Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao-chính là ý Đảng, lòng dân, là quyết tâm của toàn dân tộc, nhằm hiện thực hóa ý nguyện thiết tha của Bác Hồ trước khi Người đi xa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lần đầu lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, như một mốc son chói lọi. Ảnh: Đăng Khoa
…Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Ðằng
Nước ta có chữ viết đã mất đi hay xuất hiện khá muộn so với một số dân tộc khác. Bởi vậy, việc ghi chép, lưu trữ quá ít ỏi. Hơn thế, giặc ngoại xâm lại luôn đốt sách, giết hại trí thức để dễ bề cai trị, đồng hóa.
Do đó, truyền miệng trở nên một phương thức đặc biệt trao truyền thế hệ, để bảo vệ truyền thống văn hóa nước nhà, là cách ông cha gửi tới con cháu mai sau những thông điệp tinh tế mà kẻ thù không thể nào hiểu được, không thể ngăn chặn được.
Truyền thuyết Âu Cơ trăm con, trăm trứng, trong sâu thẳm, hàm chứa những giá trị tối quan trọng gì? Đó là sự nhắc nhở ai ở đâu, từ đâu đến, dưới cõi trời Nam này đều chung một bọc trong đất nước thiêng liêng. Đó là nghĩa đồng bào, đó là thương yêu, đoàn kết, muôn người một bụng để chung tay xây dựng và bảo vệ cơ đồ, làm cho con người gắn bó với con người, con người gắn bó không rời với quê hương, đất nước.
Hình ảnh Mai An Tiêm trong chuyện cổ tích thể hiện những phẩm chất gì của người Việt? Là khắc phục khó khăn, tự lực cánh sinh, là bền chí thì nên. Câu chuyện Thạch Sanh là lời nhắc nhở đến những ước vọng ngàn đời nào? Là lao động, là nhân nghĩa, là tay không mà nổi cơ đồ, từ người hái củi có thể thành phò mã, thành vua làm chủ đất nước; là dùng lòng nhân và văn hóa (tiếng đàn) mà đuổi giặc, trị nước, hòa hiếu bang giao, giữ nền thái bình muôn thuở. Từ truyền miệng đến thành văn, vẫn một dòng chung chảy ấy khi Nguyễn Trãi viết: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…; Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Hòa bình là gốc của nhạc…
Hình tượng Thánh Dóng là sự cô đọng những đúc kết sâu xa, trường cửu nào? Là chuyện các bậc anh hùng có thể được sinh ra, tiềm tàng khắp nơi nơi thôn dã, trong nhân dân. Là cách chiêu hiền đãi sĩ, ứng xử với người tài. Là khi cần giải quyết một nhiệm vụ lớn lao, dân tộc ta biết lớn mạnh một sức thần. Nguyễn Trãi từng chứng nghiệm và gieo niềm tin Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có. Nhân dân, và chỉ có nhân dân, mới là người sáng tạo ra lịch sử. Những hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, những tục ngữ "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", rồi câu đối ở Đền Dóng, Phù Đổng Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/ Đằng vân do hận cửu thiên đê (Phá giặc còn hiềm ba tuổi muộn/ Cưỡi mây vẫn giận chín trời hèn). Khí phách ngất trời ấy, hỏi mấy nơi có được?
Rồi Bụt và Tiên, không gì khác, là sự khắc họa niềm tin yêu vào những điều kỳ diệu trong cuộc sống, làm cho con người luôn mơ ước và khát vọng. Khát vọng lớn nhất của người Việt là được sống hạnh phúc với những điều kỳ diệu, được sống trong độc lập tự do. Và để có cuộc sống ấy, người Việt luôn đề cao trách nhiệm, bổn phận đối với Tổ quốc, thấy được hạnh phúc trong nghĩa vụ thiêng liêng, luyện chí anh hùng Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan; Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng.
Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tích tụ cho mình những phẩm chất, sức mạnh vô song. Nhờ sức mạnh ấy, mà dân tộc ta luôn chiến thắng trước các đội quân xâm lược hùng mạnh. Nhờ sức mạnh ấy mà chúng ta mở mang bờ cõi rộng dài, từ Trường Sơn hùng vĩ đến Trường Sa bát ngát, từ Hoàng Liên cao ngất đến Cửu Long mật ngọt phù sa.
Nhưng rộng dài đến đâu, người Việt vẫn hướng về nguồn cội Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba…; là nhung nhớ quặn thắt, là máu chảy về tim Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…
Đất nước như vậy, con người như vậy, nên dân tộc ta luôn có những bước phát triển, nhảy vọt trong tiến trình lịch sử, mà thí dụ tiêu biểu nhất là Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", cuộc cách mạng "ba trong một": Đánh đổ chế độ phong kiến chấm dứt thời kỳ trung cổ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa đầu tiên trong khu vực, từ một nước lạc hậu, hòa vào và tiên phong trong trào lưu phát triển hiện đại của thế giới. Lời tuyên ngôn còn hào sảng đến muôn sau: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa".
Đã 77 năm trôi qua kể từ ngày ấy. Chế độ mới đã đem lại cho dân tộc ta những sức mạnh mới, một cuộc sống mới, một vị thế vẻ vang chưa từng có trong lịch sử.
Tiếp nối và nhân lên gấp bội
Tất cả những truyền thống vẻ vang của dân tộc đều được tiếp nối và nhân lên gấp bội trong Thời đại Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước hết, là son sắt một con đường: Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có cách mạng dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản, "chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ" (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, Báo Nhân Dân, 22/4/1960).
Con đường ấy là con đường độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Con đường ấy là con đường dân chủ, là mọi lối đều vì dân. Nguyễn Trãi từng mượn lời người xưa nhắc nhở: "Chở thuyền là dân. Lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước". Bác Hồ khẳng định: "Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại". Trên con đường ấy, không ai được quyền đứng trên nhân dân, không ai được tỏ ra kiêu ngạo cộng sản như Lênin từng chỉ rõ: "Những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương nhân dân" (V. I. Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, M, 1976, t.44, tr.38).
Sức mạnh vượt trội của thời đại Hồ Chí Minh là sức mạnh của nhân dân, của dân tộc khi có sự lãnh đạo của Đảng, là sức mạnh của văn hóa Hồ Chí Minh, là sự không tách rời của quan hệ máu thịt giữa dân và Đảng.
Khi nào Đảng xa Dân, Dân xa Đảng thì sức mạnh ấy không còn. Dân không tin những lời hoa mỹ, dân nhìn vào việc làm, vào phẩm chất. Bởi vậy, để tăng cường sức mạnh của thời đại, nhân dân vốn đã anh hùng, tài trí, cần phải dũng cảm nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thiện mình; phải vững vàng son sắt niềm tin nơi Đảng, phải tích cực tham gia xây dựng Đảng.
Trong Di chúc, Bác căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Trái tim cán bộ, đảng viên phải thanh cao, phải rung lên trước đau khổ, bức xúc của mỗi người dân Việt, không được bó hẹp ở phạm vi nào. "Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ" như lời dạy của Bác, thì lo gì kẻ thù nào, sự phá hoại nào, lo gì dân không tin theo và tận hiến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 3/2/2020: "Một Đảng Cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, tôn trọng, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên".
Đúng vậy! Sức mạnh lịch sử đang dồn tụ, hồng lên ngày mới. Đảng trong Dân, Dân trong Đảng dưới ngọn cờ Tư tưởng Hồ Chí Minh đang làm mọi nẻo đường Tổ quốc tưng bừng sức mới, sải cánh tương lai.
Thời đại lớn cho ta đôi cánh
Không có gì hơn Độc lập Tự do!
Chúng ta đang tiến tới 100 năm Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta nhất định tiến đến ngày ấy, trong niềm tự tin hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường với sự dồn nén, thăng hoa của sức mạnh truyền thống và hiện đại./.
Nguyễn Sĩ Đại
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)