Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Những người trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng ấy nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi khi ôn lại ký ức hào hùng năm nào, trong họ vẫn trào dâng niềm tự hào. Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện đặc biệt này, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) trân trọng giới thiệu đến bạn đọc vệt bài "Chuyện những người diệt "pháo đài bay" B-52".

Bài 1: Mệnh lệnh từ Tổng hành dinh

Tháng 12-1972, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh, Trợ lý tên lửa Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) QĐND Việt Nam (sau này là Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục Tác chiến), đảm nhiệm trực ban tác chiến phòng không trong sở chỉ huy. Hằng ngày, nhiệm vụ của ông là nắm những thông tin chiến lược từ tình báo, radar về hành động của đối phương để báo cáo cấp trên, đề xuất những vấn đề về tác chiến phòng không. Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng khi nói về cuộc chiến oanh liệt 12 ngày đêm cuối năm 1972, ông vẫn lột tả một cách tường tận, chân thực.

Vai trò của cơ quan tham mưu, chỉ đạo chiến lược

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho rằng, thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, BTTM QĐND Việt Nam góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử này. Để chuẩn bị cho chiến dịch, ngay từ đầu năm 1972, BTTM đã chỉ thị cho Cục Quân báo thường xuyên nắm hoạt động của B-52. Theo chỉ đạo của trên, Cục Quân báo đã cử một tổ thu tin kỹ thuật vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), lên các đỉnh núi cao, sử dụng các máy thu vô tuyến sóng cực ngắn để trinh sát. Tổ trinh sát đã dày công nghiên cứu và tìm được cách giải mã những bức điện vô tuyến của địch, đặc biệt của không quân chiến lược chỉ huy hoạt động máy bay B-52. Nhờ đó, khi địch mở cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội-Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc tháng 12-1972, BTTM đã dự báo đúng trước hai ngày và biết chắc chắn trước 4 giờ.

Ngày 28-6-1972, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ): “Sắp tới không quân Mỹ sẽ đánh ác liệt hơn, kể cả B-52. Ta phải kiên quyết tổ chức những trận hiệp đồng nhiều binh chủng, đánh địch đau hơn nữa, nhất là vào những thời gian cao điểm. Giao cho BTTM mở hội nghị chuyên đề về đánh thắng B-52”.

bai 1 b52
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: CHÍ PHAN.

Thực hiện chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 06-7-1972, hai đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ và Phùng Thế Tài chủ trì hội nghị hẹp (gồm 10 đồng chí) bàn về cách đánh B-52. Sau khi nghe 8 phát biểu, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài kết luận: Mỹ sẽ đem B-52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng và vùng lân cận vào lúc ta đang thắng lớn ở miền Nam để ép ta ở Hội nghị Paris. Với ta, đánh rơi B-52 là một nhiệm vụ cấp bách, một yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao. Cần có quyết tâm sắt đá, sáng tạo, thông minh. Phải sử dụng toàn bộ lực lượng của Quân chủng PK-KQ, kể cả pháo cao xạ 100mm của các quân khu để đánh rơi B-52. Bộ tư lệnh Quân chủng PK-PQ cần hoàn chỉnh kế hoạch, rồi huấn luyện bộ đội thật công phu cả chiến thuật và kỹ thuật. BTTM sẽ tăng cường nắm hoạt động của B-52 thông báo kịp thời, tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo cách đánh, kể cả công tác phòng không nhân dân và công tác giao thông vận chuyển chi viện chiến trường.

Đó là chỉ đạo rất kịp thời, đúng đắn của BTTM. Cuối năm 1972, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Ninh hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị để tổ chức thật chu đáo hai cuộc họp quan trọng. Đó là cuộc họp ngày 24-11, tại Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Lê Quang Đạo duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích đường không bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Ngày 6-12, tại Tổng hành dinh, đồng chí Phùng Thế Tài chủ trì họp các cơ quan, đơn vị về công tác phòng không nhân dân, giữ gìn trật tự trị an khi địch dùng B-52 đánh phá trở lại miền Bắc.

“Có thể thấy, BTTM đã dự kiến các tình huống, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo, nên khi B-52 vào Hà Nội ta không bị bất ngờ và giội cho chúng gáo nước lạnh khi ngay trong đêm 18-12, “pháo đài bay” của đế quốc Mỹ đã bị quân ta bắn rơi tại chỗ ở Hà Nội”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh khẳng định.

Kéo còi báo động Hà Nội

Sáng 18-12, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh nhận nhiệm vụ trực ban tác chiến phòng không tại Sở chỉ huy tác chiến BTTM. Kíp trực ban do Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng phụ trách, Đại úy Trần Độ làm trực ban trưởng. Tổ tiêu đồ gồm: Nguyễn Trọng Là, Đào Thị Thu, Phạm Thị Thanh, Nguyễn Xuân Khách, Kiều Kim Quy, Đảo Thị Hợp, Vũ Thị Hà, Vũ Phương Thụy, Lương Thị Loan, Nguyễn Thị Nhung... thay phiên nhau trực, vẽ đường bay địch. Tiểu đội quan sát trên đỉnh cột cờ Hà Nội do Trần Đức Thịnh làm Tiểu đội trưởng, đều có mặt ở các vị trí làm nhiệm vụ.

Khoảng 9 giờ ngày 18-12, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh nhận được tin của Cục Quân báo: “Đã xuất hiện 13 máy bay của Mỹ tiếp dầu ở phía Đông Philippines. Máy bay trinh sát của RFUC báo: Thời tiết Hà Nội, không quân đánh tốt!”. Kíp trực ban thống nhất nhận định và báo cáo lên cấp trên: Nhiều khả năng cuộc tập kích đường không của địch sắp bắt đầu.

bai 1 b52 2
Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài (bên trái), Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri (bên phải) và Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh bên xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đêm 18-12-1972.  Ảnh tư liệu.

Xế chiều, đồng chí Phùng Thế Tài từ sân bay Gia Lâm về, chỉ thị: “Đồng chí Lê Đức Thọ từ Paris vừa về tới Hà Nội. Đàm phán bế tắc. Ta phải cảnh giác cao độ, nó đánh đấy. Cậu Ninh phải ở lì đây mà trực!”. Nguyễn Văn Ninh đáp: “Báo cáo đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng! Bộ đội ở các vị trí đã sẵn sàng”. 16 giờ 30 phút ngày 18-12, đồng chí Phan Mạc Lâm, cán bộ Cục Quân báo, chạy sang thông báo cho trực ban: “Đã có nhiều tốp B-52 cất cánh từ sân bay quân sự Andersen trên đảo Guam, khả năng đến ném bom miền Bắc”. Cả kíp trực ban hội ý, thống nhất đánh giá tình hình, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh ghi nhanh tin của đồng chí Phan Mạc Lâm lên bảng đen và thông báo cho Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ.

Rất nhanh chóng, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh báo cáo tình hình lên Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, xin phép kéo còi báo động phòng không cho TP Hà Nội trước 5 phút so với quy định. Được lệnh của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh báo cáo với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và nhận được chỉ thị: “Báo động Hà Nội, Hải Phòng...! Cứ 5 phút, BTTM báo cáo một lần”. Gác điện thoại, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh lập tức ấn nút kéo còi báo động trên nóc Hội trường Ba Đình, 15 còi điện khác của Thủ đô đồng thời rú theo báo động phòng không, nhân dân xuống hầm ẩn nấp, các lực lượng vào vị trí chiến đấu, các đơn vị hướng nòng súng lên bầu trời.

Kíp trực ban tác chiến của BTTM làm việc khẩn trương, chính xác theo chế độ thời chiến. Tổng hành dinh lúc này đang đấu trí quyết liệt với Lầu Năm Góc. 19 giờ 40 phút, máy bay địch gầm rú trên bầu trời, từng loạt bom xối xả. Các trận địa tên lửa, pháo phòng không từ các hướng đồng loạt nhả đạn. Hơn 30 phút sau, đài quan sát đỉnh cột cờ Thăng Long báo cáo: “Một đám cháy lớn trên trời phía Bắc”. Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ báo cáo: “Một B-52 rơi ở phía Sóc Sơn. Tiểu đoàn Tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không Hà Nội bắn rơi”. Cả kíp trực vui mừng ôm chầm lấy nhau, Cục trưởng Vũ Lăng nói như thét: “Chưa được đưa tin B-52 rơi, phải xác minh đã!”.

Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền gọi điện chỉ đạo Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Ngay trong đêm, dưới sự chủ trì của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thường trực Quân ủy Trung ương họp nhận định tình hình và đề ra chủ trương lãnh đạo: Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội PK-KQ phải cùng toàn dân quyết tâm đánh bại bước leo thang rất nghiêm trọng này của địch; trước mắt là kiên quyết đánh địch, triệt để sơ tán phòng tránh và tích cực bảo đảm giao thông vận tải.

Sáng sớm 19-12, chiếc máy bay Mi-8 chở Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh và đồng chí Lê Tư (Trưởng phòng Quân báo Quân chủng PK-KQ) đến cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), nơi máy bay B-52 rơi. Hàng nghìn người dân hồ hởi, vui cười trò chuyện bên xác máy bay cháy sém, khét lẹt. Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh nhanh chóng tìm được tấm hình biểu tượng B-52 mang dòng chữ “Strategic Air Command” (Bộ chỉ huy Không quân chiến lược), có hình vẽ một bàn tay thép giơ lên ở tư thế đấm bật ra những tia chớp răn đe mà vòng quanh là nhành ô liu./.

 (còn nữa)

 

SƠN BÌNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: