Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52 và 47 máy bay chiến thuật, bắt sống nhiều giặc lái.

Riêng Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã bắn rơi 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ). Qua câu chuyện với Đại tá Nguyễn Xuân Cự (93 tuổi), nguyên Chính ủy Sư đoàn 361, chúng tôi hiểu rõ hơn vì sao bộ đội phòng không Hà Nội lại lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc.

Từ nghị quyết “4 khẳng định”...

Vạch đường hướng, xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 dám đánh, biết đánh và chiến thắng vẻ vang, một phần rất quan trọng đó là Đảng ủy Sư đoàn 361 đã kịp thời ban hành nghị quyết “4 khẳng định”. Thời điểm ấy, trên cương vị Trưởng ban Tổ chức (Phòng Chính trị, Sư đoàn 361), là người trực tiếp giúp Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn chuẩn bị nghị quyết này, Đại tá Nguyễn Xuân Cự phân tích bối cảnh lúc đó để Đảng ủy Sư đoàn đánh giá đúng, dự báo đúng, quyết định đúng, tạo nên sức mạnh to lớn của công tác chính trị tư tưởng trong chiến dịch.

bai 2 b52 1
Đại tá Nguyễn Xuân Cự. Ảnh: CHÍ PHAN

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Cự, Sư đoàn 361 có nhiệm vụ bảo vệ trái tim của Tổ quốc, bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương Đảng, Chính phủ và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Song, khi đơn vị bước vào chuẩn bị đánh B-52 cuối năm 1972 cũng gặp không ít khó khăn, thử thách trong tư tưởng của bộ đội. Giai đoạn gần cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô sống trong trạng thái chẳng phải thời bình nhưng cũng chưa là thời chiến. Khung cảnh Hà Nội thời điểm ấy có màn khói “Hòa bình trong tầm tay” do Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố và rao giảng. Từ đó, làm nảy sinh tư tưởng chủ quan trong một số cán bộ, chiến sĩ với suy nghĩ “Thăng Long phi chiến địa”, hòa bình đã sắp trong tầm tay. Bên cạnh đó, trong Sư đoàn xuất hiện hai luồng ý kiến: Máy bay B-52 to cồng kềnh, cơ động chậm nên dễ đánh. Một số thì lo lắng về uy lực của B-52, vì thế thiếu tin tưởng vào vũ khí, khí tài và trình độ chiến đấu của bộ đội.

Nắm được tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn, Chính ủy Sư đoàn Trần Văn Giang trao đổi với đồng chí Tư lệnh Sư đoàn Trần Quang Hùng: “Phải có một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này để bộ đội Sư đoàn vững vàng bên bệ phóng và nòng pháo”. Trên cơ sở nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng PK-KQ và đánh giá tình hình của trên, tháng 11-1972, Đảng ủy Sư đoàn họp, ban hành nghị quyết chuyên đề đánh B-52. Dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy Trần Văn Giang, cuộc họp diễn ra trong không khí thảo luận sôi nổi, có lúc tranh luận khá gay gắt, Đảng ủy hạ quyết tâm đúng và trúng, trong đó mấu chốt là xác định “4 khẳng định”: “Khẳng định địch nhất định đánh trở lại Hà Nội và sẽ đánh cực kỳ ác liệt; khẳng định khả năng nào cũng diễn biến phức tạp và quyết liệt; khẳng định đánh vào Hà Nội lần này, Mỹ nhất định dùng máy bay chiến lược B-52; khẳng định đánh vào Hà Nội, Mỹ ở vào thế thua, thế yếu, thế bị động. Chúng ta có nhiệm vụ và khả năng bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Xuân Cự cho hay: "Nhiệm vụ đánh B-52 chủ yếu được giao cho các đơn vị tên lửa. Tháng 9-1972, Quân chủng PK-KQ triển khai phương án đánh B-52 mới cho Sư đoàn 361. Theo đó, Trung đoàn Tên lửa 257 án ngữ phía hữu ngạn sông Hồng; Trung đoàn Tên lửa 261 án ngữ phía tả ngạn sông Hồng. Đội hình các tiểu đoàn tên lửa được điều chỉnh với nguyên tắc mỗi trung đoàn đều có những trận địa then chốt, trận địa cơ động để có thể chi viện tốt cho nhau, bảo đảm trên mỗi đường bay dự kiến có B-52 vào sẽ có từ 3 đến 6 tiểu đoàn đánh được vào tốp B-52. Phương án được thông qua, các đơn vị luyện tập với cường độ cao.

Biến nghị quyết thành hành động

Để đưa nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn đi vào cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị triển khai học tập kinh nghiệm đánh B-52; điều chỉnh bố trí lại đội hình chiến đấu; mở đợt đột kích vào nhiệm vụ huấn luyện, sửa chữa, sản xuất, bảo quản vũ khí, khí tài, đạn dược... Các đơn vị tên lửa, cao xạ phát động Phong trào “Mười ngày nâng cao chất lượng huấn luyện” dành riêng cho huấn luyện đánh B-52. Các phân đội thi đua giành danh hiệu “Kíp chiến đấu giỏi”, “Phiên ban giỏi”, "Tiểu đoàn mạnh”, “Trung đoàn mạnh”... Không khí chuẩn bị đánh B-52 diễn ra khẩn trương trên khắp các trận địa.

Đặc biệt, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn chủ trương mở đợt sinh hoạt chính trị tạo nên sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng của bộ đội, đẩy lùi những nhận thức chưa đúng và củng cố niềm tin. Trong các buổi sinh hoạt, những lời tiên đoán của Bác Hồ về đế quốc Mỹ đưa B-52 ra miền Bắc, nội dung của nghị quyết “4 khẳng định” được phổ biến, quán triệt đến bộ đội. Đợt sinh hoạt được tổ chức chặt chẽ, ráo riết, tạo nên sự chuyển biến to lớn trong nhận thức, tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo và chỉ huy; giữa cán bộ và chiến sĩ; giữa nghị quyết và tổ chức thực hiện; giữa nói và làm. Qua đó, một ngọn lửa bốc cháy trong trái tim của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361, tuy không ai nói thành lời nhưng ý chí, nghị lực, quyết tâm, niềm tin của mỗi người được nâng lên để bước vào cuộc chiến sinh tử bảo vệ Thủ đô.

bai 2 b52 2
“Rồng lửa” SAM 2 của Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Song song với đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và tổ chức rút kinh nghiệm sau từng trận đánh, công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục, rộng khắp từ cơ quan đến từng đơn vị, như: Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề bảo vệ Thủ đô; tổ chức sinh hoạt dân chủ quân sự với chủ đề: “Hiến kế, hiến công, dốc sức, đồng lòng đánh thắng B-52 Mỹ”. Những khẩu hiệu hành động được viết và dán khắp trận địa, trên từng khẩu pháo, bệ phóng tên lửa; những quả tên lửa mang dòng chữ: “Trả thù cho đồng bào Hà Nội” bằng sơn trắng lần lượt rời dây chuyền sản xuất theo các xe về các tiểu đoàn tên lửa để kịp thời tiêu diệt máy bay Mỹ.

Trong quá trình chiến đấu, từ ngày 18 đến 29-12-1972, sau những trận đánh thắng hoặc hiệu suất chiến đấu chưa cao, cấp ủy các cấp trong Sư đoàn đã chú trọng lãnh đạo rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, trong đêm đầu của chiến dịch, khi chưa bắn rơi được B-52, Đảng ủy Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn Tên lửa 257) đã tổ chức cuộc họp ngay và hạ quyết tâm: “Tập trung lãnh đạo bộ đội bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 để trả thù cho đồng bào Hà Nội. Tiểu đoàn còn 6 quả đạn tên lửa, Đảng ủy quyết nghị chỉ đạo các kíp chiến đấu tích cực phát sóng, xác định đúng B-52, đánh tiết kiệm đạn, đã phóng là kiên quyết điều khiển đạn trúng đích và tiêu diệt địch. Mỗi lần phóng phải tập trung vào tốp B-52 bay vào hướng trung tâm Hà Nội”.

Sau hội nghị Đảng ủy, đồng chí Đỗ Quý Dân, Chính trị viên Tiểu đoàn 77 đã gửi quyết tâm thư lên Đảng ủy Sư đoàn, trong đó nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết vượt qua những thử thách lớn nhất, tìm ra cách đánh tốt nhất, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52, bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước”. Lời hứa danh dự ấy và nghị quyết đúng đắn ấy đã trở thành hiện thực. Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi 4 máy bay B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ, trở thành một trong những tiểu đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất của Sư đoàn.

(còn nữa)

Sư đoàn 361 (Sư đoàn Phòng không Hà Nội), Quân chủng PK-KQ được thành lập ngày 19-5-1965, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn đánh 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay các loại (trong đó có 35 chiếc B-52). Ngày 15-1-1976, Sư đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 

SƠN BÌNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: