Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Trải qua gần 70 năm, từ những ngày tham gia phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long cho đến khi giữ cương vị cao nhất của Chính phủ, cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người mà anh em giúp việc vẫn gọi với cái tên thân thương là anh Sáu Dân) gắn liền với Nhân dân, với những chặng  đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng.

Là con người của hành động, con người của những quyết sách mang tầm vóc lịch sử, ngay cả khi đã thôi nhiệm, Cố Thủ tướng vẫn luôn luôn trăn trở suy tư vì dân, vì nước. Dù khi đã ở tuổi 86, ông vẫn luôn theo dõi sát tình hình thời cuộc, đóng góp những ý kiến có trách nhiệm với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về những vấn đề hệ trọng của quốc gia.

thu tuong vo van kiet
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

 Học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khi nói đến Bác Hồ, hầu như trong hoàn cảnh nào cũng vậy, Anh Sáu trước hết nói về tinh thần, về ý nghĩa, việc Bác làm, về cách xử sự tình huống của Bác, về cách Bác giải quyết vấn đề…, trước hết là về lòng trung thành vô hạn với lợi ích dân tộc, là ý chí và sự mẫn tiệp của Bác trong sứ mệnh chèo lái con thuyền quốc gia, trong nhiệm vụ là biểu tượng tinh thần của dân tộc, trong cương vị là lãnh tụ sáng lập và rèn luyện Đảng…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Không chần chừ được. Thời cơ không chờ đợi! Nếu Bác không quyết nắm lấy thời cơ thì làm sao có Cách Mạng Tháng Tám, làm sao thành công được!.. Cứ suy nghĩ kỹ mà xem… Khó khăn của chúng ta bây giờ ăn nhằm gì!”.. Đứng trước hoàn cảnh cần lựa chọn quyết định, Cố Thủ tướng luôn luôn nghĩ đến những quyết định và việc làm của Bác, để học tập, để noi gương, để mổ xẻ cặn kẽ tình huống công việc mình đang đối mặt.., nhất là để kiên định quan điểm và sự lựa chọn.

Ông từng căn dặn: “Không nên và không được tư duy theo cách đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống. Cũng không thể nói “Ý Đảng lòng dân” đến mức như là một khuôn sáo… Đúng ra phải nghĩ ngược lại: Đưa cuộc sống vào đường lối chính sách của Đảng, nguyện vọng của dân phải trở thành ý chí của Đảng!.. Tự nhận là con cháu Bác Hồ thì phải làm như thế, học tập Bác thì phải làm như thế”… Chính vì thế, ông nhấn mạnh:  Hãy thử tìm xem, trong Tuyên ngôn Độc lập, rồi đến Hiến pháp 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong nhiều sự việc quan trọng khác, và ngay cả trong Di chúc của Bác nữa, có thấy chỗ nào Bác làm theo cách “đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống” không? Hay là Bác xuất phát từ những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống vạch ra chương trình hành động cho đất nước, cho Đảng?..”

“Cái chính là phải trung thành với mục tiêu của cách mạng và không được để lợi ích cá nhân xen vào. Nghĩ được như vậy thì sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Nghĩ được như thế, mới có thể hiểu được những quyết định có một không hai của Bác Hồ”. Và hơn thế: “Tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, tinh thần “độc lập tự chủ và sáng tạo” thì phải học Bác suốt đời!... Cứ khi nào không thấm nhuần hai điều cốt yếu này, là cách mạng y như gặp khó khăn, là y như phát sinh nhiều vấn đề…” - Cố Thủ tướng khẳng định.

Dấu ấn trong công cuộc đổi mới của đất nước

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng viết: “Trong nhận thức của tôi, đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhân tố tích cực trong bộ phận đầu não của Đảng và Nhà nước ta, đã có công lao to lớn trong việc góp phần hoạch định đường lối đổi mới cũng như đưa đường lối đó vào cuộc sống, nhất là trong 10 năm đầu đổi mới”.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8.1991), đồng chí Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau 3 năm giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng (từ 1988); và sau đó là Thủ tướng Chính phủ (từ 1992 - 1997). Đó là thời điểm nước ta đang thực hiện bước chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hết sức khó khăn khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa không còn nữa. Tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát tăng cao, nông dân và doanh nghiệp thiếu động lực sản xuất; Việt Nam phải nhập khẩu bo bo để chống đói…

Đứng trước hoàn cảnh của đất nước, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6/1988-8/1991), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (8/1991-10/1992), Thủ tướng Chính phủ (10/1992 - 12/1997), đồng chí Võ Văn Kiệt đã đề xuất và chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều chính sách có tính đột phá như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước,...chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng chí trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Tổ chuyên gia thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng thương mại, thành lập thanh tra, quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thành lập thị trường liên ngân hàng, áp dụng biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và thay cho khối lượng tiền tệ duy ý chí trước đây. Từ kết quả thực tiễn, đồng chí đã chỉ đạo Tổ cải cách tập trung xây dựng Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng và Pháp lệnh các Hợp tác xã tín dụng, sau đó là xây dựng Luật ngân hàng và Luật Hợp tác xã tín dụng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành theo quy luật thị trường.

Có thể nói, xuyên suốt quá trình lãnh đạo đất nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, cố Thủ tướng luôn đưa ra nhiều đột phá táo bạo trong nhiều lĩnh vực: ngoại thương, ngân hàng, kết cấu hạ tầng, đối ngoại… Trên trường quốc tế, ông được xem là người đại diện cho xu thế đổi mới mà báo chí nước ngoài thường giới thiệu ông qua hình ảnh nụ cười Việt Nam. Bằng những hoạt động của mình, ông đã góp phần từng bước xóa bỏ những định kiến hẹp hòi của các nước do nhiều nguyên nhân khác nhau đã từng là bức tường ngăn cách sự giao tiếp của dân tộc ta với thế giới. Bức tường đó dần dần bị đẩy lùi nhường chỗ cho niềm cảm thông, hiểu biết và hợp tác.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng đánh giá “Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng".

Trong suốt thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay Thủ tướng Chính phủ, ông đã đi khắp nơi trên thế giới, từ Âu sang Á, gặp gỡ và tiếp xúc với nguyên thủ các nước, nơi nào cũng để lại những cảm tình đặc biệt.

thu tuong vo van kiet 2
Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23/9/1992.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, dự tính trước nhu cầu quy luật phát triển của đất nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực. Ở đâu có ông là ở đó có không khí của đổi mới. Đối với bất kỳ quốc gia nào trên con đường phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng luôn là điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước cho đầu tư phát triển kinh tế. Tên tuổi của Võ Văn Kiệt đã gắn liền với những công trình để đời như: Thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, thủy điện Thác Mơ, Hàm Thuận - ĐaMi… các công trình giao thông tầm cỡ như xa lộ Bắc Thăng Long - Nội Bài, cầu Mỹ Thuận, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Khu công nghiệp Dung Quất, công trình thoát lũ ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Việc xây dựng những công trình trên đã gây ra biết bao tranh cãi mà điển hình là công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam.

Tại hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã nói về công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam như một lời tri ân đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như sau: “Đây là một công trình đã đi vào lịch sử. Một công trình được quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất, khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công nhanh nhất, hiệu quả nhất và có thể còn nhiều cái nhất nữa. Đã hơn 20 năm qua, những người tham gia công trình này có người còn người mất vì tuổi tác nhưng những người có tâm huyết với ngành điện đã và đang dạy bảo thế hệ con cháu tiếp tục những bước đi xây dựng nhiều mạch 500kV mới như đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 và các đường dây 500kV đồng bộ Nhà máy thủy điện Sơn La, những công trình mới như Thủy điện Sơn La, Quảng Ninh, Vĩnh Tân, Duyên Hải… góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra”.

Đến nay, những công trình mang dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mang lại hiệu quả to lớn mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Chính những công trình thế kỷ này đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù trên cương vị nào, thực hiện nhiệm vụ nào ông cũng có những minh chứng sáng tạo, những cống hiến to lớn và để lại dấu ấn khó phai. Dù ông đã đi xa nhưng mỗi khi nhắc về ông, chúng ta lại nhớ về một vị Thủ tướng tài năng, giàu thực tiễn, một nhà hoạt động chính trị tầm cỡ của Đảng và Nhà nước Việt Nam được Nhân dân trong nước và thế giới ngợi ca./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: