Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

kien dinh
Ngày 11/11/2021 (giờ Mỹ), trong cuộc bầu cử diễn ra tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76, Việt Nam đã tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027. Trong ảnh: Toàn cảnh cuộc bầu cử tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: TTXVN

Những nỗ lực hiện thực hóa đường lối đối ngoại đó đã góp phần đáng kể giúp đất nước đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp sau hơn 35 năm đổi mới. Như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, được tổ chức cuối năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc là nguyên tắc bất biến. Bên cạnh cuộc chiến đấu bảo vệ giang sơn và độc lập, chủ quyền đất nước, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng truyền thống và bản sắc riêng cho đối ngoại Việt Nam. Truyền thống đó được phát huy, tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, phát triển thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm bản sắc dân tộc.

Đối ngoại Việt Nam kế thừa truyền thống yêu nước, hòa hiếu, nhân văn của dân tộc và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và trực tiếp triển khai trên hành trình tìm đường cứu nước. Người luôn quan tâm chỉ đạo công tác đối ngoại và đoàn kết quốc tế nhằm phát huy sức mạnh dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Độc lập, tự chủ là tư duy nổi bật và nhất quán trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Độc lập, tự chủ là đặc trưng, bản lĩnh đối ngoại của dân tộc, Người đã kế thừa, vận dụng các giá trị ấy, vạch ra đường lối đối ngoại phù hợp điều kiện lịch sử từng giai đoạn cụ thể.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao yêu hòa bình, giàu tính nhân văn của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng luôn được phát triển và hoàn thiện trong các giai đoạn cách mạng. Tinh thần độc lập, tự chủ thể hiện trong những văn kiện đầu tiên của Đảng, trong tư tưởng chỉ đạo từ giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, cho đến tiến trình đưa đến Hiệp định Geneva năm 1954 rồi Hiệp định Paris 1973. Từ các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do, đến đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều khẳng định ngoại giao là một nhân tố quan trọng, đóng góp cho thắng lợi chung. Giai đoạn củng cố hòa bình, tái thiết và xây dựng đất nước, cũng như nỗ lực phá thế bao vây, cấm vận và huy động sự ủng hộ của thế giới tiếp tục khẳng định vai trò đóng góp quan trọng của hoạt động đối ngoại.

Phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các nỗ lực đối ngoại thời kỳ đổi mới. Đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. Chủ trương "thêm bạn, bớt thù" đã được phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt, đó là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, đánh giá về thành tựu của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả đóng góp nổi bật của công tác đối ngoại: Từ nỗ lực phá thế bao vây, cấm vận, đối ngoại đã góp phần tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và huy động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Ngoại giao góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, đóng góp tích cực và có trách nhiệm thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Là đất nước từng trải qua chiến tranh, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, tự do. Đường lối đối ngoại của Việt Nam được thực hiện một cách đa dạng, phù hợp từng giai đoạn lịch sử, song trên hết và luôn vì lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở phù hợp các giá trị chung của nhân loại, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia và củng cố nền hòa bình lâu dài, môi trường ổn định để phát triển đất nước./.

 

Sơn Ninh

Theo Báo Nhân Dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: