Đầu tháng 4-2022, tôi nhận được điện thoại từ cháu của bà Hoàng Thị Khìn, người nấu và đưa cơm cho Bác Hồ ở Pác Bó, báo tin bà vừa qua đời. Mắt tôi nhòe đi và hình ảnh người phụ nữ Nùng giản dị với những câu chuyện xúc động về Bác Hồ như trở lại trong ký ức...
Lần đầu tiên tôi được gặp bà Khìn vào năm 1999 tại địa danh lịch sử Pác Bó, nơi mà Bác Hồ kính yêu sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài về đã ở và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Bên dòng suối Lênin huyền thoại, tôi được nghe bà Khìn kể về những ngày nấu cơm và mang cơm cho Bác Hồ khi Người ở trong hang Pác Bó. Bà Khìn cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở bản Pác Bó này. Bố của bà là cụ Hoàng Quốc Long, hoạt động cách mạng từ khi bà còn rất nhỏ. Lúc đó bà Khìn chưa biết cách mạng là gì. Bà và chị gái Hoàng Thị Hoa thường được pá (tiếng Nùng nghĩa là cha) giao cho việc nấu cơm cho các tồng (tiếng Nùng có nghĩa là anh em kết nghĩa). Bà Khìn kể:
“Cuối năm 1940, tôi thấy pá thường đón các tồng là các chú Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm... về nhà ăn cơm, rồi vội vàng ra đi. Gần Tết Nguyên đán Tân Tỵ 1941, trời rét buốt, mấy người tồng của pá đến nhà bàn bạc rất lâu. Pá bảo chị cả (tức bà Hoàng Thị Hoa, là vợ của đồng chí Hoàng Văn Súng, bí danh La Thanh, một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-PV) và tôi nắm cơm cho họ mang đi trong đêm. Mấy người tồng đi rồi, tôi thấy pá ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, lo lắng đứng ngồi không yên. Khi đó, tôi đâu biết pá đã được giác ngộ cách mạng, đang lo cho mấy đồng chí cán bộ đi đón thượng cấp ở bên kia biên giới về bản.
Bà Hoàng Thị Khìn nâng niu ảnh Bác Hồ. Ảnh: TRƯỜNG HÀ .
Mấy ngày Tết ấy, tôi thấy pá đi rồi trở về cùng chú Lê Quảng Ba. Pá bảo chị Hoa nấu cơm gói mang đi theo chú Ba bí mật lên suối Giàng (tức suối Lênin). Những ngày sau, tôi và chị Hoa hôm thì nấu cơm, hôm thì nấu cháo ngô, cháo gạo rồi cùng vượt rừng đi lên đầu suối Giàng mang cho ông Ké (Ké theo tiếng Nùng là già)...
Ông Ké nói tiếng Nùng giọng ấm áp, giới thiệu tên là Thu và bảo chúng tôi gọi là Già Thu. Già ân cần hỏi thăm dân bản. Già Thu còn căn dặn: Nếu dân bản già, trẻ, gái, trai, rồi người Tày, Nùng, Mông, Dao... ở khắp nơi cùng nhau hợp sức lại, học chữ làm cách mạng sẽ đánh đuổi được thực dân, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc... Lời Già Thu như ngọn lửa sưởi ấm lòng tôi. Về nhà, hai chị em vui mừng kể lại cho pá nghe lời Già Thu. Pá tôi bụng ưng lắm và bảo hai chị em nghe lời Già Thu vận động dân bản cùng nhau hợp sức làm cách mạng...”.
Sau này bà Khìn mới biết Già Thu chính là Bác Hồ. 20 năm sau đó, vào mùa xuân năm 1961, khi Bác Hồ về thăm lại Pác Bó, bà Khìn vinh dự được đón Bác. “Khi đó, dân bản ra đón Bác Hồ rất đông. Bác nói, Người về thăm nhà mà sao bà con lại phải ra đón. Bác đã coi Pác Bó là quê hương thứ hai của mình”-bà Khìn xúc động kể.
Những năm sau đó, mỗi khi về Cao Bằng, tôi đều ghé thăm bà Khìn để nghe bà kể chuyện về Bác Hồ, về Đội du kích Pác Bó và những ngày hoạt động cách mạng của gia đình bà. Khi hỏi lý do sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954) bà không về huyện, về tỉnh công tác theo sự phân công của tổ chức, tôi nhận được câu trả lời của bà: “Nếu ai hoạt động cách mạng cũng về huyện, về tỉnh cả, thì khi khách đến thăm Pác Bó, ai sẽ là người kể chuyện Bác Hồ?”. Quả thật, bà Khìn là pho sử của bản Pác Bó và là trung tâm đoàn kết của bản. Bà sống giản dị, cần cù, chịu khó như bao người phụ nữ Nùng khác. Sau này, bà Khìn được tặng căn nhà sàn vững chãi thì ngôi nhà của bà ở Pác Bó đã trở thành nơi đón tiếp các đoàn khách đến thăm quê hương thứ hai của Bác Hồ. Tết Nhâm Dần vừa qua, bà Khìn đã bước sang tuổi 102. Tuổi cao, sức yếu, bà vẫn nhớ như in những lần được gặp Bác, được nghe những lời chỉ bảo ân cần của Người, muốn được gặp Người. “Nay thì ước muốn của bà tôi đã được thực hiện”-cháu của bà Khìn xúc động nói với tôi./.
ĐỖ PHÚ THỌ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)