Để đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta và phủ nhận vai trò vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần chú trọng việc bảo vệ sự trong sáng của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bởi đó không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là sự khẳng định giá trị chân chính nhất, tốt đẹp nhất của đạo đức, văn hóa dân tộc mà Người là đại diện tiêu biểu.
Đấu tranh chống luận điểm cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà đạo đức giả tưởng
Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức có tính chất phản ánh tồn tại xã hội. So với các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, triết học, pháp luật, nghệ thuật… thì đạo đức, nhất là chuẩn mực đạo đức, giá trị đạo đức mang tính bền vững hơn. Tuy vậy, không có nghĩa các giá trị đạo đức là bất biến, mà luôn vận động với sự thay đổi của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, trên bình diện mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại, đạo đức đang vận động theo hướng tích cực, ngày càng hướng tới sự hoàn thiện theo giá trị chân, thiện, mỹ; nhằm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, khẳng định giá trị làm người và giải phóng con người một cách triệt để nhất.
Ở Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản ra đời và xác định con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội thì cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo đã hàm chứa giá trị đạo đức cao cả. Đó không chỉ là cuộc đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách cai trị của đế quốc, thực dân mà còn là cuộc đấu tranh xóa bỏ tàn tích chế độ cũ, cuộc đấu tranh để giành lấy, khẳng định và bảo vệ giá trị nhân văn, phẩm giá của con người Việt Nam. Vì vậy, trước khi đất nước giành được độc lập, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dự liệu và chuẩn bị điều kiện để xây dựng nền đạo đức mới, văn hóa mới, con người mới của nước Việt Nam mới. Sau khi giành độc lập, cùng việc giải quyết nạn đói, đối phó với giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo khẩn trương những công việc cấp thiết để xây dựng nền đạo đức, văn hóa mới qua phong trào bình dân học vụ, xây dựng đời sống mới, phát động phong trào thi đua ái quốc, sửa đổi lối làm việc… Nền đạo đức mới với giá trị tiến bộ và nhân văn đó vừa là mục tiêu, vừa là kết quả, là sự phản ánh thực tiễn qua từng giai đoạn phát triển của cách mạng.
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã là Đảng lãnh đạo và luôn duy trì, củng cố vững chắc vị trí lãnh đạo, vị thế cầm quyền trong hơn 92 năm qua. Vai trò, sứ mệnh của Đảng được xác lập, duy trì, phát triển là do trí tuệ sáng suốt, tư tưởng vững vàng, tổ chức chặt chẽ và trước hết là trên nền tảng đạo đức mới - đạo đức cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”(1). Khi mới thành lập, trong điều kiện hoạt động bí mật, bị thực dân Pháp khủng bố, đàn áp, đa số người dân chưa thể hiểu thấu đáo về lý tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, thì yếu tố rất quan trọng tạo nên niềm tin để cảm hóa, thuyết phục nhân dân đi theo chính là đạo đức, là tấm gương của những người cộng sản. Người chỉ rõ: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2).
Đạo đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên không phải đạo đức chung chung, trừu tượng mà Người xác định rất rõ ràng, cụ thể các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Người phân biệt rất rõ giữa đạo đức cách mạng và đạo đức công dân, với yêu cầu rất cao về đạo đức cách mạng. Theo đó, người cách mạng phải hội tụ đủ các phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân, ra sức làm việc cho Đảng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người; có tinh thần quốc tế trong sáng. Với cái nhìn biện chứng, toàn diện về đạo đức, Người cảnh báo: thiếu hoặc yếu một phẩm chất sẽ dẫn đến sai lầm, thất bại và sự suy thoái các phẩm chất khác. Người cũng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống”(3), cho nên mỗi người phải thường xuyên, chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày và phải thực hành kiên trì, bền bỉ suốt cả cuộc đời, không được xem nhẹ ở bất kỳ thời điểm nào.
Đạo đức được hình thành, rèn luyện thông qua các hoạt động trong thực tiễn, từ sinh hoạt đến học tập, công tác; thể hiện sinh động và chân thực trong mọi mối quan hệ với bản thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, với Đảng, với dân. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đối diện với sự tàn bạo, tra tấn, khủng bố của kẻ thù; đối diện với hiểm nguy và cái chết; với áp bức, cường quyền, đòi hỏi người cách mạng phải giàu lòng hy sinh và luôn giữ vững tinh thần, ý chí. Trong công cuộc xây dựng chế độ mới, trong điều kiện đã trở thành Đảng cầm quyền thì mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài hơn, phức tạp hơn - đó là chống cái ác, cái xấu, cái phản tiến bộ; chống nguy cơ suy thoái của quyền lực; phải vượt qua những ham muốn tầm thường. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(4).
Với tầm nhìn chiến lược và hiểu biết sâu sắc về điều kiện, bối cảnh đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ những khó khăn, thử thách cũng như tiên liệu những vấn đề phức tạp mới nảy sinh trong quá trình xây dựng nền đạo đức mới. Người chỉ rõ: “Đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(5). Bởi vì, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó xây dựng nền đạo đức xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ cực kỳ to lớn, gian khổ, lâu dài và phức tạp. Do đó, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội - chế độ xã hội với đặc trưng cơ bản có trình độ phát triển sản xuất cao, không còn chế độ người bóc lột người, một xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng; một xã hội nhân văn và giải phóng con người triệt để thì người cách mạng phải có nền tảng đạo đức vững chắc, có đủ sức đề kháng chống “chủ nghĩa cá nhân”; có đủ tư cách, phẩm giá, năng lực để lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó. Bên cạnh đó, Người phân biệt rất rõ giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải giày xéo lợi ích cá nhân, mà ngược lại phải biết tôn trọng, phát huy năng lực, sở trường và đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho phẩm giá tốt đẹp của mỗi người được nảy sinh và nuôi dưỡng.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam, việc tu dưỡng đạo đức theo tiêu chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là đòi hỏi mang tính tất yếu. Đó không phải là những phẩm chất mang tính “ảo tưởng” không thể thực hiện được mà đó là những phẩm chất cần phải có; là thước đo, căn cứ để tổ chức và các tầng lớp nhân dân đánh giá, xem xét tư chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; giúp mỗi cán bộ, đảng viên có định hướng để rèn luyện, xứng đáng là thành viên của Đảng cách mạng chân chính và đủ tư cách, năng lực để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Việc xây dựng, rèn luyện phẩm chất đó sẽ tạo nên những thế hệ cán bộ, đảng viên tận tụy, trung thành vì lợi ích chung; góp phần hình thành nền đạo đức mới cho dân tộc; định hướng xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh” và sự phát triển dân tộc theo hướng “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”(6). Không đáp ứng những chuẩn mực đó, tất yếu đảng viên sẽ bị rơi vào suy thoái, đánh mất niềm tin của Nhân dân - yếu tố mang tính quyết định đối với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: con người không phải là thánh thần; ai cũng có nhu cầu và ham muốn cá nhân; ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có cái thiện, cái ác ở trong mình, cũng chịu tác động điều kiện xã hội, nhất là khi Việt Nam đang ở trình độ lạc hậu và mang nặng dấu tích của xã hội cũ. Do vậy, Người không hề ảo tưởng về việc xây dựng giá trị đạo đức mới, con người mới là việc dễ dàng, mà còn nhấn mạnh đó là một cuộc chiến đấu khổng lồ “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(7). Xuất phát từ điều kiện thực tiễn, Người xác định rõ phải dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống dân tộc để kế thừa và tiếp thu giá trị đạo đức nhân loại, nhất là đạo đức cộng sản để xác định chuẩn mực, giá trị phù hợp với dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.
Cụ thể, Người đã nêu lên và tự mình thực hành triệt để nhất những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới, đó là: tu dưỡng đạo đức suốt đời, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, xây dựng giá trị đạo đức mới gắn liền cuộc đấu tranh chống lại những gì là phản đạo đức. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Người chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp về xây dựng đạo đức bằng tuyên truyền giáo dục, rèn luyện đạo đức, phát huy vai trò chủ động, tự giác của mỗi người trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Qua đó, các quan điểm, tư tưởng đạo đức cách mạng được chuyển hóa, trở thành tình cảm đạo đức cách mạng; các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức thành lẽ sống, lương tâm, danh dự của đảng viên; từ các đòi hỏi của Đảng và xã hội đối với đảng viên thành nhu cầu nội tâm, hành vi tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, trong công tác và cuộc sống đời thường.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra lý tưởng, xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng mà còn chỉ ra phương hướng, nguyên tắc và giải pháp xây dựng nền đạo đức mới. Những quan điểm đó được Người chuyển hóa sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, xây dựng hệ giá trị đạo đức làm nền tảng tinh thần vững chắc cho chế độ mới, xã hội mới. Do vậy, đạo đức Hồ Chí Minh không phải là đạo đức ảo tưởng hay giả tưởng mà đó là đạo đức tu thân, đạo đức dấn thân, đạo đức hành động và trên thực tế, đã đem lại hiệu quả to lớn, thiết thực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đấu tranh chống luận điểm cho rằng Hồ Chí Minh mượn “đạo đức cộng sản” để thực hiện “mưu đồ chính trị” nhằm giành quyền lực cho mình
Đạo đức gắn với chính trị và phục vụ chính trị là vấn đề mang tính tất yếu trong xã hội có giai cấp. Cùng với việc sử dụng quyền lực của Nhà nước, giai cấp cầm quyền định ra quy tắc, chuẩn mực đạo đức với mục đích tạo ra những khuôn phép để ràng buộc người dân trong trật tự của chế độ, củng cố sự thống trị của giai cấp mình. Đối với giai cấp cầm quyền, họ đề ra những chuẩn mực riêng, được cho là “cao hơn” để trở thành tầng lớp ưu tú, những con người mẫu mực và vượt trội cho số đông dân chúng ngưỡng mộ, tôn kính.
Với sự nhìn nhận khách quan và khoa học, với lý tưởng cao đẹp vì con người, các nhà kinh điển mác xít nêu lên bản chất đạo đức và thực hiện cuộc cách mạng về đạo đức, xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cộng sản. Khác biệt về bản chất của các nền đạo đức trước đó nhằm phục vụ trước hết cho giai cấp thống trị, đối với những người cộng sản thì giá trị đạo đức được xác định nhằm giải phóng con người khỏi mọi cầm tù, giam hãm, vì sự tiến bộ xã hội và vì hạnh phúc của con người, mà trước hết là những người lao động. V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Đạo đức giúp cho xã hội loài người tiến lên trình độ cao hơn, thoát khỏi ách bóc lột”(8).
Kế thừa quan điểm tiến bộ của các nhà kinh điển mácxít, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: đạo đức của Đảng, của cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng, đạo đức kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đạo đức cách mạng biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng và hoạt động lãnh đạo của Đảng, của cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Người nêu rõ: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(9) .
Mục tiêu, lý tưởng cao cả ấy, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là lý luận suông, càng không phải khẩu hiệu mị dân, để lôi kéo Nhân dân tham gia trong cuộc đấu tranh giành quyền lực cho bản thân mình. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Nhân dân lầm than nô lệ, suốt cuộc đời Người đau đáu khát vọng cứu dân cứu nước; từ bỏ con đường “vinh thân, phì gia”; dấn thân vào hành trình cứu nước đầy hiểm nguy, gian khổ và đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(10). Có lẽ đó là một lý do quan trọng giải thích vì sao Người không lựa chọn con đường tư bản, dù Người đến các nước tư bản tiên tiến và nghiên cứu học thuyết của giai cấp tư sản trước khi đến với nước Nga Xô-viết và chủ nghĩa Mác-Lênin. Người đánh giá cao những thành tựu của chủ nghĩa tư bản, nhưng cũng nhìn thấu tận cùng bản chất của chế độ tư bản. Đó là sự áp bức, bóc lột với người lao động; là sự bất bình đẳng giữa người giàu - người nghèo; sự phân biệt đối xử giữa các chủng tộc người; là sự chà đạp của nước lớn với những nước nhỏ yếu. Đó không phải là mục tiêu, không phù hợp với những giá trị mà Người muốn hướng tới cho con người và dân tộc Việt Nam.
Con đường chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là con đường cách mạng vô sản nhằm giải phóng dân tộc, sau đó xây dựng chế độ mới công bằng và tiến bộ, đó là chế độ xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo trước hết là cuộc đấu tranh lật đổ sự thống trị của đế quốc thực dân để giành độc lập và xác lập quyền lực chính trị cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cho giai cấp công nhân. Nhưng đó mới là tiền đề về chính trị để thực hiện mục tiêu cao hơn, lâu dài hơn, bao trùm hơn là xây dựng đất nước độc lập, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu và đem lại tự do, hạnh phúc. Người luôn mong muốn: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(11). Trong quá trình lãnh đạo, bên cạnh nhiều nhiệm vụ, công việc quan trọng thì vấn đề giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, xây dựng nền đạo đức mới luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng yếu, ưu tiên hàng đầu, là nền tảng, điều kiện để hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng.
Từ khi là người dân bình thường đến khi trở thành Chủ tịch nước, 24 năm trên cương vị đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định tâm thế của “một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(12). Người chỉ rõ việc rèn luyện nên những người cộng sản chân chính, những tấm gương mẫu mực trước Nhân dân, để Nhân dân tin tưởng và đi theo, lãnh đạo Nhân dân cũng chỉ nhằm mục đích cao nhất là phụng sự Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân. Bởi vì, chỉ người cộng sản chân chính mới có thể hiên ngang trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh, vượt qua cám dỗ danh lợi tầm thường để lãnh đạo Nhân dân làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, tiếp đó là hai cuộc kháng chiến vĩ đại đánh đuổi thực dân, đế quốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và giành thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng chế độ mới, xã hội mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về đạo đức cách mạng, mà còn là nhà thực hành đạo đức mẫu mực và triệt để nhất. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vĩ đại nhưng cũng hết sức bình dị, gần gũi. Với nhân cách cao đẹp đó, Người đã thuyết phục, để lại ấn tượng sâu sắc với các tầng lớp nhân dân, từ trẻ em đến cụ già, từ những người lao động tay chân đến những nhà trí thức, chức sắc tôn giáo; với bạn bè quốc tế, với cả những người không cùng chính kiến, thậm chí là đối thủ đang đối đầu quyết liệt. Đã có rất nhiều câu chuyện, nhiều cuốn sách, dòng hồi tưởng của những người được gặp, được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi lại; đã có rất nhiều bài thơ, bài hát, tác phẩm nghệ thuật ra đời từ cảm hứng con người Hồ Chí Minh; đã có rất nhiều tấm gương học và làm theo Bác…, điều đó cho thấy sức lan tỏa, cảm hóa của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là điều không ai có thể phủ nhận hay xuyên tạc. Do vậy, luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh mượn “đạo đức cộng sản” như một phương tiện thực hiện “mưu đồ chính trị” nhằm thỏa mãn tham vọng cá nhân đã trở nên hết sức lạc lõng và nực cười.
Hiện nay, sự suy thoái phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào lý tưởng cộng sản và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn, lan tỏa sâu rộng hơn giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại của Người, kiên quyết đấu tranh chống suy thoái trong Đảng, xây dựng, chỉnh đốn và phát triển Đảng, xứng đáng là tổ chức cách mạng tiên phong mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công sáng lập và rèn luyện./.
-------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.354.
(2) Sđd, tập 6, tr.16.
(3), (4) Sđd, tập 11, tr.612, tr.601.
(5) Sđd, tập 12, tr.411.
(6), (11) Sđd, tập 13, tr.438, tr.30.
(7) Sđd, tập 15, tr.617.
(8) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.371.
(9) Sđd, tập 5, tr.292.
(10), (12) Sđd, tập 4, tr.187, tr.187.
TS Lê Thị Hằng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo tcnn.vn
Hà An (st)