Với mỗi người dân Hà Nội, nơi Bác sống phần lớn cuộc đời, Bác Hồ đã trở thành một biểu tượng sống về lòng nhân từ, bác ái. Bác đã đi xa hơn 53 năm nhưng mỗi người dân Hà Nội luôn luôn nhớ về Bác kính yêu…
Người trẻ Hà Nội
Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội và có mối quan tâm đặc biệt với nhân dân Hà Nội. Người thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức... nhưng Người đặc biệt quan tâm tới tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội.
Bác Hồ đã có 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu về thanh niên, thiếu niên, sinh viên Hà Nội. Trong thư nào Người cũng luôn dành tình cảm thiết tha, trìu mến và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ của Thủ đô. Người luôn khuyên thanh thiếu niên Hà Nội đoàn kết thân ái và chăm chỉ học tập, phát huy sáng kiến để thanh thiếu niên cả nước học tập, Người nói: “Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.
Đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội
vào Lăng viếng Bác. (Sáng ngày 27/9/2022).
Thực hiện theo đúng lời dạy của Người, trong những năm qua, đoàn viên, thanh niên của Thủ đô Hà Nội luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngại khó khăn, gian khổ, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mặc dù còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song Thành đoàn Hà Nội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, triển khai có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của đoàn. Tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên liên tục được tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng. Các hoạt động, chương trình, phong trào của Đoàn được triển khai sâu rộng, tạo môi trường tốt cho thanh niên rèn luyện, trải nghiệm, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo và đạt được nhiều thành tích tiêu biểu đáng ghi nhận.
Vinh dự tự hào được đứng trước Anh linh của Bác, mỗi đoàn viên, thanh niên đều thầm nguyện hứa sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, xứng đáng là lực lượng trẻ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô Hà Nội cũng như đất nước.
“Em mới đi du học về. Đi xa mới thấy thật nhớ và yêu Hà Nội biết bao. Về với Hà Nội đúng dịp này nên em với các bạn đã hẹn nhau thực hiện một tour du lịch trong buổi sáng sớm, trong đó chúng em đều mong muốn được đến Lăng Bác xem thượng cờ rồi xếp hàng vào Lăng viếng Bác. Với những người trẻ như chúng em thì Lăng Bác, hình ảnh Bác Hồ luôn vô cùng gần gũi và thiêng liêng. Đi tới đâu, gặp các bạn nước ngoài, chúng em đều giới thiệu về Lăng Bác, về Bác Hồ của đất nước mình” – bạn Nguyễn Anh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Câu chuyện của người già…
Gặp cô Nguyễn Thị Huê (Cầu Giấy, Hà Nội) tại Quảng trường Ba Đình, được lắng nghe cô chia sẻ cảm xúc về Lăng viếng Bác, những nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ tại Lăng Bác như tôi đều vô cùng xúc động. Cô bảo: Cô và gia đình từ nhiều năm luôn giữ một nếp sinh hoạt đó là mỗi khi đến các ngày lễ, ngày kỷ niệm đặc biệt là mọi người sẽ sắp xếp công việc để vào Lăng viếng Bác. Đã nhiều lần vào Lăng viếng Bác nhưng lần nào chúng tôi cũng xúc động nghẹn ngào.
Trong câu chuyện với chúng tôi, cô còn kể chuyện ngày lễ tang Bác năm 1969. “Tôi vẫn nhớ năm ấy, người dân Hà Nội buồn như thế nào. Có lẽ ai cũng không thể cầm được nước mắt khi nghe tin Bác Hồ đã ra đi mãi mãi. Từng dòng người khi ấy có mặt tại Quảng trường Ba Đình, tham dự lễ tang của Bác… ai nấy đều khóc thương Người. Có lẽ với mỗi người dân Thủ đô, Bác Hồ chính là một người thân trong gia đình “ - Cô Huê nói.
Có rất nhiều gia đình giống như gia đình cô Huê. Trong tâm niệm của người Hà Nội, Lăng Bác đã trở thành một địa điểm vô cùng linh thiêng, nơi hàng triệu trái tim hướng về. Có những người dân Hà Nội ở ngoại thành, cách xa Lăng Bác hàng chục cây số nhưng vẫn vào Lăng viếng Bác từ sáng sớm đúng ngày sinh nhật của Người. Rồi khi đến ngày kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, người dân Hà Nội lại thêm một dịp để nhớ về những công lao của Bác, nhớ về tình cảm đặc biệt Bác đã dành riêng cho Thủ đô Hà Nội. Hơn hết, việc xếp hàng vào Lăng viếng Bác có thể rất nhỏ nhưng trong đó lại chứa đựng rất nhiều, rất nhiều tình yêu, sự tôn kính của mỗi người dân đối với những công lao trời biển của Người.
Gia đình chị Hà Thị Mai dẫn theo hai con nhỏ vào Lăng viếng Bác. Các cháu nhỏ chỉ ở độ tuổi tiểu học nhưng hàng năm vẫn đều đặn được bố mẹ dẫn vào Lăng viếng Bác. Chị bảo: Gia đình tôi còn khá trẻ nhưng tôi vẫn luôn lựa chọn Lăng Bác để cho các con đến tham quan và xếp hàng vào Lăng viếng Bác. Với tôi, đây chính là cách để giáo dục cho các cháu để các cháu hiểu hơn về những hy sinh của Bác Hồ đối với dân tộc, những công lao của Bác đối với Hà Nội, từ đó các cháu sẽ có động lực hơn trong việc học tập và rèn luyện.
Sinh thời, Bác Hồ mong muốn “Thành phố Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”. Sau 68 năm giải phóng Thủ đô và hơn 50 năm Bác Hồ đi xa, nhưng những hình ảnh, cử chỉ ân cần và những lời di huấn của Bác vẫn còn mãi với thời gian. Khắc ghi từng lời dặn dò của Người, Đảng bộ và nhân dân Thành phố luôn phấn đấu lập nhiều thành tích toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng rất đáng tự hào, xứng đáng là trái tim của cả nước, xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác.
Vào Lăng viếng Bác là cách mỗi người dân thể hiện tình cảm với Bác Hồ kính yêu.
Hơn 53 năm từ ngày Bác Hồ ra đi mãi mãi… Với mỗi người dân Hà Nội, dù ở xa hay gần Lăng Bác, dù ở độ tuổi nào, hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn rất mực gần gũi và đầy yêu thương. Vào Lăng viếng Bác, được tận mắt thấy Bác, mỗi người lại tự hứa sẽ tiếp tục ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; cùng đoàn kết, thực hiện tốt nhất những mong ước của Bác dành riêng cho Thủ đô Hà Nội… Quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước./.
Thanh Huyền