1. Thông tư số 19/2022/TT-BKHĐT ngày 10/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022
Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể và cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức khác được giao kế hoạch đầu tư công; Các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Các tổ chức, cá nhân khác tham gia quản lý và thực hiện báo cáo thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.
Về nội dung chế độ báo cáo thống kê các chỉ tiêu về đăng ký doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hợp tác xã, đầu tư, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Thông tư quy định danh mục biểu mẫu báo cáo, biểu mẫu và giải thích biểu mẫu báo cáo của các chỉ tiêu về đăng ký doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hợp tác xã, đầu tư, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế quy định tại 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư, gồm các biểu mẫu báo cáo về đăng ký doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hợp tác xã; đầu tư; quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; Giải thích các biểu mẫu báo cáo.
Thông tư quy định, kỳ báo cáo được ghi ở phần giữa của từng biểu mẫu báo cáo và được tính theo ngày dương lịch, bao gồm: Báo cáo thống kê tháng được tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng báo cáo; Báo cáo thống kê quý được tính từ ngày 01 của tháng đầu tiên đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ ba của kỳ báo cáo; Báo cáo thống kê 6 tháng được tính từ ngày 01 của tháng đầu tiên đến hết ngày cuối cùng của tháng thứ sáu của kỳ báo cáo; Báo cáo thống kê năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Thời hạn nhận báo cáo là ngày nhận báo cáo được ghi cụ thể tại từng biểu mẫu báo cáo thống kê ban hành kèm theo Thông tư này.
Về phương thức gửi báo cáo, Thông tư quy định, thực hiện gửi, nhận báo cáo trực tiếp trên Hệ thống thông tin thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, được xác thực bằng tài khoản được cấp cho đại diện cơ quan, đơn vị báo cáo và nhận báo cáo. Các biểu mẫu báo cáo sẽ được tổng hợp và in trực tiếp từ Hệ thống.
Trường hợp Hệ thống thông tin thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chưa hoạt động hoặc có sự cố về truyền dữ liệu, đơn vị báo cáo gửi báo cáo vào hộp thư điện tử This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Báo cáo qua hệ thống thư điện tử được thể hiện dưới 01 trong 02 hình thức gồm: bản quét màu từ bản giấy có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị báo cáo hoặc tệp tin điện tử được xác thực bằng chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị báo cáo.
Đối với các nội dung phải quản lý theo chế độ mật của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo kỳ báo cáo quy định tại Thông tư này.
2. Thông tư 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022
Cụ thể, các yêu cầu cơ bản về quản lý bao gồm: thiết lập chính sách an toàn thông tin; tổ chức bảo đảm an toàn thông tin; bảo đảm nguồn nhân lực; quản lý thiết kế, xây dựng hệ thống; … Yêu cầu cơ bản về kỹ thuật bao gồm: bảo đảm an toàn mạng; bảo đảm an toàn máy chủ; bảo đảm an toàn ứng dụng; bảo đảm an toàn dữ liệu.
Ngoài ra, việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản theo từng cấp độ thực hiện theo nguyên tắc: Đối với hệ thống thông tin cấp độ 1, 2, 3: Phương án bảo đảm an toàn phải xem xét khả năng dùng chung giữa các hệ thống thông tin đối với các giải pháp bảo vệ, chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư thừa, trùng lặp, lãng phí. Đối với hệ thống thông tin cấp độ 4, 5: Phương án bảo đảm an toàn cần được thiết kế bảo đảm tính sẵn sàng, phân tách và hạn chế ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống khi một thành phần trong hệ thống hoặc có liên quan tới hệ thống bị mất an toàn thông tin.
Liên quan đến quy định chuyển tiếp, Thông tư quy định đối với các hệ thống thông tin đang vận hành, khai thác, đã được phê duyệt cấp độ từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực: Chủ quản hệ thống thông tin tiến hành rà soát Hồ sơ đề xuất cấp độ và Phương án đảm bảo an toàn thông tin đã được phê duyệt. Việc rà soát, điều chỉnh, phê duyệt lại Hồ sơ đề xuất cấp độ và Phương án bảo đảm an toàn thông tin (nếu cần) phải hoàn thành trước tháng 6 năm 2023;
Đối với các hệ thống thông tin đang vận hành, khai thác nhưng chưa được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ: Thực hiện xây dựng, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo phương án được phê duyệt trong Hồ sơ đề xuất cấp độ đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và đồng bộ với quy định tại Thông tư này, bảo đảm khi Thông tư này có hiệu lực, không phải thực hiện lại quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ.
3. Thông tư số 12/2022/TT-BKHCN ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN về thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực đo lường chất lượng. Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022
Thông tư này quy định 03 nhóm định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về khai thác, sản xuất tin bài, biên tập, xuất bản cho tạp chí điện tử, tạp chí giấy, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này; Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về quản lý thông tin tư liệu chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành kèm theo Thông tư này chưa bao gồm hao phí của tác giả trong sáng tác đối với tác phẩm được xuất bản và hao phí bản quyền thông tin tư liệu.
Thông tư áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
4. Thông tư số 28/2022/TT-BCA ngày 15/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2010/TT-BCA ngày 23/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan. Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022
Theo Thông tư, đối với các mục tiêu thuộc Danh mục nhưng có sự thay đổi về tên, loại, không còn có tầm quan trọng đặc biệt và không cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có mục tiêu báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa mục tiêu ra khỏi Danh mục.
Tổ chức lực lượng bảo vệ các mục tiêu sau đây: Trụ sở Bộ Ngoại giao; Trụ sở Bộ Công an; Trụ sở Bộ Tài chính; Trụ sở Bộ Nội vụ; Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao; Trụ sở Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam; Trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam và trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam được Chính phủ cam kết bảo vệ an ninh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Kho tiền, kim loại quý, đá quý và các tài sản quý hiếm khác được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và bảo quản; Trụ sở các nhà máy in, đúc tiền, nơi tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Bưu điện Trung ương thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Bưu điện CP16 thuộc Cục Bưu điện Trung ương.
5. Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ hướng dẫn Luật An ninh mạng. Có hiệu lực từ ngày 01/10/2022
Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau đây tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):
- Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu.
- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.
Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
6. Thông tư số 07/2022/TT-BNNPTNT ngày 11/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư, Thông tư liên tịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Có hiệu lực từ ngày 06/10/2022
Theo đó, Thông tư sửa đổi một số nội dung về mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức các chuyên ngành: Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và thú y, Kiểm nghiệm thủy sản, Khuyến nông, Quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài ra, Thông tư quy định cụ thể điều khoản chuyển tiếp thực hiện như sau:
- Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, kiểm nghiệm thủy sản, khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành thì được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Thông tư.
- Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II và hạng III chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, kiểm nghiệm thủy sản, khuyến nông, quản lý bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật trước thời hạn (ngày 30 tháng 6 năm 2022) quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chuyên ngành tương ứng và được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư.
- Đối với các kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thực hiện theo Đề án tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã được Bộ Nội vụ thống nhất thì tiếp tục thực hiện việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng theo Đề án đã được phê duyệt. Trường hợp sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành mà cơ quan quản lý viên chức chưa tổ chức thi hoặc xét thăng hạng thì áp dụng theo quy định tại Thông tư.
7. Thông tư số 08/2022/TT-BNNPTNT ngày 11/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Có hiệu lực từ ngày 06/10/2022
Theo đó, các ngạch công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước tại Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, Ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ sốlương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
Thứ hai, Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
Thứ ba, Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệsố lương công chức loại Al, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Thứ tư, Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ các quy định để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
8. Thông tư số 55/2022/TT-BTC ngày 24/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới. Có hiệu lực từ ngày 08/10/2022
Theo đó, mức giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) đối với xe cơ giới đang lưu hành như sau:
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: 570.000 đồng.
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo: 360.000 đồng.
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn: 330.000 đồng.
- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn: 290.000 đồng.
- Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 190.000 đồng.
- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc: 190.000 đồng.
- Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: 360.000 đồng.
- Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 330.000 đồng.
- Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe): 290.000 đồng.
- Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: 250.000 đồng
- Xe ba bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 110.000 đồng.
(So với hiện hành tại Thông tư 238/2016/TT-BTC thì giá đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng).
9. Thông tư số 13/2022/BTTTT ngày 26/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông. Có hiệu lực từ ngày 10/10/2022
Một số quy định mới của Thông tư so với Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016 như sau:
- Thống nhất quy định trình độ ngoại ngữ, tin học trong phần về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của tất cả các hạng chức danh nghề nghiệp và không quy định trình độ cụ thể cho từng hạng chức danh, việc xác định trình độ cụ thể sẽ theo yêu cầu của từng vị trí việc làm để đảm bảo sự phù hợp chung.
- Thống nhất quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo chuyên ngành (không phân biệt các hạng như trước đây).
- Mỗi chuyên ngành có một chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh theo quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
- Bổ sung thêm quy định về yêu cầu đối với viên chức dự thi thăng hạng: bao gồm yêu cầu về đề tài, đề án, công trình, giải thưởng và thời gian giữ chức danh nghề nghiệp cho phù hợp.
- Bổ sung thêm quy định về mã số chức danh nghề nghiệp vì theo quy định hiện hành, Bộ quản lý ngành sẽ quy định mã số chức danh nghề nghiệp (không phải Bộ Nội vụ như trước đây). Do chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình không có sự thay đổi về tên cũng như số lượng chức danh, hạng chức danh nên mã số được giữ nguyên như quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNV ngày 09/5/20218.
Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT thay thế Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016.
10. Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày của Chính phru quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Có hiệu lực từ ngày 10/10/2022
Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
11. Thông tư số 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức danh mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ. Có hiệu lực từ ngày 15/10/2022
Theo đó, trong quy định về tiêu chuẩn trình độ, đào tạo bồi dưỡng với các hạng viên chức ngành lưu trữ, Thông tư 07 đã bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với từng vị trí.
Thay vào đó, các chức danh này chỉ cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu, sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc đối với người công tác tại vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Trước đó, Thông tư số 13/2014/TT-BNV yêu cầu từng chức danh lưu trữ viên chính, lưu trữ viên, lưu trữ viên trung cấp đều phải có chứng chỉ tin học cơ bản và chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ theo thứ tự lần lượt là bậc 3, bậc 2 và bậc 1.
12. Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử. Có hiệu lực từ ngày 20/10/2022
Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
13. Thông tư số 16/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Chương trình đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Có hiệu lực từ ngày 21/10/2022
Chương trình đặt mục tiêu trang bị cho người học kiến thức pháp lý về hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và kiến thức liên quan khác để thực hiện việc đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia của người lao động theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Cụ thể, sau khi tham gia khóa đào tạo, người học có khả năng: Hiểu được những căn cứ pháp lý và những đặc điểm chính của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tiếp cận chuẩn quốc tế về đánh giá và công nhận kỹ năng nghề trong khu vực ASEAN và quốc tế để giải thích, tư vấn cho doanh nghiệp và người lao động tham dự kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Bên cạnh đó, hiểu và vận dụng được nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp, công cụ và quy trình đánh giá theo năng lực hành nghề để áp dụng phù hợp lĩnh vực ngành nghề. Vận dụng có hệ thống cách thức tổ chức việc thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động: cách phân công công việc; tiêu chuẩn thực hiện công việc; cách tổ chức thực hiện đánh giá bài kiểm tra kiến thức và thực hành; nguyên tắc, phương pháp chấm điểm bài kiểm tra thực hành nhằm đảm bảo tính chính xác, độc lập, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
14. Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. Có hiệu lực từ ngày 30/10/2022
Nghị định số 69/2022/NĐ-CP gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải gồm: Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016, Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017, Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017.
Nghị định số 69/2022/NĐ-CP sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định trên. Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.
15. Thông tư số 57/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Có hiệu lực từ ngày 31/10/2022
Theo đó, căn cứ dự toán chi ngân sách Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện cấp vốn từ ngân sách Nhà nước để chi thường xuyên cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chi đầu tư vốn Nhà nước cho doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu Trung ương chịu trách nhiệm rà soát, xác định các khoản phải thu về Quỹ đối với tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu Trung ương quyết định hoặc được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện chuyển đổi sở hữu, chuyển nhượng vốn và có văn bản thông báo gửi Bộ Tài chính để thu vào ngân sách Trung ương theo quy định.
Các khoản phải thu về Quỹ bao gồm cả khoản phải thu tại doanh nghiệp đã thực hiện thoái hết vốn Nhà nước, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC (bao gồm cả các doanh nghiệp SCIC đã thoái hết vốn)./.
Huyền Trang (tổng hợp)