Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

chinh sach thang 9

 1. Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Theo đó, Pháp lệnh quy định mức phạt đối với các hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật như sau:

- Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng với hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

- Phạt tiền từ 05 - 15 triệu đồng với một trong các hành vi:

+ Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;

+ Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

Riêng trường hợp luật sư thực hiện hành vi trên thì phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung đối với các vi phạm trên là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, việc tiết lộ bí mật điều tra cũng bị phạt nặng với các mức phạt như:

- Phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra.

- Phạt tiền từ 08 - 15 triệu đồng với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm kéo dài thời gian điều tra, luật sư tiết lộ bí mật điều tra.

- Phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với luật sư tiết lộ bí mật điều tra làm kéo dài thời gian điều tra.

2. Nghị quyết số 54/2022/QH15 thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Theo đó, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Việc tổ chức hoạt động lao động, học nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đảm bảo nguyên tắc an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù.

Phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Thu nhập từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam của đơn vị hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một số trường hợp phạm nhân không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam bao gồm phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên; phạm nhân tái phạm nguy hiểm…

3. Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Nghị định bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11 như sau: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hoá cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hoá, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 13 như sau: Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Bổ sung khoản 3 Điều 13: Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau: Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Bổ sung khoản 8 Điều 34 Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau: Từ ngày 01/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

4. Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 05/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Theo đó, các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định của Thông tư này.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng. Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hàng năm hoặc định kỳ phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị theo quy định tại Thông tư này; thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch.

Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định của Thông tư này; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận và phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

5. Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Thông tư quy định rõ về mức chi soạn thảo văn bản đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch, nghị định của Chính phủ:

Trường hợp văn bản ban hành mới hoặc thay thế: Mức chi sẽ là 11 triệu đồng/dự thảo văn bản thay cho mức 7,5 triệu đồng/ dự thảo văn bản như hiện nay.

Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi sẽ 6,5 triệu đồng/dự thảo văn bản thay cho mức 4,5 triệu đồng/ dự thảo văn bản.

Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Văn bản ban hành mới hoặc thay thế, mức chi tăng từ 6 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 9 triệu đồng/dự thảo văn bản;

Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi tăng từ 4 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 6 triệu đồng/dự thảo văn bản.

Đối với thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Trường hợp văn bản ban hành mới hoặc thay thế: Mức chi tăng từ 4 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 6 triệu đồng/dự thảo văn bản.

Đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:

Mức chi cho văn bản ban hành mới hoặc thay thế tăng từ 3,2 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 4,8 triệu đồng/dự thảo văn bản.

6. Thông tư số 44/2022/TT-BTC ngày 21/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Có hiệu lực từ ngày 05/9/2022.

Theo Thông tư, 2 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng gồm: Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, thực hiện trợ cấp hàng tháng và trợ cấp 1 lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg;…

7. Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP. Có hiệu lực từ ngày 12/9/2022.

Cụ thể, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng. Trong đó, 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.

Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng.

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có)...

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.

Ngoài ra, trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.

8. Thông tư số 55/2022/TT-BQP ngày 27/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.

Thông tư này hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thông tư áp dụng đối với:

(1) Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

(2) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng (sau đây gọi là công nhân viên chức quốc phòng), người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ (sau đây gọi là người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ) đang tại ngũ, công tác hoặc đã chuyển ra.

(3) Người có công với cách mạng đang tại ngũ, công tác.

Thông tư hướng dẫn cụ thể về 24 quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng với 23 đối tượng, trường hợp khác nhau.

9. Thông tư số 48/2022/TT-BTC ngày 03/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Có hiệu lực từ ngày 17/9/2022.

Theo đó, mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin kể từ ngày 17/9/2022 - 31/12/2023, được giảm 50% mức thu quy định (1 nghìn đồng/ thông tin) trong các trường hợp:

Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy; Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác; Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công; Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm; Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp.

Đối với phí khai thác kết quả thống kê, mức phí khai thác kết quả thống kê, phân tích, mức phí khai thác kết quả thống kê, phân tích, dự báo được giữ nguyên theo quy định.

10. Thông tư số 18/2022/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư ở địa phương. Có hiệu lực từ ngày 30/09/2022.

Thông tư này áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư.

Danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi gồm: 1- Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; 2- Thẩm định dự án; 3- Đấu thầu và quản lý đấu thầu; 4- Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; 5- Quản lý quy hoạch; 6- Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế; 7- Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; 8- Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định nêu trên là từ đủ 03 năm đến 05 năm./.

 

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: