Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Thời gian qua, bất chấp những thành quả vượt bậc trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều thủ đoạn công khai, trực diện, hòng hạ thấp uy tín của Đảng. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng rất nguy hiểm, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những thủ đoạn cơ bản, xuyên suốt mà các thế lực thù địch ra sức chống phá đối với cách mạng nước ta. Đây là vấn đề không mới, nhưng hết sức nguy hiểm, bởi nó đánh vào nền tảng sức mạnh tổng hợp của toàn dân và đất nước, làm suy yếu nước ta từ bên trong, tạo sự ly khai, cát cứ trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược, gây sự bất ổn định về chính trị,... để dễ bề kêu gọi can thiệp từ bên ngoài.

Để thực hiện mưu đồ đó, chúng ra sức lợi dụng những khó khăn, bức xúc của đồng bào các dân tộc trong cuộc sống; lợi dụng những yếu kém trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng các phần tử cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị,... để xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận thành tựu công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước nói chung, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, bằng nhiều thủ đoạn ngày càng công khai và trực diện hơn. Gần đây, lợi dụng những khó khăn của đồng bào, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh,... chúng đẩy mạnh các luận điệu vu khống xuyên tạc, rằng: “Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”(!). Đây là sự vu khống, bịa đặt một cách trắng trợn, lố bịch, không thể chấp nhận được, cần được vạch trần và đấu tranh bác bỏ.

Trước hết, cần khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trên cơ sở tiếp thu quan điểm về vai trò quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ truyền thống của dân tộc Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Người cho rằng, các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng, cùng nhau phát triển: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”1. Kế thừa tư tưởng đó, trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn xác định, “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”2. Quan điểm về sự bình đẳng giữa các dân tộc còn được thể hiện nhất quán trong Hiến pháp của Nhà nước ta. Điều 5, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Nhằm làm cơ sở cho thực hiện tốt chính sách dân tộc, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành nghị quyết riêng (Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003) về Công tác dân tộc. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành các luật khung và luật chuyên ngành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền cũng như chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã xây dựng, ban hành 118 văn bản chính sách; 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có các nhóm chính sách: về giảm nghèo bền vững; giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, miền núi và nhóm chính sách, cơ chế đặc thù về truyền thông và tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, v.v. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó thể hiện sự nhất quán, quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số, không có sự phân biệt đối xử như các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

Thành tựu về thực hiện chính sách dân tộc của Việt Nam là không thể phủ nhận. Theo đó, công tác phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những tiến bộ; chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Với chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, quy mô, mạng lưới trường, lớp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số được học tập, ăn ở tại trường. Triển khai Đề án củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, đã có nhiều lớp học, phòng phục vụ học tập được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Hiện nay, đã có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố, với 109.245 học sinh, trong đó, có khoảng 40% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên qua từng năm học. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và 185.671 học sinh. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%; cấp trung học cơ sở đạt 92%. Có 15,2% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015, Nhà nước đã đầu tư khoảng 135.000 tỉ đồng (tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước3) giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, giai đoạn 2016 - 2018 đạt bình quân 07% và tăng dần hằng năm. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm, bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 04%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn, giảm trên 04%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 05% - 06%/năm trở lên. Giai đoạn 2015 - 2019, đã có 08/64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của chính phủ thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của chính phủ thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135. Từ năm 2013 - 2020, bộ mặt nông thôn cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng được đổi thay rõ rệt; thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Đồng thời, Chính phủ tập trung xây dựng hàng vạn công trình hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chủ yếu là đường giao thông, nhất là đường giao thông đến trung tâm các xã hầu hết được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng; hệ thống điện, thủy lợi, cầu dân sinh, cầu treo, các công trình nước sạch, trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, mạng lưới chợ, tạo thuận lợi có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều trường, lớp học, trạm y tế xã được xây dựng mới, kiên cố hóa; trang thiết bị thiết yếu phục vụ dạy và học, khám chữa bệnh được đầu tư mới. Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã và 97,2% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; 65,8% số xã và 76,7% số thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trái với luận điệu của các thế lực thù địch là “các dân tộc thiểu số đang bị đồng hóa, phân biệt đối xử vì khác biệt văn hóa,...”, trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để thực hiện chủ trương này, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” với nội dung tập trung ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người. Nhờ đó, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn vinh, từng bước được bảo tồn, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, như: không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Thánh địa Mỹ Sơn, Cao nguyên đá Đồng Văn,... được bảo tồn, tôn vinh, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, hầu hết các xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh, truyền hình địa phương đều có các chương trình bằng tiếng dân tộc, phù hợp với từng vùng, miền. Cùng với đó, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được tôn trọng. Nhà nước có nhiều chính sách bảo tồn, sử dụng và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, như: quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn giáo trình dạy 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số; cả nước có hơn 30 tỉnh, hơn 600 trường tổ chức dạy, với hàng trăm nghìn học sinh theo học tiếng dân tộc. Đặc biệt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhìn chung ổn định, đúng pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng được đảm bảo; đa số người dân theo các tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, tuân thủ pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, với hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, trên thực tế các dân tộc thiểu số ở nước ta đã được bình đẳng về chính trị, văn hóa truyền thống được bảo tồn; chữ viết, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào được tôn trọng, các quyền của công dân được bảo đảm, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện. Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, là những minh chứng hùng hồn phản bác lại luận điệu xuyên tạc, vu khống về cái gọi là “đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”(!) của các thế lực thù địch.

Đại tá PHẠM DOÃN ẢNH, Học viện Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Đức Thi (st)

__________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 294.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 170.

3 - Ủy ban Dân tộc – Báo cáo đánh giá và triển khai chính sách vùng dân tộc, năm 2016.

Bài viết khác: