Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Những ngày này 50 năm trước, cùng với các tỉnh, thành phố phía bắc, Hà Nội phải hứng chịu những cuộc tấn công điên cuồng bằng không quân của đế quốc Mỹ, với âm mưu "đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá". Bằng trí tuệ, bản lĩnh cùng tinh thần chiến đấu quả cảm phi thường, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã góp phần đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ.

xung danh thu do hoa binh
50 năm qua, thành phố Hà Nội nỗ lực không ngừng để xây dựng, phát triển mạnh mẽ, xứng danh là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Phát huy tinh thần "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", 50 năm qua, thành phố nỗ lực không ngừng để xây dựng, phát triển mạnh mẽ, xứng danh là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Nắm bắt rõ âm mưu của kẻ thù và thấm nhuần sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; chủ động, khẩn trương, tích cực phối hợp chuẩn bị chống địch tập kích đường không. Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành vừa sơ tán nhân dân, vừa phân tán tài sản, kho tàng, cơ sở vật chất, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân. Chỉ trong thời gian ngắn (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12/1972), thành phố đã đưa gần 500 nghìn người dân và 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành, duy trì tốt chế độ trực ban, trực chiến, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm để bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội.

Là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền nam, vừa là nơi tập trung đầu mối giao thông quan trọng tiếp nhận hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các địa phương của miền bắc vào nam, tỏa đi các chiến trường, vì vậy dù trong bom đạn, thành phố Hà Nội vẫn duy trì các hoạt động, chiến đấu, chi viện cho chiến trường. Ngành giao thông vận tải Thủ đô đã phối hợp, tổ chức phân tán hàng hóa ở các kho lớn: Đông Anh, Yên Viên, Giáp Bát về các kho nhỏ. Do làm tốt công tác chuẩn bị cho nên khi cầu Long Biên, cầu Đuống bị bom Mỹ đánh sập, các bến phà Chương Dương, Khuyến Lương, Đông Trù luôn bảo đảm cho xe vận tải qua sông trong những giờ an toàn. Cảng Hà Nội bị đánh phá dữ dội nhiều lần nhưng công nhân vẫn duy trì bốc xếp hàng hóa, chuyên chở gần 2.000 tấn/ngày; ga Hà Nội bị địch thả bom đổ sập nhưng hàng hóa vẫn xuôi về phương nam đều đặn... đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền bắc phải hứng chịu hơn 80 nghìn tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lượt máy bay B-52, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10 nghìn tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc ở Hà Nội; trong đó phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người. Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, Ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.

Trước sự tấn công tàn bạo của kẻ thù, cùng quân và dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã biến đau thương thành hành động cách mạng. Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng không và nhân dân các tỉnh lân cận xây dựng "lưới lửa" phòng không nhân dân của ba thứ quân, với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ "siêu pháo đài bay" B-52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó. Trong 12 ngày đêm, "vòng cung lửa" Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52; bắt sống và tiêu diệt hàng trăm phi công Mỹ. Trong đó, quân và dân Thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 23 chiếc B-52, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không". Thất bại trên bầu trời Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 27/1/1973 ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng Thủ đô phát triển mạnh mẽ. Thành ủy Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo; tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để tạo bước đột phá. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân. Từ những kết quả quan trọng đạt được, ngày 16/7/1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh, trao giải thưởng "Thành phố vì hòa bình".

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để xứng đáng danh hiệu là thành phố vì hòa bình, trong suốt những năm qua, Hà Nội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, về kinh tế, tính riêng trong giai đoạn 2011-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân 12,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng từ 120,3 triệu đồng/người vào năm 2019 lên 142,3 triệu đồng/người năm 2022. Về văn hóa, thành phố chú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch-văn minh là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới của Thủ đô, trọng tâm là xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Thành phố tăng cường phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô, coi trọng vai trò của đối ngoại kinh tế,...

Năm 2022, dù gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng bằng những giải pháp quyết liệt, chủ động, Hà Nội đã đạt và vượt tất cả 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022. Thành phố cũng hoàn thành những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng cơ sở định hướng chiến lược, lâu dài cho Thủ đô phát triển như: Báo cáo, đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; quyết định đầu tư mạnh vào ba lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...

Những kết quả này càng ý nghĩa hơn khi thành phố Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô thêm vững bước trên chặng đường mới./.

 

QUỐC TOẢN

Theo Báo Nhân Dân

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: