Trong quan hệ quốc tế, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt, bền vững, thủy chung như quan hệ Việt Nam - Lào. Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong, hai dân tộc đã chia ngọt sẻ bùi trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Ảnh TTXVN.
Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta - Người đã dày công vun đắp cho mối quan hệ Việt - Lào từng nhấn mạnh, đó là mối “quan hệ đặc biệt”. Để nói cho hết về mối “quan hệ đặc biệt” ấy, cần phải ngược dòng lịch sử, để lịch sử chứng minh cái nghĩa, cái tình và tấm lòng thủy chung, son sắt, sát cánh bên nhau của hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc và cùng nhau xây dựng hòa bình, hướng tới tương lai hạnh phúc.
Tình hữu nghị trong sáng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Kay-xỏn Phôm-vị-hản cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và được hun đúc bằng công sức và xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ, để trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kay-xỏn Phôm-vị-hản chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Trong thời kỳ hai nước chịu sự xâm lăng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ XIX cũng như trong thế kỷ XX, hai nước đã luôn đồng cam cộng khổ, hỗ trợ lẫn nhau, nhờ sự đoàn kết này, hai nước đã liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong quá trình tìm đường cứu nước của mình, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến tình hình Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6-1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2-1927, Hội đã gây dựng được cơ sở tại Lào.
Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng-chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức. Quá trình Nguyễn Ái Quốc đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam báo hiệu bước ngoặt lịch sử trọng đại sắp tới của cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, xác lập rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa phong trào ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia.
Giai đoạn 1930-1945 là thời kỳ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong tiến trình lịch sử đó, bộ phận nhân sỹ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Người Việt ở Lào là một lực lượng tích cực trong phong trào cách mạng Lào và là nhân tố quan trọng xây đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc. Khi đã xác định đường đi cho dân tộc mình thì đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận ra rằng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình cần phải có những người bạn đồng minh. Trước hết đó là hai dân tộc láng giềng Miên và Lào.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay những ngày đầu tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đến Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến hai nước và khu vực. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào Ít-xạ-lạ (ngày 12-10-1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhân dân hai nước phải tiếp tục đối mặt với quân xâm lược đế quốc Mỹ. Sự nghiệp cách mạng của hai nước Lào - Việt Nam có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận thấy từ lâu, Người thường căn dặn “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào”. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn người con yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc. Quan tâm, chia sẻ cùng đồng cam cộng khổ trong hai cuộc kháng chiến, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Lào. Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, được nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là câu nói cô đọng, giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn, mở ra phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân tộc; là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ban ơn.
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành di sản văn hóa thiêng liêng của hai dân tộc, nơi hội tụ biết bao giá trị cao đẹp và sâu sắc mà trí tuệ và tình cảm của nhân loại hằng ngưỡng mộ, tôn vinh, rất phù hợp với cách diễn đạt của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi”.
Ngày 5-9-1962, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam và Lào. Hai nước đã xác định rõ phải đoàn kiết đứng lên kiên quyết đánh đuổi xâm lược. Từ cuối năm 1965, Việt Nam cử một số đơn vị quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa sang làm nhiệm vụ quốc tế theo yêu cầu của cách mạng Lào. Trong khi đó, đáp ứng nhu câu chi viện cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia, Lào đã ủng hộ Việt Nam mở đường Tây Trường Sơn - công trình vĩ đại, biểu tượng cao đẹp của quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Ngày 30-4-1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng là điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn, thiết lập nên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 2-12-1975. Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng và khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam kháng chiến có thành công, thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi; và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi, thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”.
Kế thừa di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần truyền thống quý báu được xây dựng từ nhiều thế hệ, từ sau ngày hai nước được hoàn toàn giải phóng, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giúp nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh; xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ với nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển; giữ vững quốc phòng - an ninh; làm thất bại âm mưu bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch. Ngày 18-7-1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết, là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi nước.
Ngày nay, hai Đảng và nhân dân hai nước không ngừng phấn đấu đưa quan hệ đặc biệt Việt - Lào phát triển lên tầm cao mới, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu của mình, vì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Theo thời gian, mối “quan hệ đặc biệt” Việt - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp ngày càng được tăng cường và phát triển, trở thành động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt từ khi hai nước thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối “quan hệ đặc biệt” và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và giành được những thắng lợi to lớn. Đó cũng là thành quả được kết tinh từ lịch sử, từ sứ mệnh mà hai Đảng, hai dân tộc đã chung sức, chung lòng, chung vai gánh vác qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước./.
NGUYỄN MẠNH CHÂU, ĐÀM ĐỨC CƯỜNG, LÊ HOÀNG, CAO THỊ LAN ANH, HÀ BẢO TRÂM
Chi bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Hà An (st)