Đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với 86 năm tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, đồng chí đã hoạt động không ngừng nghỉ vì độc lập dân tộc, phát triển đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương tiêu biểu của nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân.

vo van kiet 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện
Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long_Ảnh: TTXVN

Tấm gương lựa chọn và đấu tranh cho lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sinh ra, lớn lên trong thời điểm đất nước bị áp bức, bóc lột, nô dịch của chế độ thực dân, phong kiến, đời sống của nhân dân Việt Nam nói chung, Vũng Liêm nói riêng vô cùng cực khổ, lầm than, bản thân đồng chí thuở nhỏ cũng phải vất vả để kiếm sống và phụ giúp gia đình. Thực tiễn quê hương, đất nước cũng như cuộc sống cực khổ, bươn chải của bản thân đã sớm hình thành trong người thanh niên trẻ tinh thần yêu nước và cách mạng, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. 

Năm 1938, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam. Điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động của đồng chí là, dù ở bất kỳ hoàn cảnh, cương vị nào, đồng chí luôn hướng tới mục tiêu cao nhất “vì dân” để đưa ra những quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn, hợp lòng dân.

Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, trên các cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá (giai đoạn 1941 - 1945), Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ (tháng 9-1945), rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá (tháng 6-1947), Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (năm 1950), sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn sát cánh cùng nhân dân, trực tiếp lãnh đạo nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đấu tranh giành và giữ chính quyền. Dấu chân của đồng chí Võ Văn Kiệt đã in khắp các chiến khu, vùng bưng biền, các chiến trường miền Tây Nam Bộ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí và tập thể cấp ủy các tỉnh miền Tây Nam Bộ, quân và dân miền Tây đã giành được chính quyền và lập nhiều chiến công, góp phần xây dựng hình tượng kiên cường, bất khuất của “Miền Nam thành đồng Tổ quốc”, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, đồng chí được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu (năm 1954); được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (năm 1955). Đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp nổi bật góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, tiêu biểu là những đề xuất với đồng chí Lê Duẩn, qua đó góp phần bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho bản Đề cương cách mạng miền Nam. Từ đó, Đảng đã tập trung trí tuệ nghiên cứu, hoàn thiện, để cho ra đời Nghị quyết 15 lịch sử, thổi bùng lên phong trào “Đồng Khởi”, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng miền Nam: Từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị, chuyển sang thế tấn công kẻ thù bằng chiến tranh cách mạng. Trên cương vị Bí thư Khu ủy T4 (Sài Gòn - Gia Định, giai đoạn 1959 - 1970), đồng chí đã lãnh đạo quân dân Sài Gòn - Gia Định anh dũng, kiên cường kháng chiến làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973). Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1973 - 1975), đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần cùng Ban lãnh đạo Trung ương Cục đưa ra những quyết sách đúng đắn, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu của kẻ địch hành quân, lấn chiếm vùng giải phóng sau Hiệp định Pa-ri, tạo đà cho sự phát triển của cách mạng miền Nam, là cơ sở để Đảng đưa ra quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đồng chí đã cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy năm cánh quân thần tốc tiến vào thành phố, phối hợp với sự nổi dậy của nhân dân, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lựa chọn và đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành trọn tâm huyết, sức lực, có đóng góp rất lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành và giữ chính quyền cách mạng, cũng như đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô dịch, bóc lột của thực dân, đế quốc, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Tấm gương nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo dựa vào nhân dân, đem lại quyền lợi cho nhân dân

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ngày 20-1-1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra quyết định bổ nhiệm đồng chí Võ Văn Kiệt - Phó Bí thư Thành ủy, giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh(1). Cùng với ban lãnh đạo Thành phố, đồng chí đã đưa ra những quyết sách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn tình hình của một thành phố mới được giải phóng, với bao bộn bề, phức tạp. Với bề dày kinh nghiệm lăn lộn trong những năm kháng chiến, với phương châm vừa học, vừa làm, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, mạnh dạn, táo bạo, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng lãnh đạo Thành phố từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh dần đi vào ổn định và phát triển.

vo van kiet 2
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể nơi xây dựng thành phố Vạn Tường (tỉnh Quảng Ngãi), phục vụ cho khu công nghiệp lọc dầu và cụm cảng Dung Quất, tháng 7-1995_Ảnh: TTXVN

Với tinh thần “dám làm, dám chịu”, “trách nhiệm cao nhất trước dân là không được để dân đói”, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tập trung lãnh đạo các ban, ngành của Thành phố tập trung lo “chạy gạo” cho dân. Chính chủ trương và sự sáng tạo, năng động của đồng chí và tập thể đã giúp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua nạn thiếu lương thực; từ đó, tên gọi “Chủ tịch gạo” được nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dành cho đồng chí Võ Văn Kiệt với sự trân trọng, biết ơn sâu sắc.

Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại vốn là thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tổ chức nhiều hội nghị, tập trung nhiều nhà khoa học để bàn bạc, tìm hướng phát triển của Thành phố. Những “Câu lạc bộ giám đốc”(2), văn phòng công tác nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy(3); Nhóm thứ sáu(4) đã lần lượt ra đời và hoạt động tích cực, đưa ra những ý kiến, đóng góp quý báu, góp phần tạo cơ sở cho những chủ trương đúng đắn của Thành phố. Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt còn trực tiếp đến các xí nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất,… để tìm hiểu tình hình, trao đổi với công nhân, người lao động; từ đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của nhân dân và từng bước biến những mong muốn đó thành hiện thực trong cuộc sống.

Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò của thanh niên, lực lượng xung kích trong tham gia khắc phục, giải quyết hậu quả chiến tranh; tham gia phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc; tham gia hoạt động kinh tế, chuyển hoạt động kinh tế từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào Tuổi trẻ tham gia xây dựng Thành phố đã phát triển mạnh mẽ, huy động được đông đảo thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị tham gia.

Sự năng động, sáng tạo, phong cách làm việc gần dân, sát dân, vì dân của đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần hình thành những chủ trương, chính sách đột phá, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, tạo niềm tin, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây cũng là căn cứ thực tiễn quan trọng, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới của Đảng sau này.

Từ thực tiễn thành công của Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-1982, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều động ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đây là giai đoạn đất nước gặp nhiều vấn đề nan giải cần phải xử lý, tình hình trong nước và quốc tế đều có những biến động, khó khăn, phức tạp. Với phương pháp làm việc sâu sát, cụ thể, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết, đồng chí đã đến nhiều địa phương, nhiều nhà máy, công trình lớn của đất nước để tìm hiểu, nghiên cứu; từ đó, xây dựng kế hoạch sát hợp với tình hình phát triển đất nước.

Từ sau khi đất nước thống nhất tới những năm trước đổi mới - giai đoạn đầy khó khăn, thử thách trong xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước - tấm gương nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt luôn năng động, sáng tạo, nỗ lực, tìm tòi hướng đi mới trên cơ sở dựa vào nhân dân để đem lại quyền lợi chính đáng cho nhân dân đã tạo niềm tin, động lực cho nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung vượt qua khó khăn; đồng thời, cũng là cơ sở quan trọng góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc.

Tấm gương nhà lãnh đạo luôn tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy thành công công cuộc đổi mới đất nước

Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2-1987, đồng chí được Quốc hội cử là Phó Chủ tịch thường trực, sau đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991) đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến tháng 10-1992, đồng chí được Quốc hội khóa IX cử làm Thủ tướng Chính phủ.

Với các chức trách được giao, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành góp phần thúc đẩy thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng. Trước hết trên lĩnh vực kinh tế, đồng chí có nhiều đóng góp trong việc đổi mới nền kinh tế đất nước. Năm 1989, khi được phân công công tác cải cách và đổi mới hệ thống ngân hàng, với phương pháp làm việc khoa học, tư duy dân chủ, cởi mở nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực, đặc biệt là tinh thần tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thành lập một nhóm chuyên gia, bao gồm cả những người đã từng hoạt động trong hệ thống ngân hàng Việt Nam Cộng hòa. Trong việc giải quyết vấn đề lạm phát, vấn đề đang nhức nhối nhất trong xã hội(5), đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng trao đổi với đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đi tới thống nhất phương án: Phải phát huy nội lực, dựa vào nhân dân, động viên toàn dân, phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ mười lần không dân cũng chịu,/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(6). Từ đó, Chính phủ xây dựng các chính sách khuyến khích lợi ích, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển; đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của nhân dân, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân.

vo van kiet 3
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500KV Hà Tĩnh - Đắc Lây, tháng 5-1993_Ảnh: TTXVN

Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân. Hầu như mọi quyết định lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đều chứa đựng hàm lượng lớn tri thức khoa học của các chuyên gia, các học giả được đồng chí tập hợp và lắng nghe, đều kết tinh những kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân mà đồng chí tìm hiểu và tích lũy từ cuộc sống. Đồng chí coi trọng, chọn lọc, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài. Đồng chí luôn chân thành, cởi mở khi đến với mọi người, đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ, khuyến khích phát huy tâm huyết và tài năng của thanh niên và được mệnh danh là “người thắp lửa”, “người gieo những mầm xanh” cho tương lai của đất nước.

Sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử chính là sự đóng góp trí tuệ và tài năng của mọi tầng lớp nhân dân, của đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, được Đảng ta, mà trước hết là những nhà lãnh đạo như đồng chí Võ Văn Kiệt động viên, thu phục, định hướng và cổ vũ. Những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn và quan trọng mà đất nước ta đạt được trong thời kỳ đầu đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; đồng thời, cũng gắn liền với hoạt động và cống hiến quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt. Là nhà lãnh đạo luôn sâu sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cổ vũ và sẵn sàng dấn thân cho cái mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã động viên được nhiều lực lượng xã hội tham gia vào công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc của đất nước. Sự tham gia, đóng góp đó thể hiện cả trong lĩnh vực lý luận và thực tiễn để xóa bỏ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước, cho tới quyết định triển khai thực hiện các công trình quan trọng của đất nước, như Thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam,… Tất cả nói lên tâm huyết và những nỗ lực phi thường của đồng chí Võ Văn Kiệt trong tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, để lại “dấu ấn Võ Văn Kiệt”, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Sự bình ổn về kinh tế là tiền đề để đất nước giữ vững ổn định về chính trị, xã hội và mở rộng đối ngoại. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện đường lối ngoại giao rộng mở, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, thiết lập sự liên kết kinh tế khu vực và thế giới (với ASEAN, Nhật Bản và Liên minh châu Âu...), khơi dậy và phát huy tất cả các nguồn lực để đạt được lợi ích cao nhất cho dân tộc mình, giữ vững độc lập, tự chủ, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, phá vỡ thế bao vây cấm vận, từng bước vững chắc tiến vào kỷ nguyên hội nhập, phát triển.

Tháng 8-1997, rời cương vị Thủ tướng Chính phủ, nhưng với tấm lòng luôn vì nước, vì dân, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Trong 11 năm (giai đoạn 1997 - 2008), đồng chí có nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị tâm huyết, thẳng thắn với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, đồng chí được đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi xa, nhưng những đóng góp và dấu ấn mà đồng chí để lại đối với đất nước vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới!

Tấm gương nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân; phong cách làm việc dân chủ, tinh thần trọng dân, phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân của đồng chí Võ Văn Kiệt là bài học lớn để các thế hệ cán bộ, đảng viên hiện nay học tập và noi theo, đặc biệt khi cả nước đang nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI(7)./.

TRẦN THỊ HUYỀN

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thep Tạp chí Cộng sản

Thanh Huyền (st)

------------------

(1) Tháng 7-1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.

(2) Quy tụ các giám đốc, bí thư chi bộ, phụ trách công đoàn các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh.

(3) Tập hợp nhiều chuyên gia kinh tế được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một số chuyên gia đã từng làm việc trong Chính quyền Sài Gòn cũ.

(4) Nhóm gồm: Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn và nhiều chuyên gia kinh tế có tâm huyết.

(5) Thời gian này, lạm phát của Việt Nam đang ở mức phi mã lên tới 3 con số (774%).

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 280

(7) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 112

Bài viết khác: