1. Nghị định 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa từ ngày 01/11/2022 bao gồm:
- 01 tờ khai của cơ sở đào tạo đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- 01 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của giáo viên và hợp đồng của giáo viên (hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỉnh giảng hoặc hình thức hợp đồng phù hợp khác theo quy định của pháp luật).
- 01 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hoặc hợp đồng thuê phòng học, xưởng thực tập, phương tiện, cầu cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, vùng nước để dạy thực hành; giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn hiệu lực phù hợp với loại, hạng và thời gian đào tạo.
So với Nghị định đã bỏ yêu cầu: 01 bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương khác của cơ sở đào tạo.
2. Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Theo đó, chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gồm:
(1) Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo.
(2). Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
(3). Quản lý hiệu quả hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định các hành vi bị cấm đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
(1) Tổ chức, thực hiện, tham gia, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
(2) Tổ chức, thực hiện, tham gia các hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận, không phục vụ mục đích hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo.
(3) Tài trợ cho các hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền tại nước khác, các tổ chức khủng bố và các hoạt động khủng bố.
(4) Tổ chức, tham gia, tài trợ các hoạt động rửa tiền hoặc liên quan đến rửa tiền.
(5). Tổ chức, tham gia, tài trợ các hoạt động khác trái với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.
3. Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ. Có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Theo đó, trình tự, cách thức thực hiện thủ tục chấp thuận cơ sở đào tạo, thủ tục cấp lại Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ.
Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu chính: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Đối với trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân kê khai và nộp hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp Giấy chấp thuận hoặc cấp lại Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. Trường hợp không cấp Giấy chấp thuận hoặc không cấp lại Giấy chấp thuận, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Việc trả Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo, Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo cấp lại được thực hiện tại Cục Đường bộ Việt Nam, hoặc qua dịch vụ bưu chính, hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
4. Thông tư số 13/2022/TT-BKHCN ngày 15/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật cho nhóm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia. Có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.
Thông tư gồm 8 Điều và 05 phụ lục chi tiết, trong đó tập trung vào: Định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; đối với xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; đối với xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; đối với phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và đối với hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia.
Thông tư quy định cho các đối tượng là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện dịch vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện dịch vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài và hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia.
Ngoài ra Thông tư cũng hướng dẫn phương pháp xây dựng địn mức kinh tế kỹ thuật; nội dung định mức kinh tế kỹ thuật và cơ sở xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
5. Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Có hiệu lực từ ngày 01/11/2022
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn về xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; Phân phối kết quả tài chính trong năm của đơn vị sự nghiệp công; Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; Lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, quyết toán thu, chi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; Chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công; Xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công.
Thông tư này cũng hướng dẫn đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, gồm: Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1); Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2); Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3); Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4).
6. Thông tư số 58/2022/TT-BTC ngày 22/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Có hiệu lực từ ngày 10/11/2022
Cụ thể, chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình; khảo sát, đánh giá năng lực, điều kiện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại trong Chương trình theo quy định của pháp luật: Nội dung và mức chi thực hiện theo Thông tư 109/2016/TT-BTC.
Bên cạnh đó, chi xây dựng chuẩn đầu ra ngành, nghề đào tạo mới và chỉnh sửa, bổ sung chuẩn đầu ra một số ngành, nghề cần bổ sung kiến thức, kỹ năng mới như sau:
Thứ nhất, trình độ cao đẳng, trung cấp: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 Thông tư 15/2022/TT-BTC. Thứ hai, trình độ sơ cấp: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 23 Thông tư 15/2022/TT-BTC.
Ngoài ra, chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư 15/2022/TT-BTC.
7. Thông tư số 60/2022/TT-BTC ngày 03/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Có hiệu lực từ ngày 17/11/2022
Theo đó, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là: Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán; Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Quản lý nhà nước về bảo hiểm; Quản lý nhà nước về hải quan; Quản lý nhà nước về giá; Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước; Quản lý nhà nước về tài sản công.
Điều 6 Thông tư số 60/2022/TT-BTC cũng quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ là từ 1 đến 2 năm.
8. Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Có hiệu lực từ ngày 20/11/2022
Theo Thông tư, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm được quy định như sau:
(1) Các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp (1) mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
(3) Dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp (1) mà phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm:
- Mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí tổ chức cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án;
- Mức kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(4) Dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất: Mức kinh phí tổ chức cưỡng chế thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
9. Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Có hiệu lực từ ngày 19/11/2022
Theo đó, khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo tiền ăn, chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; chi phí gồm khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị bệnh cơ hội khác (nếu có).
Ngoài ra, người điều trị cai nghiện cũng được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh; học văn hóa (người từ 12 đến dưới 18 tuổi); phổ biến, giáo dục pháp luật theo chuyên đề; chi phí học nghề ngắn hạn.
Ngân sách Nhà nước cũng chi trả tiền điện, nước sinh hoạt 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng (tăng 20.000 đồng với quy định cũ). Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu với mức 100.000 đồng/người/năm (tăng 30.000 đồng).
Người cai nghiện bắt buộc cũng được chi chế độ lao động, lao động trị liệu; chi phí mai táng nếu bị chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận; hỗ trợ đưa người cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú.../.
Huyền Trang (tổng hợp)