Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, đế quốc Mỹ đã phá vỡ đàm phán và bí mật lập kế hoạch chuẩn bị chiến dịch mang mật danh Linebacker II" vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã dự đoán trước được âm mưu và thủ đoạn đó của địch, nên đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chủ động mở chiến dịch phòng không (CDPK) đánh bại cuộc tập kích đường không (TKĐK) chiến lược bằng B-52 của địch, làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".

tam nhin chien luoc 1
Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn 257 - đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cách đây 50 năm. (Ảnh VIỆT TRUNG).

Sau 8 năm đưa quân trực tiếp vào tham chiến trên chiến trường miền Nam, Mỹ liên tiếp bị thất bại về quân sự. Tại nước Mỹ, làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh, đòi chính quyền Ních-xơn phải rút quân Mỹ ra khỏi chiến tranh Việt Nam ngày càng dâng cao. Về ngoại giao, Mỹ bị cộng đồng quốc tế lên án trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước những bất lợi về quân sự, chính trị, ngoại giao, Mỹ muốn rút quân trong danh dự và tiếp tục cuộc chiến tranh mà không có quân Mỹ ở Việt Nam.

Để thực hiện ý đồ đó, cuối năm 1972 Ních-xơn mở cuộc TKĐK chiến lược chủ yếu bằng B-52, hòng đưa miền Bắc Việt Nam quay trở về "thời kỳ đồ đá", không còn tiềm lực chi viện cho miền Nam. Tuy nhiên, những toan tính của chính quyền Ních-xơn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta dự đoán từ rất sớm.

Theo dõi sát tình hình chiến trường miền Nam và những động thái của không quân Mỹ, ngay từ đầu năm 1964, khi đến thăm Bộ đội Phòng không, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta". Đầu tháng 8/1964, sau khi dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", chính quyền Giôn-xơn sử dụng không quân đánh phá miền Bắc. Trước hết, chúng tập trung đánh phá Đồng Hới (Quảng Bình), Vĩnh Linh (Quảng Trị)... sau đó leo thang đánh sâu vào bắc Vĩ tuyến 20 với quy mô ngày càng lớn. Dự kiến được sự tàn phá của không quân Mỹ sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vừa theo dõi nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, vừa động viên lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng đánh máy bay Mỹ. Năm 1965 khi thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo, Bộ đội PK-KQ, Người ân cần động viên: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".

Quán triệt sâu sắc những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 5/1966, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ tổ chức lực lượng vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. Tháng 8 năm 1966, Quân chủng PK-KQ đã bí mật đưa Trung đoàn Tên lửa 238 cùng với Bộ đội ra-đa, trinh sát điện tử, không quân có nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu tính năng kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của máy bay B-52 để tìm ra cách đánh phù hợp (vì tới thời điểm này "siêu pháo đài bay" B-52 có uy lực vô cùng lớn nhưng chưa từng bị bắn hạ).

Lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "đế quốc Mỹ chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội" là định hướng quan trọng để các cơ quan tham mưu chiến lược chủ động đề ra những chủ trương, biện pháp tác chiến. Về sử dụng lực lượng, ta huy động tất cả lực lượng phòng không trên toàn miền Bắc tham gia chiến dịch, nòng cốt là lực lượng của Quân chủng PK-KQ. Ba lực lượng chính đánh B-52 là MiG-21, tên lửa và pháo phòng không 100mm. Việc sơ tán nhân dân, các nhà máy sản xuất rời khỏi thành phố cũng được chuẩn bị chặt chẽ; hệ thống hầm hào, đường cơ động cho người và trang bị được bộ đội và nhân dân tích cực xây dựng sẵn sàng bước vào cuộc chiến.

Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 18 đến 29/12/1972, Mỹ đã tiến hành chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II", với tổng số lần xuất kích là 4.583 lần chiếc; trong đó, máy bay B-52 là 663 lần chiếc, ném hàng vạn tấn bom đạn xuống miền Bắc Việt Nam. Riêng Thủ đô Hà Nội, không quân Mỹ đã ném xuống hơn 1 vạn tấn bom đạn. Với sức đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ, trong đó chủ yếu là B-52, nếu không có sự chuẩn bị tích cực, chủ động từ sớm thì quân dân miền Bắc khó có thể trụ vững trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Trong 12 ngày đêm chiến đấu với không quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn hạ 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, bắt sống và tiêu diệt hàng trăm phi công Mỹ. Sự thất bại thảm hại của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam đã buộc nhà cầm quyền Mỹ phải xuống thang, ngừng ném bom ở bắc Vĩ tuyến 20, đề nghị phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại bàn đàm phán Paris, chuẩn bị ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

50 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc, nhất là những vấn đề về lý luận-thực tiễn bảo vệ Tổ quốc. Để vận dụng những bài học kinh nghiệm trong Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

Một là, không ngừng nghiên cứu, dự báo, cung cấp những luận cứ khoa học với Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội" là dựa trên sự nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc của Người về nước Mỹ, về cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và những bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dựa trên những tiên đoán và sự chỉ đạo của Bác Hồ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến với không quân Mỹ để bảo vệ miền Bắc, bảo vệ Hà Nội, cuối cùng đã buộc Mỹ phải chịu thua thảm hại trên bầu trời Hà Nội.

Từ kinh nghiệm đó cho thấy, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng là vấn đề sống còn đối với một Đảng cách mạng. Vì vậy, ngay trong thời bình, các cơ quan nghiên cứu của Đảng, Nhà nước, Quân đội cần tích cực, chủ động nghiên cứu, dự báo những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh ở cả trong nước và quốc tế, trên cả lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống; nhận diện rõ đối tác, đối tượng, nhằm thêm bạn, bớt thù; nghiên cứu những phương thức, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch đe dọa đến sự an nguy của quốc gia dân tộc; những tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đến phương thức bảo vệ Tổ quốc, từ đó "nâng cao năng lực xử lý thông tin, dự báo, tham mưu chiến lược, chủ động nắm chắc tình hình", cung cấp những luận cứ khoa học với Đảng, Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện, phát triển "Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội.

Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, để thực hiện tốt chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, khu vực phòng thủ vững chắc…, đòi hỏi Quân đội phải quán triệt và thực hiện thật tốt chủ trương kiện toàn tổ chức biên chế của lực lượng vũ trang. Đối với lực lượng thường trực, xây dựng theo hướng "tinh, gọn, mạnh", phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", ưu tiên cho những đơn vị chiến đấu, những đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng; xây dựng một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như: Hải quân, PK-KQ, thông tin, tác chiến điện tử... Một số cơ quan, đơn vị cấp chiến thuật, chiến dịch phải quán triệt thật kỹ chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc sáp nhập từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo. Đối với lực lượng dự bị động viên, được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu khi có tình huống khẩn cấp hoặc khi có chiến tranh. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp...

Ba là, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ để nghiên cứu, chế tạo, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp điều kiện mới của công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Tác chiến với không quân Mỹ được trang bị những vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ, Quân chủng PK-KQ đã nỗ lực, gấp rút nghiên cứu cách đánh B-52. Bước vào chiến đấu, trước những tình huống khó và phức tạp, ta đã có nhiều sáng tạo để phát hiện máy bay B-52, cách đón đánh B-52, kết hợp vũ khí thông thường với vũ khí hiện đại để tiêu diệt máy bay Mỹ.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, trong đó có khoa học công nghệ quân sự, đòi hỏi Quân đội vừa phải kế thừa những yếu tố truyền thống, vừa phải tiếp cận với nền khoa học công nghệ hiện đại để nghiên cứu, chế tạo, sử dụng các loại vũ khí, trang bị khí tài hiện có, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội. Các đơn vị trong toàn quân phải huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện có, kết hợp mô phỏng bằng nhiều hình thức để phát huy tính sáng tạo của bộ đội. Việc mua sắm vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại là cần thiết để nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng vũ trang; song, việc tự nghiên cứu, chế tạo cũng là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng cần đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị đáp ứng với yêu cầu tác chiến và huấn luyện của bộ đội.

Bốn là, không ngừng tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng nhằm chuẩn bị đất nước từ thời bình, sẵn sàng đối phó với chiến tranh và những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" và cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước hết là thắng lợi của ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc. Với đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện của Đảng, quân và dân ta đã dốc toàn bộ sức mạnh vật chất, tinh thần và cả xương máu để quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Kế thừa, phát huy truyền thống đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; tập trung vào việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành; xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng, an ninh, ngăn chặn và đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài cũng như xử lý tốt những vấn đề về an ninh phi truyền thống./.

Thiếu tướng PHẠM TRƯỜNG SƠN

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: