Với hơn 1.000 từ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng tất cả tâm tư, trăn trở trước lúc đi xa, Người gửi gắm lại cho mai sau. Di huấn ấy là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế”

Nhà báo Hữu Thọ (1932-2015), nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) từng kể với chúng tôi, tháng 9-1969, ông vinh dự là phóng viên Báo Nhân Dân được cử đi viết tường thuật lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 6 ngày liên tục. Ông cho biết, tại lễ truy điệu Người ngày 9-9-1969, khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc lời điếu, rồi đọc Di chúc của Bác là quãng thời gian thật sự xúc động. Trong ký ức của nhà báo Hữu Thọ, lúc ấy không ai bảo ai, cả quảng trường im lặng như nuốt từng lời. Còn ông vừa ghi âm vừa nhanh chóng tốc ký những phần quan trọng để kịp hoàn thành bài tường thuật gửi về tòa soạn sớm nhất.

di chuc 1
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Là một trong những người trực tiếp nghe toàn văn bản Di chúc được công bố tại Quảng trường Ba Đình, cho đến hàng chục năm sau, nhà báo Hữu Thọ vẫn không ngừng chiêm nghiệm và thấy thấm thía. Thực tiễn qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định giá trị to lớn của bản Di chúc. Những di huấn Người để lại không chỉ là những lời căn dặn cuối cùng trước lúc đi xa mà còn là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một người đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ở đó, là sự tin tưởng vào vai trò của nhân dân, biết phát huy sức mạnh và phẩm chất tốt đẹp của nhân dân.

Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Đó là đạo lý sống có tình nghĩa thủy chung, đền ơn đáp nghĩa, giữ nếp sống trọng ân tình, biết phát huy truyền thống đoàn kết. Người căn dặn: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Trái tim của Người với mênh mông tình cảm đã dành trọn vẹn cho non sông, đất nước, cho Đảng, cho đoàn viên và thanh niên, nhân dân lao động, cho những trăn trở về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn kéo dài. Nhưng Người luôn tin tưởng “đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người... Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”... Chỉ đến cuối bản Di chúc, Người mới nhắn đôi dòng “về việc riêng”.

Nhà báo Hữu Thọ kể lại: “Khi đồng chí Lê Duẩn xúc động đọc đến đoạn: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, cả rừng người òa lên khóc nức nở. Dù phải quan sát, ghi chép để tường thuật nhưng hai hàng nước mắt của tôi cũng ròng ròng rơi xuống cuốn sổ tay, người run lẩy bẩy. Kết thúc bản Di chúc, đồng chí Lê Duẩn đọc: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Cả chục vạn người ở quảng trường lại òa lên khóc. Việt Thảo, người bạn đồng nghiệp đứng cạnh ôm choàng lấy tôi. Chúng tôi cùng gục vào vai nhau để khóc, để chia sẻ nỗi đau mất mát chung quá to lớn”.

Tấm gương sáng cho muôn đời

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn gặp được nhiều nhân chứng từng được sống, làm việc và phục vụ Bác. Trong câu chuyện của họ, từ những kỷ niệm cụ thể, rất đời thường với Bác nhưng lại toát lên những bài học sâu sắc về đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cho đến bây giờ, TS Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch luôn thấy mình may mắn và tự hào vì được gần Bác lúc Người còn sống cho đến sau này tham gia công tác nghiên cứu, quản lý Khu di tích Phủ Chủ tịch. Trong câu chuyện với chúng tôi tại nhà riêng nơi ngõ nhỏ phố Đội Cấn (Hà Nội), ký ức người chiến sĩ cận vệ năm xưa vẫn ăm ắp những xúc cảm và hoài niệm. Ông bảo, liên quan đến Bác Hồ thì chuyện gì, kỷ niệm nào cũng khiến ông nhớ và xúc động, đặc biệt là những ngày cuối cùng của Bác.

16 giờ ngày 12-8-1969, Bác gặp đồng chí Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ Hồ Tây, nghe báo cáo tình hình Hội nghị Paris. Đêm hôm đó, Bác sốt và ho, rồi những ngày sau, Người ho nhiều hơn, sốt cao hơn nhưng Bác vẫn lên xuống nhà sàn làm việc. Đến ngày 18-8-1969, theo đề nghị của bác sĩ, Bác không làm việc ở nhà sàn nữa. Người xuống ở và làm việc tại Nhà 67. Trong những ngày ấy, ông Hoàn đã chứng kiến giờ phút bệnh tình của Bác ngày một trở nặng. “Tỉnh lại sau những lúc cấp cứu, Bác luôn hỏi han mọi việc.

Người theo dõi, vẫn nắm tình hình đất nước qua báo cáo của các đồng chí Bộ Chính trị, Trung ương. Bác thường hỏi tin chiến trường miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Những ngày Bác yếu, tuy giữ bí mật rất cao về tình hình sức khỏe của Người nhưng hằng ngày, các đồng chí Trung ương vào thăm Người; các bác sĩ, phương tiện vào để chữa bệnh cho Người nhiều... nên người dân dự đoán có thể Bác ốm. Vì thế, có nhiều người đến “cổng đỏ” nêu tâm nguyện: Nếu đúng Bác ốm, chúng tôi xin hiến trái tim của mình để thay tim cho Bác”, TS Trần Viết Hoàn nhớ lại.

di chuc 2
Hình tượng Bác ngồi viết Di chúc trong khu trưng bày Không gian Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Tú

Còn với nhà văn Nguyệt Tú, người nay đã ngoài 90 tuổi, thì kỷ niệm về những lần được gặp Bác ở Chiến khu Việt Bắc khi bà công tác ở cơ quan phụ nữ vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Nhà văn Nguyệt Tú nhớ mãi một lần khi chị em đang quây quần quanh bếp lửa vừa nướng sắn vừa bàn thảo công việc, bỗng nghe tiếng nước giội ở dưới chân cầu thang. Dưới ánh đuốc, Bác Hồ trong bộ quần áo nâu, ống quần xắn gọn, đi chân đất bước lên cầu thang. “Một điều bất ngờ nữa, Bác rút trong chiếc ủng ra mấy nắm rau xanh và nói là giống cải xoong Bác trồng gần nhà. Biết chị em không có rau ăn nên Bác mang đến để chúng tôi trồng thử và dặn “rau dễ trồng, mọc nhanh mà lại bổ máu, rất tốt cho các cô đang nuôi cháu nhỏ”. Bác Hồ của chúng ta ân cần, quan tâm từ những việc nhỏ như vậy đó”, nữ nhà văn bồi hồi.

Mới đây, gặp Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, chúng tôi được biết ông là người có những kỷ niệm đặc biệt với Bác từ khi là cậu bé 8 tuổi, theo cha là Ủy viên Trung ương Đảng khóa II lên sống trong cơ quan Trung ương Đảng ở Việt Bắc. Tại đây, ông nhiều lần được gặp Bác. Được Bác yêu thương, dạy dỗ khiến ông quyết tâm học tập, phấn đấu để trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Đầu tháng 9-1969, ông là Trợ lý kỹ thuật của Công trường 18B thi công tuyến ống vượt Trường Sơn theo trục Đường 18. Do không có đài bán dẫn nên tối 5-9, đơn vị mới biết tin Bác Hồ đã từ trần. Trong nỗi tiếc thương xen lẫn cả sự lo lắng vì Bác ra đi giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang gặp vô vàn khó khăn, những chiến sĩ nơi tuyến lửa hầu như không ai ngủ được. Tôi cũng đã có nhiều đêm không ngủ, nhưng những kỷ niệm thời niên thiếu được ở gần Bác khiến tôi bình tâm lại. Tôi tự nhủ lòng mình, không còn cơ hội được gặp Bác nữa nhưng phải noi gương Người, tiếp tục phấn đấu để xứng đáng với những ngày được Bác dạy dỗ, thương yêu”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu tâm sự./.

SONG THANH - TRẦN HOÀNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: