Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về “dân là gốc”, “dân là chủ” - vị trí nền tảng và vai trò làm chủ - đã được nâng tầm với nhiều nội dung mới, thể hiện một tinh thần, tư tưởng mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhân dân, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, đóng vai trò chủ thể, là bước phát triển mới cả về tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn; được thể hiện đậm nét trong mọi chiến lược phát triển đất nước và yêu cầu về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

vai tro cua nhan dan 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị biểu dương chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc _. Ảnh: TTXVN

“Dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đảng ta, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, luôn quán triệt quan điểm quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; dân là gốc của nước, là cơ sở của mọi thắng lợi, là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất, tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”(1); “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(2); “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(3). Đảng có sứ mệnh cao cả lãnh đạo nhân dân, song toàn bộ sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh của nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ, tối đa khi được một Đảng thật sự cách mạng lãnh đạo; chỉ khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới có thể trở thành sức mạnh vô địch.

Đề cập mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, Đại hội III của Đảng (năm 1960) khẳng định: “Sức mạnh của nhân dân là ở chỗ có Đảng tiên phong lãnh đạo; sức mạnh vô địch của Đảng là ở chỗ liên hệ mật thiết với quần chúng đông đảo. Đảng ta có truyền thống tốt đẹp liên hệ với quần chúng. Mọi chủ trương chính sách của Đảng ta đều xuất phát từ yêu cầu nguyện vọng của quần chúng, khéo kết hợp lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài của quần chúng. Trong mọi công tác, Đảng ta đều quán triệt tinh thần tin tưởng và dựa chắc vào lực lượng quần chúng, đều nhằm phát động quần chúng lên, nâng cao tính tích cực và tính sáng tạo của họ trong cuộc đấu tranh giành giải phóng và xây dựng cuộc sống mới. Nhờ vậy, Đảng ta được quần chúng hết lòng tín nhiệm và ủng hộ”(4).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước được độc lập, thống nhất, chế độ mới được thiết lập. Đó là một chế độ mà “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"(5). Nhờ tập hợp, tổ chức được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; được nhân dân hết lòng tin tưởng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng và thực hiện lý tưởng cách mạng do Đảng và Bác Hồ kính yêu khởi xướng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giành lại và bảo vệ, củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến tạo nền dân chủ nhân dân.

Tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong muôn vàn khó khăn bởi sự bao vây cấm vận và chống phá của các thế lực thù địch, khi khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nghiêm trọng, nhưng với sự ủng hộ, đồng thuận, đồng tâm nhất chí của nhân dân, Đảng ta đã bứt phá vượt lên, khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hướng thẳng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Công cuộc đổi mới đã giải phóng sức dân khỏi những rào cản của cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp; khơi nguồn sáng tạo, chủ động và phát huy các nguồn lực của nhân dân trong cơ chế thị trường; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhìn lại 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đánh giá: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”(6).

Năm 1986, khởi đầu công cuộc đổi mới, Đại hội VI của Đảng đã tổng kết sâu sắc thực tiễn và đưa ra 4 bài học quan trọng có ý nghĩa chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, trong đó bài học hàng đầu là “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(7). Đến năm 2016, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016) đã đúc kết: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(8).

Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, mối quan hệ chính trị - pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được xây dựng, ngày càng hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong mối quan hệ với nhân dân tại Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Hiến pháp cũng quy định rõ tại Điều 2, Điều 3: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện; chưa khi nào có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Trong những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(9).

vai tro cua nhan dan 2
Mùa vàng ấm no _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

So với các văn kiện đại hội Đảng trước đây, quan điểm “dân là gốc” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ được nhấn mạnh hơn, thể hiện qua dung lượng lớn hơn, đưa thêm nhiều nội dung mới, mà còn thể hiện một tinh thần, tư tưởng mới.

Lần đầu tiên trong văn kiện Đảng, Đảng ta xác định vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân trong công cuộc đổi mới. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong phần III - về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và các năm tiếp theo - nêu rõ: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”(10). “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”(11). Có thể thấy rõ, tại Đại hội XIII của Đảng, quan điểm này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt và bao trùm trong tất cả các văn kiện, trên tất cả các nội dung, lĩnh vực: Từ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đến việc tổ chức thực hiện; trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Sau Đại hội, trong bài phát biểu tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”(12).

Trong các văn kiện Đại hội Đảng trước đây, quan điểm “dân là gốc” được nhấn mạnh tập trung ở sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng. Đại hội XIII của Đảng đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước; sự lãnh đạo của Đảng phải hướng vào vị trí trung tâm là nhân dân, phải khơi thông những nguồn lực và sự sáng tạo của nhân dân, tạo sự chuyển động tích cực của nhân dân: “Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(13).

Đảng ta, từ rất sớm, luôn nhất quán chủ trương phát huy vai trò, tinh thần làm chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Trong tiến trình đổi mới, Đảng ngày càng quan tâm đến việc thể chế hóa thành những quy định về quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XII của Đảng đưa ra yêu cầu: Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(14). Đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh thêm về trách nhiệm làm chủ của nhân dân, đồng thời nêu rõ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh phương hướng: “Lãnh đạo thể chế hóa Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nghiên cứu, ban hành cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ. Tích cực đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận”(15).

Điểm mới, rất quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính là tiếp tục nhất quán quan điểm “dân làm gốc”, giữ vai trò nền tảng, đồng thời nhân dân ở “vị trí trung tâm”, lan tỏa và hội tụ, tác động nhiều chiều đến mọi lĩnh vực, lực lượng, tổ chức khác; tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn, cụ thể hóa quan điểm “dân là chủ”, đồng thời xác định “vai trò chủ thể” của nhân dân, mà thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là một điều kiện quan trọng để nhân dân giữ vững và phát huy vai trò chủ thể trong sự nghiệp cách mạng. Tinh thần đổi mới ấy, suy cho cùng là việc khẳng định bản chất “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trong thời kỳ mới. Ở đây, vị trí trung tâm và vai trò chủ thể có mối quan hệ biện chứng, là bước phát triển mới cả về tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn so với vị trí nền tảng và vai trò làm chủ đã được nêu trong suốt tiến trình cách mạng đã qua.

Nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của mọi chiến lược phát triển đất nước, của công cuộc đổi mới. Đảng lãnh đạo nhân dân, nhân dân là đối tượng lãnh đạo của Đảng, nhưng nhân dân không đứng ngoài các hoạt động xây dựng Đảng và các hoạt động lãnh đạo của Đảng, mà phải tham gia tích cực vào các hoạt động này. Công cuộc đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, toàn diện và đồng bộ, càng đòi hỏi sự đổi mới tự thân của nhân dân; quần chúng nhân dân cũng phải tự đổi mới, nâng cao trình độ, đổi mới nhận thức và hành động. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trực tiếp là những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; kết quả và tác động của quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thực tiễn các phong trào cách mạng trên các lĩnh vực thời gian qua, là cơ sở quan trọng để nâng cao trình độ mọi mặt của các tầng lớp nhân dân, để nhân dân nâng cao năng lực làm chủ. Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn để Đảng xác định vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân trong mọi chiến lược phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

vai tro cua nhan dan 3
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn cách phòng, chống dịch COVID-19 và tuyên truyền pháp luật về biển, đảo cho ngư dân _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân

Sức mạnh của nhân dân được tập hợp và phát huy dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng đã làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đổi mới, suy cho cùng, là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Mục tiêu cao cả và cụ thể của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ là chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao, toàn diện của nhân dân và mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu sức dân được bồi đắp ngày càng mạnh mẽ. Cũng bởi thế, để nhân dân khẳng định, phát huy tốt vị trí trung tâm và vai trò nền tảng của mình thì biện pháp căn cốt nhất, bền vững nhất là dưỡng sức dân.

Trong bối cảnh mới, cần tiến hành đồng thời bồi đắp sức dân cả về vật chất và tinh thần, mà hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp tục tăng cường, đổi mới thực hiện “quốc sách hàng đầu” về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là những nội dung trụ cột. Phát huy những giá trị truyền thống, cách mạng; mặt tích cực của hội nhập quốc tế; nền tảng, phương thức và phương tiện mới, tích cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao đời sống, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Khơi dậy, phát huy sức mạnh của khát vọng phát triển đất nước giàu, đẹp, hùng cường, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(16). Có cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế và quản lý phát triển xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Có chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội, đồng bào theo các tôn giáo, các giới và lứa tuổi, người Việt Nam ở nước ngoài... một cách phù hợp, mang tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước mắt, cần đặc biệt quan tâm bảo vệ tính mạng của người dân, giảm thiểu những tác hại của đại dịch COVID-19 trong mọi mặt đời sống của nhân dân, gắn với phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh và những khó khăn, tổn thất do dịch bệnh gây ra; khơi thông các nguồn lực và phát huy mạnh mẽ sức dân trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục xác định đúng và phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân “theo đúng đường lối nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân và giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, như: Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Để lãnh đạo nhân dân thể hiện và phát huy sức mạnh ở vị trí trung tâm, vai trò chủ thể trong mọi chiến lược phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi Đảng phải tiếp tục tự xây dựng, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền ngang tầm lịch sử và khát vọng của nhân dân. Sức dân càng được nâng lên, vai trò, vị trí của nhân dân càng được đề cao và phát huy thì vai trò, vị trí của Đảng càng được củng cố, sức mạnh của Đảng càng được tăng cường. Thực hiện nghiêm túc, ngày càng thực chất và hiệu quả vấn đề có tính quy luật, tất yếu của công tác xây dựng Đảng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tổ chức hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên(17).

Để lãnh đạo nhân dân thể hiện, phát huy sức mạnh ở vị trí trung tâm, vai trò chủ thể trong mọi chiến lược phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo nhân dân, tổ chức và lãnh đạo các phong trào cách mạng; đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận và đổi mới công tác dân vận. Thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ, vai trò chủ thể của nhân dân, kiên trì cụ thể hóa nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, địa phương,... Lắng nghe, thấu hiểu, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân./.

PGS, TS. NGUYỄN NGỌC HÀ

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Theo Tạp chí Cộng sản

Thanh Huyền (st)

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t. 21, tr. 695

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232

(6) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549

(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 362

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 69.

(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27 - 28

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 38

(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 51

(12) Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 973, tháng 9-2021, tr. 6

(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 96 - 97

(14) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 170

(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 249

(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 112

(17) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 328 – 334.

Bài viết khác: