam sớm đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ tự phê bình, tự soi, tự sửa để rèn luyện tư cách của người cách mạng, của đảng viên cộng sản, nâng cao vai trò, vị thế, chất lượng và hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập đảng cách mạng, trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh. Trong 23 điểm có giá trị chuẩn mực về tư cách người cách mệnh, Người nhấn mạnh người cách mệnh phải ít lòng tham muốn về vật chất và cả quyết sửa lỗi mình. Đó là những chỉ dẫn có ý nghĩa đặc biệt cho đến ngày nay, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 1939, trước những sai lầm, khuyết điểm của một số tổ chức và đồng chí trong Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã công bố tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích. Trong tác phẩm đã thể hiện bản chất, bản lĩnh và thái độ đúng đắn của một Đảng chân chính cách mạng.

“Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”(4). Dù có khuyết điểm nhưng không mang tâm trạng thất bại mà hốt hoảng, bi quan, “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”(5). Đó là khí phách, bản lĩnh của một Đảng cách mạng, khoa học soi sáng nhận thức, hành động đến hôm nay.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, với vai trò của Đảng cầm quyền, mọi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm lớn lao với đất nước, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Phần đông cán bộ, đảng viên nắm cơ quan chính quyền đã tận tụy vì dân, vì nước. Nhưng cũng đã có những người mắc vào những lầm lỗi, những biểu hiện trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, tham lam, vác mặt “quan cách mạng”. Người nhắc nhở: “ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(6).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người thường xuyên tự xem xét mình đã làm được việc gì lợi cho dân, cho nước và cũng tự nhìn nhận những lầm lỗi của mình để quyết sửa chữa. Đó là điều căn bản nhất và cũng là thái độ tích cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”(7). Toàn Đảng nắm vững quan điểm đó để hành động đúng. Mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ điều đó để tự soi, tự sửa, để tiến bộ chứ không phải kết thúc sự nghiệp. Người yêu cầu phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, mục đích là cốt sửa chữa chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. “Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”(8). Phương pháp phê bình và tự phê bình như thế vừa nghiêm túc, khoa học, hiệu quả, vừa củng cố sự đoàn kết, tình thương yêu đồng chí, tạo nên sức mạnh và sự bền vững của Đảng.

 

Trong mười năm qua, với quyết tâm chính trị cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với những giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có kết quả rất quan trọng và những kinh nghiệm cần thiết, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay và sắp tới còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao hơn từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả hơn, kết hợp chặt chẽ phòng và chống, xây và chống. Tăng cường giáo dục, rèn luyện lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức cộng sản theo tấm gương Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước. Siết chặt kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định những điều đảng viên không được làm. Quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn, tăng cường kiểm soát quyền lực với những người có chức, có quyền. Hoàn thiện chính sách, pháp luật để cán bộ, đảng viên không thể và không dám tham nhũng, phạm vào tiêu cực. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát.

Cần đề cao tinh thần “tự soi”, “tự sửa” trong mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức đảng, chính quyền và các cấp trong hệ thống chính trị, coi đó là giải pháp mang tính tích cực, có hiệu quả thiết thực. Những người vướng vào tham nhũng, tiêu cực nghĩa là làm những việc xấu, khuất tất, trái với chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật, sẽ phải sống trong trạng thái bất an, lo sợ bị phát hiện; luôn tìm cách giấu giếm khuyết điểm, sai phạm, cũng có khi sống, làm việc trong ân hận, mặc cảm. Để ra khỏi sự bế tắc đó, họ cần phải dũng cảm, trung thực và thẳng thắn nhận lỗi trước tổ chức đảng, chính quyền, trước các cơ quan chức năng (kiểm tra, nội chính, thanh tra, công an) và quyết tâm sửa chữa nếu mắc vào suy thoái, tiêu cực, bồi hoàn vật chất nếu tham nhũng. Đó chính là “tự soi”, “tự sửa”, là chủ động sửa chữa, là hành động tích cực để khắc phục sai phạm và tiêu cực. Những người làm được điều đó rất đáng hoan nghênh vì họ đã tự mình nhận thức được đúng, sai, phải, trái và có hành động đúng. Họ biết đề cao danh dự là cái thiêng liêng của mỗi con người. Ai cũng có thể mắc sai lầm, ngã ở đâu đứng lên ở đó. Đó là điều quan trọng để giữ danh giá của mình và bảo vệ uy tín, thanh danh của Đảng./.

-----------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 193.

(2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.336.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.624.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.627.

(6) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.66.

(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 5, tr.290.

(8) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 5, tr.308.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: