Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Cách đây 50 năm, khi tiếng còi báo động phòng không vang lên khắp Thủ đô Hà Nội, những trận mưa bom của địch trút xuống, mọi người vội vàng tìm nơi trú ẩn an toàn. Nhưng những thanh niên Nhà máy điện Yên Phụ lại cảm tử ở lại, bám máy, bám lò, giữ cho dòng điện không phút giây nào bị ngắt.

kien cuong bam thu do
Cán bộ-công nhân viên khôi phục Nhà máy Điện Yên Phụ sau những trận ném bom
của máy bay Mỹ. (Ảnh: Văn hóa EVN).

“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, đó là mệnh lệnh tối cao của ngành điện trong suốt những năm tháng chiến tranh. Lúc bấy giờ, Nhà máy điện Yên Phụ đóng tại quận Ba Đình (Hà Nội) được coi là trái tim của điện lực Thủ đô. Bởi, nếu nhà máy điện dừng hoạt động sẽ khiến hoạt động các cơ quan của Trung ương và thành phố Hà Nội bị gián đoạn, trong đó có trụ sở chỉ huy của quân đội ta.

Vì vậy mà Nhà máy điện Yên Phụ chính là một trong những mục tiêu hủy diệt của kẻ thù, hòng cắt đứt dòng điện của Thủ đô. Riêng năm 1967, Nhà máy điện Yên Phụ đã phải hứng chịu năm trận bom đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, gây thiệt hại nặng nề. Để bảo đảm dòng điện cho Thủ đô sản xuất và chiến đấu, các cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ đã vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm giữ cho dòng điện Thủ đô không bao giờ tắt.

Đặc biệt, ngày 19/12/1966, 60 đội viên, thanh niên ưu tú từ các phân xưởng của Nhà máy điện Yên Phụ đã được lựa chọn để thành lập Đội cảm tử bảo vệ dòng điện, với nhiệm vụ luôn bám máy, bám lò, giữ vững dòng điện ngay cả trong mưa bom, bão đạn. Mặc dù biết vào Đội cảm tử là bước vào hiểm nguy, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng với tinh thần bảo vệ Thủ đô, bảo vệ nhà máy, ai nấy đều hăng hái, tự hào. Với lòng quyết tâm của mình, các thành viên Đội cảm tử đã dùng máu để ký vào lá cờ cảm tử với khẩu hiệu: “Giữ dòng điện Thủ đô như dòng máu trong tim mình”. Mỗi người đều được trang bị mũ sắt, lương khô, chai nước để đề phòng những tình huống bom nổ, sập hầm vẫn có thể duy trì sự sống.

“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, đó là mệnh lệnh tối cao của ngành điện trong suốt những năm tháng chiến tranh. Lúc bấy giờ, Nhà máy điện Yên Phụ đóng tại quận Ba Đình (Hà Nội) được coi là trái tim của điện lực Thủ đô.

Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào ấy, bác Lê Văn Khanh, thành viên Đội cảm tử không khỏi bồi hồi: “Năm đó, tôi 26 tuổi, đầy nhiệt huyết. Được vào Đội cảm tử là một vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao đặt lên vai chúng tôi. Khi có còi báo động thì mọi người chạy vào nơi trú ẩn để bảo toàn lực lượng, còn chúng tôi thì ở lại bám lò, bám máy để vận hành, duy trì dòng điện”.

Cuối năm 1972, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bước sang giai đoạn khốc liệt khi kẻ thù quyết định tiến hành ném bom phá hoại miền bắc lần thứ hai, mà trọng điểm hủy diệt là thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Nhiệm vụ bảo vệ dòng điện phục vụ cho Thủ đô kháng chiến một lần nữa đứng trước muôn vàn thách thức, khó khăn. 5 giờ 15 phút ngày 21/12/1972, địch dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt khu tập thể Nhà máy điện Yên Phụ, làm sập 136 gian nhà và năm người chết. Lúc này, báo động phòng không của Thủ đô reo lên. Toàn bộ công nhân được lệnh rút khỏi Nhà máy điện Yên Phụ để bảo toàn lực lượng. Riêng Đội cảm tử bảo vệ dòng điện và một số cán bộ, công nhân viên chủ chốt tiếp tục ở lại để thực hiện nhiệm vụ.

Dưới sự tàn phá ác liệt của bom đạn địch, toàn bộ hệ thống điện của Nhà máy điện Yên Phụ bị mất, buồng máy gian lò tối om, bốn trong số 10 lò bị hư hỏng nặng, hệ thống cung cấp than, giàn ống lấy hơi của nhà máy cũng bị phá hủy. Hai thành viên trong Đội cảm tử đã anh dũng hy sinh.

Lúc bấy giờ, việc khắc phục hậu quả, cứu người, cứu máy khôi phục dòng điện rất khẩn trương. Các thành viên Đội cảm tử bảo vệ dòng điện cùng các thành viên nhà máy đã không quản ngày đêm, lấy giẻ tẩm dầu đốt lên để lấy ánh sáng làm việc trong nguy hiểm rình rập, tiếng còi báo động phòng không của Thủ đô liên tục reo lên. Các cán bộ, công nhân viên của nhà máy đã quay trở lại, không quản ngày đêm tham gia khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

Bác Nguyễn Ngọc Côn, thành viên Đội cảm tử kể lại: “Mặc dù biết nếu trúng bom của địch thì sẽ hy sinh, nhưng các thành viên trong Đội cảm tử chúng tôi chưa bao giờ run sợ mà rời chốt. Sau mỗi trận bom, nhà máy tối om, khói mù mịt, anh em chúng tôi bị sặc hơi bụi, hơi than, nhưng ai nấy vẫn kiên cường bám trụ để vận hành dòng điện thông suốt”.

Chỉ sau bốn ngày, đúng tối 25/12/1972, Thủ đô Hà Nội đã sáng đèn trở lại. Một số lò hơi chủ lực đã được khôi phục, đưa vào vận hành và nâng dần công suất. Ngày 30/12/1972, quân và dân Thủ đô đã chiến thắng đế quốc Mỹ trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài suốt 12 ngày đêm. Trong chiến công vang dội - Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” ngày ấy, có phần đóng góp không nhỏ của các thành viên Đội cảm tử Nhà máy điện Yên Phụ.

Chỉ sau bốn ngày, đúng tối 25/12/1972, Thủ đô Hà Nội đã sáng đèn trở lại. Một số lò hơi chủ lực đã được khôi phục, đưa vào vận hành và nâng dần công suất. Ngày 30/12/1972, quân và dân Thủ đô đã chiến thắng đế quốc Mỹ trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài suốt 12 ngày đêm.

50 năm qua đi, những thanh niên ngày đó nay tóc đã bạc, nhưng không ai quên được những ngày tháng gian khổ mà hào hùng đó. Họ vẫn thường gặp nhau để cùng ôn lại kỷ niệm những ngày tháng thanh xuân, khi cùng nhau xả thân bảo vệ cho dòng điện của Thủ đô luôn sáng.

NGUYÊN TRANG

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: