Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho lực lượng Công an nhân dân sự quan tâm đặc biệt. Những điều Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an về đạo đức cách mạng là những điều được rút ra từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

suc lan toa
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô (14/2/1961)

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SỸ CÔNG AN NHÂN DÂN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho lực lượng Công an nhân dân sự quan tâm đặc biệt. Người khẳng định: “Công an nhân dân hoàn toàn khác với công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân… Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(1) và nêu lên vị trí, nhiệm vụ của ngành công an: “Công an là bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của nhân dân đối với các thế lực phản động khác”(2). Để đảm đương sứ mệnh vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề đó, Hồ Chí Minh đã xác định “những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng”(3)được thể hiện trong các mối quan hệ:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(4).

Trong các mối quan hệ, mối quan hệ đối với mình luôn là mối quan hệ thường trực và khó xử lý nhất. Bởi vậy, “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính” đã được Hồ Chí Minh đặt lên ở vị trí đầu tiên như là một điều kiện tiên quyết, một điểm xuất phát trong khi xem xét tư cách của người công an. Trong nhiều bài viết khác của Người, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến cần, kiệm, liêm, chính như là những quy tắc cơ bản của đạo đức cách mạng, là “bốn đức cách mạng” của đời sống mới. Ở đây, một lần nữa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phẩm chất này như những nhân tố nội sinh tạo lập nền tảng đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong hoàn cảnh luôn luôn phải đấu tranh với sai trái, tiêu cực của đời sống xã hội. Không tự mình giữ được cần, kiệm, liêm, chính, thì người chiến sỹ công an cũng không thể đấu tranh và bảo vệ cho lẽ phải, cho sự trong sạch của xã hội.

Trong mối quan hệ với người của cán bộ, chiến sĩ công an, Hồ Chí Minh đề cập đến bốn mối quan hệ cụ thể: với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với địch. Trong các mối quan hệ đó, cái nền cơ bản vẫn là nhân dân. Bởi theo Hồ Chí Minh, công an là một trong hai lực lượng bảo vệ dân, bảo vệ Nhà nước, nên công an phải lấy việc bảo vệ dân làm chức năng, làm lý do tồn tại của mình. Người khẳng định “Làm công tác chính quyền, ở Công an, hay ở Quân đội đều là đầy tớ cho nhân dân cả”(5). Công an nhân dân vì dân phục vụ, đồng thời còn là bạn dân, giúp đỡ nhân dân, tổ chức giáo dục nhân dân trong công tác phòng gian, trừ gian. Công an “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào nhân dân thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của công an”(6). Đối với Chính phủ - cơ quan được nhân dân trao quyền, thì sự trung thành của lực lượng công an, được Hồ Chí Minh nhấn mạnh là ‘tuyệt đối trung thành”. Tuyệt đối trung thành với Chính phủ ở đây cũng là tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với con đường mà nhân dân ta đã chọn, thể hiện rõ lập trường kiên định, rõ ràng, dứt khoát của người chiến sĩ công an. Những luận điểm phi chính trị hóa, trung lập hóa đội ngũ công an là luận điệu cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của một chế độ, sự ổn định của đất nước.

Trong sáu điều nói về tư cách của người công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đề cập một điều thái độ với công việc là phải tận tụy. Một điều tuy ngắn nhưng đã bao quát được yêu cầu về tinh thần, thái độ với công việc. Tận tụy có nghĩa là “phải để công việc nước lên trên, lên trước việc tư, việc nhà” và đã “phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”[1]. Tận tụy là thái độ cần mẫn, chịu khó với mục đích công việc được xác định rõ ràng. Điều này, trái ngược với thái độ chểnh mảng, hời hợt và căn bệnh lười biếng.

“Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo” là một vấn đề vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính nghệ thuật trong đấu tranh. Tiêu chí phân biệt bạn – thù được Hồ Chí Minh nêu ra là: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”[2]. Trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự, với tư cách là lực lượng nòng cốt, công an nhân dân phải tiến hành cuộc đấu tranh không có trận tuyến rõ ràng; bạn, thù trà trộn, đan xen; khi đấu tranh công khai, trực diện, khi bí mật, do vậy đòi hỏi người công an sự sáng suốt, khôn khéo và một bản lĩnh vững vàng, không khoan nhượng đối với bất cứ kẻ địch hoặc hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích của nhân dân.

Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân hàm chứa những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý, là sự tổng kết sâu sắc về phẩm chất đạo đức, về tình đồng chí, đồng đội, về lòng trung thành với Đảng, với Chính phủ, về quan điểm quần chúng của Công an với nhân dân, về tinh thần, trách nhiệm với công việc, về thái độ với đối tượng đấu tranh của người công an. Sáu điều dạy về tư cách của người công an cách mạng là một bộ phận trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là sự tiếp nối của Tư cách người cách mệnh được nêu trong Đường cách mệnh, lời nhắc nhở về tư cách đạo đức trong cuốn Sửa đổi lối làm việc; được tiếp tục phát triển ở các bài viết của Người về “Đạo đức cách mạng” “Cần, kiệm, liêm, chính” “Nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”…Những lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

suc lan toa 2
Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963). (Ảnh tư liệu – Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

SỨC LAN TỎA CỦA ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SỸ CÔNG AN NHÂN DÂN

Sự lan tỏa ấy được thể hiện trong việc học tập, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh của toàn lực lượng công an nhân dân.

Ngay từ năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, phong trào công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã gắn với phong trào thi đua ái quốc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Các số báo của Nha Công an Trung ương đã đăng bức thư của Bác Hồ và nêu định hướng cơ bản về việc học tập, quán triệt đến các cán bộ, chiến sĩ. Ở các vùng tự do, lực lượng công an hưởng ứng phong trào bằng hình thức như: tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, quán triệt, nội dung thư của Bác Hồ; mở lớp chỉnh huấn, tổ chức tuyên thệ trung thành với Tổ quốc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy.

Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của dân tộc, lực lượng công an nhân dân đã thường xuyên duy trì phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang khác và các tầng lớp nhân dân tạo thành sức mạnh to lớn giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn an toàn trật tự xã hội lại càng diễn biến phức tạp hơn. Lực lượng công an nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Đặc biệt phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy ngày càng phát triển sâu rộng khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 92/CT-TW ngày 25-6-1980 về cuộc vận động “Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Tiếp đó, Bộ Công an đã có nhiều Chỉ thị nhằm cụ thể hóa các nội dung yêu cầu của phong trào này như Chỉ thị số 04CT/BNV năm 1984 phát động trong toàn lực lượng “Phong trào phong trào học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều dạy của Bác Hồ kính yêu đối với Công an nhân dân”, Chỉ thị số 214 CT/BNV năm 1994 “Tiếp tục học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12CT/BNV năm 1997 đẩy mạnh cuộc vận động lên tầm cao mới nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày lực lượng Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại. Qua đó, 6 điều Bác Hồ dạy về “Tư cách người công an cách mệnh” đã trở thành chuẩn mực, là mục tiêu phấn đấu, phương châm hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Năm 2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 06 phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày 17/1/2007, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCA (X11) về việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW của Bộ Chính trị Về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Công an nhân dân. Tiếp đó, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo, thực hiện nhất quán chủ trương lồng ghép chặt chẽ các phong trào: học tập, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy, cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua khác trong Công an nhân dân. Gần đây nhất, Đảng ủy CATW ban hành Kế hoạch số 69-KH/ĐUCA thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Công an nhân dân, trong đó xác định nội dung thực hiện hằng năm và xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung nội dung học tập, làm theo Bác và nêu gương; gắn với thưc hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại đơn vị, địa phương; thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Chủ động củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả Ban Chỉ đạo 35, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phản bác kịp thời các hoạt động xuyên tạc, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, các công trình khoa học nghiên cứu, biên soạn thành tài liệu phổ biến, giáo dục về 6 điều Bác Hồ dạy, về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các đơn vị công an trong cả nước đã liên tục phát động phong trào thi đua với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo nhằm vận dụng, thực hiện Sáu điều dạy của Bác vào từng lĩnh vực công tác chuyên môn và rèn luyện hàng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Các phong trào “Hành động cách mạng theo Sáu điều Bác Hồ dạy, xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện” gắn với việc giáo dục truyền thống cách mạng qua các đợt sinh hoạt chính trị “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Hành quân theo chân Bác”, tổ chức các diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” và thực hiện các khẩu hiệu hành động “Công an nhân dân Việt Nam trung thành với Đảng, tận tụy với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Làm hết việc, chứ không phải làm hết giờ”; “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”; “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”;... đã trở thành các cuộc vận động sâu rộng. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt chính trị, liên hệ kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo 6 điều Bác Hồ dạy gắn với bình xét phân loại, xây dựng chương trình hành động, ghi sổ tu dưỡng; phát động các cuộc thi đua ngắn, thi đua học tập, ký kết giao ước thi đua, báo công dâng Bác; biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn quân…đã làm cho phong trào thêm phong phú, sinh động. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an ngày đêm có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình” là niềm tin yêu, là chỗ dựa tin cậy của các tầng lớp nhân dân.

Hiệu quả của sự lan tỏa ấy được thể hiện cụ thể, sinh động ở những thành tích, sự trưởng thành của lực lượng công an nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an nhân dân đã vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Với phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong nội bộ, từ khẩu hiệu “Ba không” và cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” với các hình thức tổ chức “Ngũ gia liên bảo”, “Thập gia liên bảo”, lực lượng công an đã tạo nên sức mạnh to lớn để hoàn thành nhiệm vụ, khám phá, tiêu diệt các mạng lưới gián điệp của thực dân Pháp, đưa người của ta vào cơ quan của địch để điều tra tình hình, nắm âm mưu của chúng. Điển hình là vụ chiếc thông báo hạm Amiô Đanhvin bị công an đánh chìm tại Vịnh Bắc Bộ, diệt hơn 200 sĩ quan và thủy thủ Pháp; vụ bắt giữ 3 tên Việt gian cấp ủy viên Trung ương Quốc dân đảng; trấn áp, làm tan rã nhiều tổ chức phỉ ở vùng Tây Bắc; bảo vệ an toàn Bộ chỉ huy các chiến dịch, bảo vệ các đoàn dân công phục vụ các chiến dịch Điện Biên Phủ….

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng công an vừa làm nhiệm vụ bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện đắc lực cho an ninh miền Nam đánh giặc. Được quần chúng nhân dân hỗ trợ, Công an nhân dân đã bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa, bóc gỡ các tổ chức gián điệp; phối hợp cùng với Quân đội truy quyét và làm tan rã nhiều ổ nhóm phỉ hoạt động ở biên giới Việt, Trung, tiêu diệt hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ ngụy; chiến đấu ngoan cường trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc làm hạn chế thấp nhất sự thiệt hại về người và của, giữ vững an ninh chính trị. Ở miền Nam, lực lượng an ninh miền Nam đã bám đất, bám dân, chủ động diệt ác, phá kìm, làm thất bại âm mưu và hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ an toàn căn cứ địa kháng chiến trước sự đàn áp khốc liệt, dã man của kẻ thù. Những chiến công của lực lượng công an nhân dân đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng công an đã chủ động đổi mới chủ trương và biện pháp công tác, dũng cảm, phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều hoạt động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế quan trọng; giữ vững trật tự an toàn xã hội. Trong phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, lực lượng công an nhân dân đã lập bao chiến công, đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương sáng về lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng, về ý thức phụng sự nhân dân, về tinh thần khắc phục khó khăn, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trên mặt trận giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm, tội phạm nguy hiểm, tiêu biểu như vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn, vụ án Trương Văn Khánh, triệt phá ổ nhóm ma túy tại Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) do trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận cầm đầu (năm 2018)... Trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị, lực lượng công an đã lập án đấu tranh với hành chục tổ chức phản động, có sự câu móc, chỉ đạo của các thế lực phản động bên ngoài, điển hình như chặn đứng các cuộc xâm nhập Đông tiến I, II, III của tổ chức “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam”, đập tan âm mưu và hoạt động của tổ chức “Liên đảng cách mạng Việt Nam”, đấu tranh chống Fulro trên địa bàn Tây Nguyên; giải quyết vụ bạo loạn ở Mường Nhé…Ngay trong thời bình, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an đã hy sinh để bảo vệ bình yên cho nhân dân như anh hùng liệt sĩ Lâm Văn Thạnh (Công an tỉnh Lâm Đồng), Lưu Thế Hà (Cục Cảnh sát bảo vệ), Lê Thanh Á (Công an thành phố Hải Phòng), Lê Thế Bùi (Công an thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Văn Chiến (Công an tỉnh Hà Giang), Nguyễn Văn Ngữ (Công an thành phố Hà Nội)… Từ năm 2016 đến năm 2021, lực lượng Công an nhân dân có 70 đồng chí hy sinh, gần 1.500 đồng chí bị thương, hơn 300 đồng chí bị phơi nhiễm HIV trong khi thi hành công vụ được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, Công an các đơn vị, địa phương xây dựng mới hơn 200 mô hình điển hình “Học và làm theo Bác”.

Tuy nhiên, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp, những thành tích vẻ vang, lực lượng Công an nhân dân vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Một số cán bộ, chiến sĩ kể cả những cán bộ cấp cao của ngành công an vi phạm kỷ luật, bị lung lạc, sa ngã trước những cám dỗ vật chất; chưa toàn tâm, toàn ý phụng sự cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; phong cách làm việc, thái độ ứng xử với nhân dân chưa đúng mực, gây bức xúc trong dư luận…. Sự tiếp tay của một số cán bộ chiến sĩ công an, đặc biệt là cán bộ cấp cao trong ngành cho các loại hình tội phạm không chỉ gây nên thiệt hại to lớn về kinh tế mà nghiêm trọng hơn còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và thế giới. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.  Bên cạnh đó, là tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, mặt trái của hội nhập quốc tế cũng tác động không nhỏ đến tư tưởng, lối sống của cán bộ chiến sĩ công an.

Những điều Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an về đạo đức cách mạng là những điều được rút ra từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Và thực tiễn lịch sử ngành công an gần 80 năm qua đã chứng minh chân lý giản dị nhưng rất sâu sắc đó là khi người cán bộ chiến sĩ công an vẫn giữ cho mình đạo đức trong sáng, tinh thần tận tụy thì khi ấy lực lượng công an mới có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người cách mạng nói chung, với cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng là đạo lý yêu nước, thương đồng bào, giàu lòng nhân ái, xây dựng phong cách làm việc văn minh, lối sống và ứng xử văn hóa, vì nhân dân phục vụ vẫn chứa đựng những giá trị vững bền trong công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập quốc tế hôm nay.

-----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t.7, tr. 269

(2) Viện Nghiên cứu khoa học Công an, Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành công an nhân dân, Nxb Công an, H, 1980, tr, 19, 11

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 499

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 498-499

(5) Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác an ninh trật tự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1990, tr 41

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 260

TS Lê Thị Hằng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo https://www.tuyengiao.vn

Hà An (st)

Bài viết khác: