Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

may suy nghi
Ảnh minh họa.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đối diện với thách thức, diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng,… Đặc biệt, đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, xảy ra đã tác động mạnh đến nước ta, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Nếu không giữ vững bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí và hành động, không trong sạch về đạo đức lối sống, không chặt chẽ về tổ chức, không được nhân dân ủng hộ thì Đảng không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Thực tế cho thấy bên cạnh đa số những cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu được nhân dân tin tưởng, đã xuất hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Bởi vậy liên tiếp trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI và XII, BCH Trung ương đã ban hành và tập trung nguồn lực để thực hiện hai nghị quyết chuyên đề quan trọng: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết tập trung vào 3 vấn đề trong đó có ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên đến cuối nhiệm kỳ tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa kịp giảm vẫn là vấn đề nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả điều hành của nhà nước. Từ thực trạng đó BCH Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Nghị quyết chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái bao gồm 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cùng 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, về cơ chế, chính sách, về kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII rất đồng bộ, rất toàn diện, rất quyết liệt và có tính đột phá, đem lại kết quả rất cụ thể, đã giải quyết được hàng loạt các vụ việc trong đó có những vấn đề khó, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tạo ra niềm tin to lớn trong nhân dân đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn của Đảng. Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp giữa xây và chống. Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta khẳng định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nhấn mạnh một số nội dung mới, chủ yếu là: Mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh sự nguy hiểm của biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Năm 2016, Đảng đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn mà người dân vẫn thường gọi là chiến dịch “đốt lò”, có người là Ủy viên Bộ Chính trị đã bị bắt, có người từng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phải đứng trước vành móng ngựa và Bộ trưởng về hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”... Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với chiến dịch “đốt lò” chính là cuộc chiến trực diện nhất, quyết liệt nhất nhằm vào thế lực ghê gớm nhất đang thao túng mọi mặt và đẩy Đảng đứng trước nguy cơ của sự tồn vong, từ đây thắp lên trong nhân dân, cùng những đảng viên yêu Đảng niềm tin và khả năng tự soi, tự sửa, tự chỉnh đốn để trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên thời gian qua chúng ta vẫn phải chứng kiến những vụ việc tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên bị phanh phui. Không ít những cán bộ, đảng viên Trung ương đến địa phương bị xử lý kỷ luật. Lò lửa chống tham nhũng cháy mỗi ngày một to, củi mỗi ngày một nhiều.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng việc xử lý kỷ luật đưa những đảng viên suy thoái ra khỏi Đảng là giải pháp quan trọng cấp bách, thường xuyên. Nhưng giải pháp cơ bản mang tính chiến lược lâu dài thì phải chú trọng xây dựng tổ chức, xây dựng con người, mà công việc đó bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Chất lượng đảng viên quy định chất lượng các tổ chức Đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng, vai trò lãnh đạo uy tín của Đảng đối với xã hội do phẩm chất năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành. Đảng viên tốt là do rèn luyện mà nên, mà việc rèn luyện đó không phải ngày một, ngày hai, đó là cả quá trình kiên trì bền bỉ, tự mình trau dồi chuyên môn và phẩm chất đạo đức mỗi ngày. Trong cuộc sống ngày hôm nay với những cám dỗ lớn lao tiền tài, địa vị, nếu không tự mình trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng thì rất khó giữ được tấm lòng trong sáng, kiên định được mục tiêu lý tưởng của người đảng viên. Thực tế đã có những bài học cay đắng do thiếu tu dưỡng đạo đức mà thành, có những đảng viên trong gian khổ thì hăng hái trung thành, nhưng khi có trong tay quyền lực thì kiêu ngạo, xa xỉ, tham ô, lãng phí, có người đã kiên trì phấn đấu gần hết cuộc đời nhưng cuối cùng sự nghiệp lại đổ vỡ, thậm chí vướng vào vòng lao lý, đó là do họ đã không thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức, sớm bằng lòng tự mãn với bản thân để rồi dần suy thoái.

Việc xây dựng đảng viên tốt là công việc xây dựng con người để Đảng vững mạnh từ gốc. Xây dựng con người phải đi liền với xây dựng tổ chức, tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ, chi bộ chính là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh, các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh. Từ những sai phạm của đảng viên dẫn đến trách nhiệm của các chi bộ, sai phạm bắt đầu từ những khuyết điểm nhỏ nếu như không có sự phê bình nhắc nhở quản lý giáo dục của tổ chức lâu dần trở thành vết trượt dài không cứu vãn nổi. Công cuộc cách mạng do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận xây dựng nên, không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại thì không thành việc lớn. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc muốn làm nhà tốt phải xây nền cho vững, có chi bộ tốt, đảng viên tốt, nền móng vững chắc tất yếu Đảng sẽ mạnh. Trong đó quan trọng nhất vẫn ở người đảng viên, nếu mỗi đảng viên trong chi bộ thực sự suy ngẫm lại bản thân đã nỗ lực, đã cống hiến cho cơ quan, đơn vị, làm gì xứng đáng với lời thề trước Đảng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, có những sửa đổi dù nhỏ nhưng bền bỉ lâu dài thì Đảng ta ngày càng vững mạnh, vững vàng trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân, gặt hái những vụ mùa hạnh phúc./.

LÊ VĂN THÀNH

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse (Lào)

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Thanh Huyền (St)

Bài viết khác: