Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến quyền con người của mỗi người dân Việt Nam. Cả cuộc đời Người luôn có một mong mỏi là làm sao để mỗi người dân Việt Nam được hưởng những quyền con người như bao dân tộc hòa bình khác trên thế giới.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn từ lịch sử dân tộc và thực tiễn của đất nước, kế thừa có chọn lọc những tư tưởng nhân quyền tiến bộ của phương Đông cũng như phương Tây. Đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng con người và xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin.

quyen con nguoi 1
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920.

Trong quan niệm của triết học mác xít, con người là một thực thể trong sự thống nhất biện chứng giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Con người sinh ra từ tự nhiên, tuân theo các quy luật tự nhiên, đồng thời con người tồn tại và phát triển gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì "chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng kể lại: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Vì thế tôi nảy sinh ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi tới Pari”. Cuộc hành trình vạn dặm ấy đã giúp Người nhận ra cội nguồn mọi sự đau khổ của nhân loại cần lao ở ngay những nước chính quốc, ở những nước tư bản, ở đó quyền cơ bản của con người luôn bị chà đạp, sự hô hào “tự do, bình đẳng, bác ái” chỉ là lừa mị mà thôi. Và cũng từ đó, khát vọng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được gắn liền với thực hiện quyền con người, tất cả vì con người trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người.

Chứng kiến mọi nỗi đau của nhân dân, năm 1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Người gửi “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xay (Pháp). “Bản yêu sách” gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ tối thiểu và cơ bản cho dân Việt Nam, cũng như các dân tộc ở Đông Dương. Nhưng những yêu sách đó của Nguyễn Ái Quốc đều không được đại diện các nước tham gia Hội nghị Véc-xay quan tâm. Sau Hội nghị đó, Người ngày càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc thực dân và rút ra kết luận quan trọng rằng: Muốn được giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình và phải thông qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: “Kách mệnh Pháp cũng như kách mệnh Mỹ, nghĩa là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Và cũng trong tác phẩm này, Người đã chỉ rõ: “…Mỹ tuy rằng kách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính kách mệnh lần thứ hai. Ấy là vì kách mệnh Mỹ là kách mệnh tư bản, mà kách mệnh tư bản là chưa phải kách mệnh đến nơi. Chúng ta đã hy sinh làm kách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc".

Những trải nghiệm thực tế qua 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu, đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác.

Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã tuyên bố rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.  Theo Hồ Chí Minh, đây là những quyền tự nhiên vốn có của con người, là “những lẽ phải không ai chối cãi được” và những quyền chính đáng ấy của con người cũng hoàn toàn chính đáng/được áp dụng đối với mọi người dân Việt Nam, đang sống trên đất nước Việt Nam. Và đã là quyền chính đáng - quyền của con người, thì bất cứ ai, tổ chức nào, quốc gia nào cũng không thể/không có quyền cướp đoạt/tước đoạt nó đi, cũng như không ai/không dân tộc nào lại cam chịu, khuất phục để bị cướp mất. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ tuyên bố đanh thép: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” mà còn đi đến khẳng định rằng, “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”…

Yêu nước và thương dân, nguyện vọng thiết tha của Hồ Chí Minh là: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu" và “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Người luôn tâm niệm, nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ đói, rét thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Người nhấn mạnh: Đảng không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân. Chính vì lẽ đó, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”. Với quan niệm trên, trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho người dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội nhân dân là người chủ của nước, nước là nước của nhân dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công bộc phục vụ cho nhân dân. Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân. Là đầy tớ, là công bộc của dân, vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, phải trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Cán bộ phải như những người lính vâng mệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước phục vụ nhân dân.

quyen con nguoi 3
Bác Hồ trò chuyện với xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
 (năm 1954). Ảnh: Tư liệu.

2. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930), Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Theo đó, nhiệm vụ của Đảng là tập hợp lực lượng toàn dân, tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vấn đề quyền con người được thể hiện ở việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đề ra các khẩu hiệu đấu tranh cụ thể như “Việt Nam tự do”, đấu tranh và xây dựng một xã hội tự do tổ chức; nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục,…

Nhà nước Việt Nam cũng đã tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế trong hoàn cảnh đất nước đang phải tiến hành kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chỉ hai năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất (năm 1977), Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hiệp quốc. Từ đó, Nhà nước Việt Nam đã tích cực tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn, trong các năm 1981, 1982 và 1983, Nhà nước Việt Nam tham gia một loạt công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966); Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (năm 1979)…

Trên cơ sở thực tiễn đổi mới, phù hợp với các Hiến pháp năm 1992 và 2013, các văn kiện của Đảng, Nhà nước, như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và trực tiếp là các Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg ngày 02/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về công tác nhân quyền, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền… đã đúc kết, chỉ rõ các nội dung về quyền con người.

Hiến pháp năm 2013 đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của chế định quyền con người, quyền công dân trong tư duy lập hiến Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã dành 21 điều quy định về quyền con người. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền Công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14).

Đại hội XII của Đảng (năm 2016) cùng với việc đưa nội dung quyền con người vào tất cả các văn kiện Đại hội, đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục “thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013… hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển các quan điểm của Đảng về quyền con người trong thời kỳ đổi mới, đã đề ra những chủ trương đúng đắn cho việc giải quyết vấn đề quyền con người trong thời gian tới với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-TTg ngày 12/9/2022 phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, xem đây là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Việc phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam là phù hợp tình hình hiện nay, minh chứng cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Các nội dung của Đề án hướng đến sự phối hợp giữa công tác giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam với công tác phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người.

Hiện nay, kết quả trong việc thực thi pháp luật về quyền con người còn được thể hiện thông qua việc Nhà nước triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Thành tựu về quyền con người của Việt Nam được Liên hợp quốc thừa nhận. Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng. Nói về những thành công của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 đến nay. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có những bước tiến bộ trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”.

Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hoạt động xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người đóng vai trò quan trọng. Chưa bao giờ, quyền được sống, quyền có ăn, có mặc, có nhà ở và quyền tham gia về chính trị, văn hóa, quyền về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do kinh doanh hay những quyền tự do ứng cử, thể hiện quan điểm trong xã hội, được chăm lo như hiện nay. Đó là thành quả lớn lao trong nỗ lực vì  quyền con người của Việt Nam.

Có thể nói, đến giai đoạn hiện nay, thực hiện theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam từng bước hoàn thiện việc xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người, bảo đảm quyền con người tới từng người dân. Nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc chính là để bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình… để từ đó, người dân có cơ hội, điều kiện để cùng nhau góp sức bảo vệ thành quả cách mạng, chung tay xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thực sự theo đúng mong muốn của Người./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: