Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Chủ nghĩa Mác-Lênin và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn quan tâm tới đội ngũ trí thức và đánh giá cao vị trí, vai trò của trí thức trong đời sống xã hội nói chung, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chủ nghĩa xã hội nói riêng.

quan diem mac ve tri thuc
Ảnh minh họa

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã phát hiện ra rằng trí thức ra đời gắn liền với sự phân công lao động xã hội và cụ thể là sự tách lao động sản xuất tinh thần ra khỏi lao động vật chất. Các ông viết: “Phân công lao động chỉ trở thành sự phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần”(1) và “ăn khớp với điều đó là hình thức đầu tiên của những nhà tư tưởng, tức là cha cố”(2). Như vậy, trí thức là những người lao động trí óc trong lĩnh vực sản xuất tinh thần. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng trong mỗi thời đại lịch sử khác nhau, vai trò của trí thức cũng khác nhau. Trí thức có vị trí, vai trò to lớn đối với sự phát triển xã hội. Song vai trò của họ được phát huy đến mức độ nào, phát huy vì mục tiêu gì thì lại bị chi phối bởi các điều kiện khách quan, chủ quan của mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong chủ nghĩa tư bản, trí thức được các nhà tư bản sử dụng vì mục tiêu làm giàu của chính các nhà tư bản, bóc lột lao động của người lao động: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó”(3).

Trong quá trình đấu tranh của giai cấp vô sản, một mặt được giai cấp vô sản giác ngộ, mặt khác bản thân nhiều trí thức đã tự giác ngộ giai cấp ra nhập vào đội ngũ những người vô sản. “Đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động lịch sử”(4). C.Mác, Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ chỉ có giai cấp công nhân mới là giai cấp có thể giải phóng trí thức khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, tạo ra những điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của trí thức đạt hiệu quả. C.Mác viết: “Chỉ có giai cấp công nhân mới có thể giải phóng họ khỏi sự bạo ngược của những linh mục, làm cho khoa học không còn là một công cụ chính trị giai cấp mà là một sức mạnh của nhân dân, làm cho bản thân những nhà bác học không còn là những tòng phạm của những thành kiến giai cấp, là những kẻ ăn bám nhà nước săn đuổi địa vị béo bở và là những kẻ đồng minh của tư bản, mà là những tác nhân tự do của tư duy! Khoa học chỉ có thể đóng vai chân chính của nó trong nền cộng hòa của lao động”(5). Khi trí thức của xã hội cũ được giác ngộ ý thức giai cấp của giai cấp công nhân, đi theo và thấm nhuần thế giới quan của giai cấp công nhân thì họ sẽ trở thành “giai cấp vô sản lao động trí óc”(6)- trí thức mới của giai cấp công nhân.

Khi cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, cũng như các giai cấp lao động khác, trí thức cũng được giải phóng và trở thành những chủ thể mới cùng tham gia xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong chủ nghĩa xã hội, vai trò của trí thức càng trở nên quan trọng. Nói về điều này, Ph.Ăngghen viết: “Các cuộc cách mạng tư sản trước đây  đòi hỏi các trường đại học chỉ đào tạo ra các trạng sư làm nguyên liệu tốt nhất để hình thành nên những nhà hoạt động chính trị của chúng; ngoài đòi hỏi đó, sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân còn cần phải có những bác sĩ, kỹ sư, nhà hóa học, nông học và các chuyên gia khác, vì vấn đề là phải nắm lấy việc quản lý không phải chỉ bộ máy chính trị, mà còn cả toàn bộ nền sản xuất xã hội nữa, và ở đây cần đến những kiến thức vững chắc chứ không phải là những câu xuông xáo oang oang”(7).

quan diem mac ve tri thuc 2

Sau này, V.I. Lênin đã có những luận điểm bổ sung quan trọng về trí thức. Ông cho rằng trí thức là một “tầng lớp đặc biệt”(8). bởi lẽ, trí thức không phải là một giai cấp độc lập bởi vì họ không có quan hệ sở hữu riêng và trực tiếp đối với tư liệu sản xuất. Hơn nữa, trong xã hội có đối kháng giai cấp, trí thức luôn mang tính chất trung gian. Họ sẽ nghiêng về giai cấp nào mà đáp ứng lợi ích thiết thân cho họ. V.I.Lênin đã viết: “Tầng lớp này chiếm một địa vị độc đáo trong các giai cấp khác, một phần thì họ gắn với giai cấp tư sản xét về những mối liên hệ của họ, những quan điểm của họ… và một phần thì họ gần với những người lao động làm thuê”(9). Tất nhiên, tính trung gian, đặc biệt ở đây không phải là họ là lực lượng “siêu giai cấp”, “đứng trên mọi giai cấp” như các nhà tư tưởng tư sản thường khẳng định. Trong một thể chế chính trị-xã hội nhất định, trí thức luôn thuộc về giai cấp thống trị do hệ thống giáo dục của nhà nước, của thể chế chính trị ấy tạo ra. Chính vì vậy, trí thức dù tự giác hay không đều phục vụ cho chế độ thống trị và giai cấp thống trị. Bởi lẽ, “Nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”(10). Nhưng trong một chế độ áp bức, bóc lột trí thức không thể không nhập cục với giai cấp thống trị.

Một đặc điểm rất đáng lưu ý theo V.I.Lênin lao động của trí thức mang tính độc lập cao và đậm dấu ấn cá nhân. V.I.Lênin viết: “so với giai cấp vô sản thì giới trí thức bao giờ cũng có nhiều tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn, ấy là do những điều kiện cơ bản của đời sống và công tác của họ không cho phép họ thống nhất lực lượng một cách trực tiếp và rộng rãi, không cho họ được giáo dục trực tiếp trong lao động tập thể có tổ chức”(11). Chính đặc điểm này của trí thức dễ làm cho họ thờ ơ với chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà V.I.Lênin viết: “Người trí thức cấp tiến, người trí thức xã hội chủ nghĩa rất dễ biến thành quan lại của chính phủ nhà vua, thành một anh quan lại tự an ủi rằng ở trong nếp cũ quan trường, mình cũng “có ích” và viện “sự có ích” đó để bào chữa cho thái độ lãnh đạm của mình đối với chính trị”(12).

quan diem mac ve tri thuc 3

V.I.Lênin đánh giá vai trò to lớn của trí thức đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cũng giống như C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin khẳng định trí thức đóng một vai trò hết sức to lớn đối với phát triển xã hội. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vai trò của trí thức càng được khẳng định. V.I.Lênin viết: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được”(13). Bởi lẽ, cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công đòi hỏi phải dựa trên cơ sở một nền giáo dục và đào tạo, khoa học và kỹ thuật (công nghệ) hiện đại với một phương thức quản lý khoa học. Như vậy, vai trò của trí thức trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan.

V.I.Lênin cũng cho rằng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng của giai cấp công nhân nhất thiết phải “phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư sản”(14) và đào tạo trí thức của mình; thậm chí khi cần thiết phải “trả tiền công cao cho những chuyên gia giỏi nhất trong mỗi lĩnh vực” vì đó là một khoản học phí cần thiết để giai cấp công nhân có thể học những kinh nghiệm tổ chức, quản lý quá trình sản xuất từ các chuyên gia tư sản.

Đồng thời, Đảng của giai cấp công nhân phải biết “tạo ra tầng lớp trí thức riêng của mình”(15). V.I.Lênin cũng lưu ý rằng việc đào tạo đội ngũ trí thức mới không phải là một nhiệm dễ dàng, giai cấp công nhân sẽ “gặp muôn vàn khó khăn trong việc đào tạo đội ngũ trí thức của mình”(16). Để phát huy và sử dụng hiệu quả trí thức của chế độ cũ cũng như trí thức của mình, giai cấp công nhân phải “hết sức bớt ra mệnh lệnh… mà đối xử với các chuyên gia khoa học kỹ thuật… một cách thận trọng và khéo léo”(17). V.I.Lênin cũng căn dặn Đảng của gaii cấp công nhân cần phải tìm cho mình ngày càng nhiều chuyên gia, trí thức, và biết tạo điều kiện cho họ làm việc, phát huy sức sáng tạo.

Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa những tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của trí thức trong xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người đã đưa ra định nghĩa: "Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó không có trí thức nào khác”(18). Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của trí thức đối với cách mạng Việt Nam. Người coi “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”(19); là “một phần tương lai của dân tộc”(20); “có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng”(21), “có học thức, dễ có cảm giác chính trị,… dễ tiếp thu sự giáo dục cách mạng và cùng đi với công nông”(22). Do vậy, Đảng là phải có biện pháp lôi kéo trí thức đi theo và ủng hộ để tăng sức mạnh cho mình. Người căn dặn: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, thanh niên, Tân Việt,.. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”(23).

Vai trò to lớn của trí thức được thể hiện cả trong cách mạng giải phóng dân tộc, cả trong cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người xác định: "Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội"(24). Trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, có vai trò tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng những tư tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù địch.

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, “Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”(25). Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “muốn phát triển văn hoá thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khoẻ của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ thì phảicần các kỹ sư”(26). Như vậy, vai trò của trí thức vô cùng to lớn trong cách mạng Việt Nam. Tất nhiên, đây là vai trò của những trí thức chân chính, một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Người trí thức chân chính theo Hồ Chí Minh phải là người trí thức hoàn toàn, nghĩa là phải biết vận dụng tri thức của mình phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Người viết: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức toàn toàn, thì phải biết đem trí thức đó áp dụng vào thực tế"(27). Cho nên điều quan trọng là phải biết vận dụng ri thức vào cuộc sống, vào phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Những tư tưởng này của Hồ Chí Minh làm cơ sở nền tảng cho Đảng ta nhận thức, đánh giá về vị trí, vai trò của trí thức.Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra quan niệm về trí thức: "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội"(28). Từ quan niệm về trí thức như vậy, nên Đảng ta đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức. Vị trí, vai trò của trí thức nước nhà được thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực sau:

Một là, cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng; góp phần trực tiếp cùng toàn dân đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước xoá đói, giảm nghèo, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, cơ cấu lao động theo trình độ được đào tạo đã có sự tăng cao. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng cũng tăng nhanh. Tỷ trọng lao động được đào tạo từ đại học trở lên trong những ngành dịch vụ cao hơn so với ngành sản xuất. Đội ngũ trí thức là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh của đất nước. Đội ngũ trí thức Việt Nam còn là một thành tố thống nhất hữu cơ không thể tách rời trong khối liên minh công – nông – trí ở Việt Nam. Do vậy, đội ngũ trí thức Việt Nam không chỉ được Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá cao về phát triển kinh tế mà còn đánh giá cao về xây dựng, phát triển xã hội, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Đội ngũ trí thức Việt Nam cũng là một trong những lực lượng nòng cốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, chính họ là những người tham gia trực tiếp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại rồi chuyển tải vào văn hóa Việt Nam. Họ là những người trực tiếp góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho nhân dân.

Ba là, bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước. Chính đội ngũ trí thức Việt Nam trực tiếp góp phần vào xây dựng phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, nhân văn.

Bốn là, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chnhs họ là những người góp phần tổng kết, rút ra những bài học nghệ thuật quân sự giá trị của ông, cha để lưu truyền và gìn giữ cho các thế hệ ngày mai. Họ cũng là những người góp phần hình thành nên đường lối quân sự Việt Nam.

Năm là, nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đa số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước(29).

Trên cơ sở quan niệm về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam như trên, Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”(30). Để thực hiện được nhiệm vụ này, Đại hội XIII yêu cầu “Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, […]. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(31). Những quan điểm này hoàn toàn đúng đắn. Quán triệt tốt chúng ta sẽ từng bước xây dựng được đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tóm lại, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của trí thức trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng  như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để lôi cuốn, thu hút và phát huy vai trò của trí thức./.

 

GS.TS Trần Văn Phòng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Thanh Huyền (st)

----------------

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 3, tr.45

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 3, tr.45

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.600

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.609 - 610

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 17, tr.732

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 17, tr.732

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 22, tr.613-614.

(8) V.I.Lênin toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, Hà Nội, tập 41, tr.300

(9) V.I.Lênin toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, Hà Nội, tập 37, tr.264

(10) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 35, tr.552.

(11) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 51, tr.18.

(12) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 36, tr.565.

(13) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 49, tr.217.

(14) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 50, tr.170

(15) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 39, tr.480

(16) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 58, tr.224

(17) V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 54, tr.434

(18) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.235

(19) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.156

(20) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.220

(21) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.34; tr.214

(22) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.34; tr.214

(23) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.203

(24) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.203

(25) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.39

(26) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 7, tr.32 – 33

(27) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.235

(28) Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.81 – 82 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X " Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" | Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn). Ngày 16/8/2008)

(29) Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X " Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" | Tạp chí Tuyên giáo (tuyengiao.vn). Ngày 16/8/2008.

(30) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, NxbCTQGST,H.2021, tập I, tr.167.

(31) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; NxbCTQGST; H.2021, tập 1, tr.167.

Bài viết khác: