Năm 2003, chúng tôi được nghe Thiếu tướng Cao Pha (1920-2006), nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Phó cục trưởng Cục II (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) kể về chuyến đi tìm lại “dấu chân của Bác Hồ” trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Đầu năm 2003, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng cụm di tích “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi Chiến dịch Biên giới năm 1950”. Bộ giao cho Quân khu 2 chịu trách nhiệm xây dựng. Sau đó, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đề nghị Thiếu tướng Cao Pha giúp quân khu xác định các vị trí mà Bác Hồ đã đến chỉ đạo chiến dịch, vì thời điểm đó, ông là Trưởng ban Quân báo của chiến dịch. Thiếu tướng Cao Pha đã vui vẻ nhận lời.

Nhưng lên Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), ông vô cùng ngạc nhiên khi đài quan sát-nơi Bác lên quan sát trận Đông Khê trong bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ Vũ Năng An lại được xác định ở núi Sau Đồn và bộ đội công binh đang thi công đường lên đỉnh núi này. Sau một thời gian nghiên cứu, quan sát kỹ, ông xác định lại cho Đại tá Nguyễn Văn Chỉnh, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 (sau này là Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu 2), người được Bộ tư lệnh Quân khu 2 giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công trình khu vực của Ban Quân báo-Tác chiến, chỗ ba nhà sàn nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) và cán bộ tác chiến ở trong chiến dịch. Đến chân núi Báo Đông, ông xúc động kêu lên: “Đây rồi!”. Địa điểm này không thể nào quên trong cuộc đời của ông. Đây là nơi mà ngày 16-9-1950, ông giao nhiệm vụ cho Phạm Chước, Trưởng đài quan sát đưa Bác Hồ lên đài.

don bac ho 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát Mặt trận Đông Khê. Ảnh: VŨ NĂNG AN.

... Đầu năm 1950, đang công tác tại Cục Tình báo, Cao Pha được điều động sang phụ trách Trưởng phòng Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu. Đến giữa tháng 7-1950, ông được chỉ định làm Trưởng ban Quân báo của Chiến dịch Biên giới. Bộ chỉ huy chiến dịch ban đầu đóng ở làng Tả Phẩy Tẩu, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), ngày 13-9-1950 chuyển về bản Nà Lạn.

Đầu tháng 8-1950, Cao Pha được Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch giao nhiệm vụ tổ chức và bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch trực tiếp đi trinh sát thị xã Cao Bằng. Cùng đi với Đại tướng có ông Phan Phác, Quyền Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó tham mưu trưởng chiến dịch và các ông: Lâm Kính, Nguyễn Văn Tiến, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Sau khi quan sát, nghiên cứu trên đài quan sát cách thị xã Cao Bằng chừng 1 cây số, nghe Quốc Trung, Tổ trưởng Tổ quân báo Cao Bằng báo cáo địa hình và địch tình ở cụm cứ điểm này, Đại tướng và cả tổ về ngủ trong một bản bỏ hoang cách Cao Bằng khoảng 10 cây số. Đêm ấy, Cao Pha thấy Đại tướng thức rất khuya, suy nghĩ rất nhiều, sau đó chỉ thị cho cả tổ trao đổi kỹ về chỗ mạnh-yếu của địch, khả năng bộ đội ta có thể đánh thắng cụm cứ điểm Cao Bằng hay không.

Chuyến đi trinh sát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh đồng thời là Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch đưa đến kế hoạch tác chiến đúng đắn: Đánh Đông Khê, nơi địch yếu và là chỗ hiểm yếu trước, bảo đảm chắc thắng, tạo điều kiện diệt viện rồi mới tiến công Thất Khê, Cao Bằng. Phương án mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn.

Chiều 11-9-1950, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập hội nghị từ cấp trung đoàn trở lên ở làng Tả Phẩy Tẩu để đón Bác Hồ đến huấn thị và phổ biến quyết tâm về phương án tác chiến mới. Bác căn dặn cán bộ phải quyết tâm giành chiến thắng ngay trận mở màn và các trận tiếp theo; phải giữ bí mật, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, đoàn kết giữa quân và dân... Cuối cùng, Bác nhấn mạnh: “Trận này nhất định phải thắng!”. Sự có mặt của Bác cùng với bộ chỉ huy lãnh đạo trực tiếp chiến dịch quan trọng này biểu hiện ý chí quyết thắng của Đảng và Bác, động viên, cổ vũ to lớn toàn quân và toàn dân.

Sáng 13-9-1950, với bộ quần áo nâu bạc màu, chiếc khăn trên vai, Bác rời sở chỉ huy ở Tả Phẩy Tẩu đi bộ về sở chỉ huy mới ở Nà Lạn. Ngày 14-9, Bác đến Nà Lạn trong lúc bộ đội ta triển khai thế trận mới để đánh trận mở màn Đông Khê. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi Cao Pha đi cùng đến thăm và báo cáo tình hình với Bác. Dọc đường đi, ông mạnh dạn đề nghị với Đại tướng được gặp Bác. Đại tướng vui vẻ đồng ý. Sau khi báo cáo với Bác xong, trở về, Đại tướng nói với Cao Pha:

- Bác cho phép cậu lên gặp Bác đấy!

Nơi Bác nghỉ ở cạnh lán của Cao Pha. Sắp được gặp Bác, Cao Pha vừa mừng vừa lo vì lần đầu tiên được trực tiếp báo cáo công việc với Bác. Sau khi chiến sĩ bảo vệ báo cáo với Bác, Bác nhận ra ông đang rất lúng túng. Người thân mật hỏi:

- Chú đấy à?

- Thưa Bác, cháu tên là Cao Pha, Trưởng ban Quân báo chiến dịch, được đi theo anh Văn đến chúc sức khỏe Bác.

- Tình hình có gì thay đổi không?

- Dạ thưa Bác, tình hình địch đến nay chưa thấy động tĩnh gì.

Bác gật đầu, chỉ cho ông ngồi gần rồi nói: “Trận này ta đánh lớn, nhất định thắng, nhưng địch không chịu thua một cách dễ dàng. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân, khéo tổ chức thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội...”.

Rồi Bác nói về việc huy động lương thực trong nhân dân, về tiết kiệm, về chính sách tù hàng binh. Gần một giờ bên Bác, được Người dạy bảo bằng những lời nói ân cần, bình dị, ấm áp tình cha con, Cao Pha vô cùng xúc động. Khi chào ra về, Bác còn dặn:

- Chú nói với anh Văn, Bác muốn đi quan sát trận địa.

don bac ho 2
Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Trưởng phòng Quân báo Cao Pha (người cầm điện thoại) trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu

Sáng 16-9, Bác đến sở chỉ huy để lên đài quan sát trận địa. Cao Pha đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, cử Trưởng đài quan sát Phạm Chước trực tiếp bảo vệ Bác lên đài. Cao Pha tiễn Bác đến núi Báo Đông, đến chân núi thì Bác nhắc ông trở về lán trực ban tác chiến vì trận Đông Khê đang diễn ra. Cao Pha nhìn theo, hình ảnh Bác xắn quần cao, chống gậy thoăn thoắt leo núi khiến lòng ông xúc động vô cùng.

Bác ngồi trên đài quan sát địa hình về hướng Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng khoảng một tiếng thì xuống núi. Cao Pha đón Bác và được Bác dặn:

- Anh em trên đài quan sát đêm gió lạnh, chú phải cho mặc đủ ấm!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An tháp tùng Bác trong chuyến đi đó đã chụp bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát Mặt trận Đông Khê” đi vào lịch sử, là niềm tự hào của ngành tình báo quân sự và dân tộc Việt Nam. Cũng trên cao điểm quan sát đó, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ “Đăng sơn” (Lên núi) bằng chữ Hán, nhà thơ Xuân Diệu dịch:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Ngày 25-4-2003, Hội thảo về dự án xây dựng “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên giới năm 1950” hoàn toàn nhất trí về các địa điểm di tích mà Thiếu tướng Cao Pha cùng nhiều nhân chứng khác đã xác định. Sau đó, tại đỉnh núi Báo Đông, nơi Bác Hồ quan sát trận Đông Khê, khu di tích đã xây dựng tấm bia khắc bài thơ “Đăng sơn” của Bác bằng hai ngôn ngữ Hán, Việt và cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận Đông Khê mô phỏng theo bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Năng An.

BẢO LÊ

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong hồi ký của Thiếu tướng Cao Pha).

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền  (st)

Bài viết khác: