Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng khá cao, người dân được bảo đảm hưởng lợi từ quá trình phát triển, quản lý phát triển xã hội luôn gắn liền với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển và quản lý phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa nhằm tạo nên sự phát triển bền vững. Phát triển xã hội thể hiện ở sự tiến bộ của xã hội, là quá trình con người (cá nhân, cộng đồng, tổ chức, nhà nước) có những hoạt động khác nhau để nâng cao và cải thiện không ngừng chất lượng cuộc sống và môi trường sống cho con người.

Về mặt lý luận, “quản lý phát triển xã hội là hoạt động quản lý của nhà nước với sự phối hợp của các tổ chức ngoài nhà nước nhằm xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, huy động và phân bổ các nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, bảo đảm an sinh cho con người và cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế và văn hóa phát triển, chính trị ổn định và xã hội đoàn kết - đồng thuận”(1). Nói một cách tổng quát: “Quản lý phát triển xã hội là sự tác động có chủ đích của hệ thống quản lý hay chủ thể quản lý (trực tiếp là Nhà nước hoặc các tổ chức ngoài nhà nước) lên hệ thống bị quản lý hay khách thể quản lý (đời sống xã hội), bằng các nguồn lực trong xã hội và các công cụ, phương thức tác động đa dạng, nhằm hướng sự vận hành và phát triển của đời sống xã hội theo các mục tiêu đặt ra”(2). Theo đó, quản lý phát triển xã hội phải bảo đảm công bằng, tiến bộ và bình đẳng xã hội. Về nội dung, quản lý phát triển xã hội phải thật sự bảo đảm phát triển chất lượng cuộc sống của nhân dân; coi nhân dân là chủ thể phát triển xã hội. Về mục tiêu, quản lý phát triển xã hội phải hướng đến mục tiêu điều tiết các quan hệ xã hội; hoàn thiện các thiết chế xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; bảo đảm cho con người được phát triển toàn diện; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu rõ mục tiêu giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người vì sự phát triển, hướng tới cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước ta quán triệt trong các chiến lược, chính sách phát triển xã hội từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay. Đảng ta luôn nhất quán quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Trước thời kỳ đổi mới (năm 1986), trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn nhấn mạnh quan điểm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế trên nhiều khía cạnh về phát triển xã hội, là một trong 20 nước có thu nhập bình quân thấp nhưng chỉ số HDI đạt mức trung bình theo cách xếp loại của Liên hợp quốc(3).

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) hoạch định đường lối đổi mới đất nước, trong đó bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xác lập mô hình phát triển mới cho đất nước, bổ sung, phát triển lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong điều kiện mới, lấy việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động. Đại hội VI của Đảng xác định: “Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4).

Từ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta nhấn mạnh quan điểm “phát triển toàn diện”, coi “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”(5).

Từ năm 2016 đến nay, Đảng ta khẳng định quản lý phát triển xã hội phải hướng tới phát triển xã hội bền vững. Yêu cầu đặt ra trong các chính sách phát triển là phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước(6). Đại hội XII của Đảng xác định: 1- Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; 2- Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; 3- Có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội(7). Đại hội XIII của Đảng thể hiện quan điểm “quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội”, “tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội”(8). Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII đều khẳng định các thành quả của phát triển xã hội phải được bảo đảm vững chắc bằng các thành quả về phát triển kinh tế và ngược lại.

Việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong đời sống xã hội của người dân thể hiện ở các cơ hội tiếp cận, an sinh xã hội, các điều kiện bảo đảm việc làm, thu nhập, mức sống, học tập, phòng ngừa bệnh tật, hưởng thụ văn hóa, phát triển con người, môi trường sinh thái,… ngày càng được cải thiện, luôn là những chỉ báo có ý nghĩa của phát triển xã hội và hiệu quả quản lý phát triển xã hội của mỗi quốc gia.

doi moi
Thành tựu trong hơn 35 năm thực hiện đổi mới đã đem lại niềm tin và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân_Ảnh: nhiepanhdoisong.vn

Sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người:

Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Chính sách người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến các làng, bản, thôn, xóm. Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh hằng năm. Đã giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Giai đoạn 2013 - 2019, đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở (đạt tỷ lệ 96,7% so với kế hoạch). Công tác chăm lo đời sống gia đình người có công, công tác thương binh, liệt sĩ đã thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2020, đã bảo đảm 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo

Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, theo hướng đồng bộ, hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực, hiệu quả; hằng năm, giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 và 2021 giải quyết việc làm giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu người/năm; năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,25%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,6%, năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên 3,22%, ở khu vực thành thị là 4,42%. Hiện nay, khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm.

Giai đoạn 2010 - 2021, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập của hộ gia đình Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,2 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2010 (trong đó, khu vực thành thị cao gấp 2,5 lần và khu vực nông thôn cao gấp 3,2 lần). Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm nghèo nhất với nhóm giàu nhất đã được thu hẹp. Cơ cấu thu nhập tiến bộ hơn, tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, từ 44,8% năm 2010 lên 57% năm 2021.

Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; nhiều địa phương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, 3,5 lần năm 2010.

Về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, đến năm 2020 đã có 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hằng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021. Từ năm 2019, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống đại lý đến cấp xã, tạo bước đột phá về số lượng người tham gia qua các năm. Đến năm 2021, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,5 triệu người, bằng 6 lần số lượng năm 2018.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ hiệu quả khi người lao động mất việc làm, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; tạo sự gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp. Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng: từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hằng năm, đạt 26,8% năm 2020, 30% năm 2021.

Về chính sách trợ giúp xã hội

Chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đối tượng, đã mang lại hiệu quả tích cực. Quy trình và công tác xác định đối tượng được hoàn thiện, tổ chức triển khai minh bạch, có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số) năm 2020; đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021, trong đó, trên 55% là người cao tuổi; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hằng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách.

Về bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản

Bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân, góp phần từng bước nâng cao phúc lợi, bảo đảm cuộc sống an toàn và hạnh phúc của nhân dân. Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được bảo đảm tốt hơn. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 đạt 0,706, có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019). Môi trường sinh thái được cải thiện.

Có thể nói, thành tựu trong hơn 35 năm thực hiện đổi mới đã đem lại niềm tin và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, tình trạng thiếu việc làm, di dân tự phát, trong khi dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng của người dân, có mặt còn bất cập; đời sống văn hóa có những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp, các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm còn một số hạn chế; môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng... Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do năng lực và trình độ quản lý phát triển xã hội còn hạn chế. Vì vậy, để quản lý phát triển xã hội hiệu quả gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, quản lý phát triển xã hội theo hướng nhân văn, lấy con người làm trung tâm, xem phát triển con người - cả cá nhân và cộng đồng - vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước. Theo đó, quản lý phát triển xã hội phải hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

doi moi 2
Các y, bác sĩ chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện trong điều kiện phòng, chống dịch
COVID-19_Nguồn: vapa.org.vn

Hai là, quản lý phát triển xã hội phải theo hướng bền vững, xây dựng một cơ cấu xã hội thống nhất trong đa dạng dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các lứa tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, dân cư (vùng, miền), nghề nghiệp… Theo đó, cần chú trọng phát triển kinh tế hiệu quả; xóa đói, giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm các điều kiện làm việc trong môi trường an toàn; chế độ nghỉ ngơi hợp lý để đủ điều kiện tái sản xuất sức lao động….

Ba là, quản lý phát triển xã hội cần bảo đảm vừa xây dựng vừa duy trì hệ thống cấu trúc - chức năng hài hòa của xã hội ở cấp vĩ mô và vi mô. Chấn chỉnh các hiện tượng quá coi trọng tăng trưởng kinh tế mà chưa thực sự quan tâm tới các vấn đề xã hội, có nguy cơ dẫn tới những bất ổn, xung đột xã hội, sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, hủy hoại môi trường; chú trọng phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội, tệ nạn xã hội và những dịch bệnh, rủi ro. Đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, cải cách hệ thống chính sách tiền lương, trong đó tiến tới thực hiện mục tiêu tiền lương cơ sở, tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng được nhu cầu sống của người lao động; gắn điều chỉnh tiền lương tối thiểu với tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Phát triển bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”; phát triển trợ giúp xã hội nhằm ổn định đời sống và hòa nhập xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Năm là, hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp. Thực hiện phân phối lại thông qua phúc lợi xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Mở rộng chính sách phúc lợi xã hội thành hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng.

Sáu là, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật người có công phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, điều chỉnh lương của người về hưu có mức lương thấp, đời sống khó khăn; ban hành chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều để có cơ sở xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung chống tái nghèo và duy trì thành quả giảm nghèo bền vững. Tổ chức tốt việc cung cấp các dịch vụ cơ bản về nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các chính sách an sinh xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường./.

MAI THỊ HƯƠNG GIANG

Tạp chí Cộng sản

Theo Tạp chí Cộng sản

Thanh Huyền (st)

-----------------------------------

(1) Hoàng Chí Bảo: Luận cứ và giải pháp phát triển xã hội ở nước ta thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 36

(2) Phạm Ngọc Thanh: Quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên trong xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội và y tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 24

(3), (6), (7) Xem: Ngô Thắng Lợi: “Quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam (Phần 1)”, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/quan-ly-phat-trien-xa-hoi-o-viet-nam-phan-1.html, ngày 20-8-2020

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 420

(5) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 738

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 147 - 148

Bài viết khác: