Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

50 trước, vào những ngày cuối tháng 12-1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Chiến thắng đó góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

ban hung ca

Cuộc đối đầu bằng công nghệ cao...

Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Bác Hồ đã dự đoán và chuẩn bị từ 10 năm trước cho tình huống Mỹ sẽ dùng B52 đánh vào Hà Nội. 5 năm trước khi xảy ra cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, ngày 29-12-1967, giao nhiệm vụ đánh B52 cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Bác Hồ đã khẳng định: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Đúng như dự đoán của Người, ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nic-xơn phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay B52” nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán. Tầm nhìn chiến lược, những dự báo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc.

Thời điểm năm 1972, không lực Hoa Kỳ có tổng số khoảng 405 B52. Ở 14 liên đội không quân từ 3 căn cứ không quân và 6 tàu sân bay có 207 chiếc B52, hơn 1.000 máy bay các loại tiêm kích ném bom F4, tiêm kích F105; Cánh cụp cánh xòe F111; cường kích A4… Báo chí Mỹ không ngớt quảng cáo, gây ấn tượng loại “siêu pháo đài bay B52” là vũ khí chiến lược “vô địch” “bất khả xâm phạm” với tham vọng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. B52 được xem là máy bay ném bom lớn nhất thế giới lúc đó. B52 có thể mang 100 quả bom, số lượng đó tương đương từ 17 tấn đến 30 tấn, bay liên tục 21 giờ, trên chặng đường dài 12.000km đến 16.000km. B52 còn được trang bị 15 máy gây nhiễu điện tử, 2 máy gây nhiễu bằng sợi kim loại, có 4 quả tên lửa nhử mồi và hai tên lửa hành trình không đối đất, có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B52: 193/tổng số 405 chiếc hiện có của Quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biệt đội máy bay F111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa; máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật; máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

Phục vụ cho chiến dịch tác chiến của không quân có 30 tuần dương hạm, khu trục hạm và hơn 20 tàu chở bom đạn, dầu, hậu cần, bệnh viện. Không quân và hải quân đã vận chuyển hàng vạn tấn xăng dầu, 500 nghìn tấn bom đến các căn cứ không quân của Nhật và Thái Lan.

Về lực lượng và thế trận Việt Nam trên địa bàn Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã xây dựng hệ thống 45.000km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy được tổ chức sẵn sàng có mặt ứng cứu kịp thời. Cả thành phố có 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ từ trận địa đến trung tuyến, hậu tuyến… Trong đó, khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch. Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội. 60 vạn dân đã được tổ chức sơ tán ra khỏi nội thành.

Để bảo đảm vận chuyển trong chiến đấu, ngoài Sở Giao thông vận tải của thành phố, Nhà nước thành lập Ban Bảo đảm giao thông vận tải khu vực do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm Trưởng ban. Các bến phà qua sông Hồng ở khu vực Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm và một số cầu phao, phà qua sông Đuống được gấp rút củng cố. Về trang bị kỹ thuật có súng máy phòng không tầm thấp 12,7mm và 14,5mm, loại 1 nòng và 4 nòng; pháo PK 37mm, 57mm, 100mm. Tên lửa SAM-2 và hệ thống ra-đa đi kèm. Không quân có các loại MIG-21, MIG-17. Các đơn vị ra-đa cảnh giới được bố trí thành một mạng lưới liên hoàn tại nhiều địa điểm địch không thể ngờ tới, bảo đảm phát hiện máy bay địch từ xa. Một hệ thống thông tin hữu tuyến, vô tuyến và các đài quan sát bảo đảm vững chắc liên lạc trong mọi tình huống và phát hiện máy bay địch trong mọi thời tiết.

Về tổ chức lực lượng chiến đấu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương được biên chế gồm Sư đoàn PK 361 có 2 trung đoàn tên lửa, và các đơn vị được tăng cường, với tổng số 84 bệ phóng có đầy đủ cơ số đạn theo quy định, có 5 trung đoàn pháo cao xạ 100mm, 550 súng máy cao xạ, 700 súng trung liên, đại liên đặt trên sân thượng các tòa nhà cao tầng tại khu vực trọng điểm. Lực lượng không quân có 3 trung đoàn. Sư đoàn Phòng không 363 có 2 tiểu đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hải Phòng. Sư đoàn Phòng không 367 bảo vệ tuyến vận tải từ Thanh Hóa trở vào. Các tiểu đoàn kỹ thuật đã sắp xếp lại dây chuyền sản xuất đạn, nghiên cứu vận dụng cải tiến kỹ thuật quy trình lắp ráp tăng tiến độ lắp ráp từ 8 quả lên 20-22 quả trong một ngày.

Trong quá trình xây dựng phương án bố trí lực lượng chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, tư lệnh các binh chủng ra-đa, tên lửa, không quân và Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương án chiến đấu hiệu quả cao nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Sau mấy tuần vật lộn với những con số, các cán bộ tham mưu phòng không không quân đã đưa ra câu trả lời: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu đựng được) là 1-2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2 (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) là 6-7%; N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) là trên 10%.

Câu hỏi tiếp theo của Tổng Tư lệnh là Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.

Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Cục Tình báo, Viện Kỹ thuật quân sự, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với chuyên gia Liên Xô khai thác, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến máy bay B52, giải quyết các vấn đề trinh sát kỹ thuật vô tuyến, thông tin liên lạc, phục vụ chiến đấu.

Ngày 18-12-1972, Không quân Mỹ mở đầu chiến dịch tập kích đường không chủ yếu bằng B52 ồ ạt đánh vào Hà Nội. 19h16’ bắt đầu xuất hiện các tốp B52, mỗi tốp 3 chiếc bay theo đội hình đã xác định. Có 100 máy bay tiêm kích bay theo bảo vệ và đánh các trận địa tên lửa và pháo của ta.

Sau 9 giờ đồng hồ trong đêm 18 rạng ngày 19-12, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ đã sử dụng 90 lần chiếc B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức ba đợt đánh vào Hà Nội. Hệ thống ra-đa đã phát hiện sớm. Lực lượng chiến đấu đã đánh trả quyết liệt. Hà Nội bắn rơi 4 chiếc, có 3 chiếc B52, 2 chiếc rơi tại chỗ. Trong tác chiến phòng không chiến thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về tư tưởng tác chiến mà chứng minh một chiến thuật chính xác hiệu quả.

Các ngày tiếp theo quân dân Hà Nội đã thắng lớn, các ngày 19, 20, 21 bắn rơi tại chỗ 5 B52… Chỉ trong 9 phút các Tiểu đoàn Tên lửa 57, 77, 79 đã phóng 6 quả đạn bắn rơi 4 chiếc B52, có 3 chiếc rơi tại chỗ. Riêng Tiểu đoàn 57 chỉ hai quả đạn cuối cùng trong vòng 2 phút bắn rơi 2 B52. Một trận đánh tiêu biểu, hiệu suất rất cao. Trong đêm 22 và 24-12, chỉ trong 10 phút bộ đội tên lửa bắn rơi tại chỗ 3 chiếc với số lượng đạn chỉ bằng một nửa so với những trận đánh trước.

Không quân Mỹ thay đổi chiến thuật, tập trung đánh chế áp mạnh tên lửa của ta để giảm bớt hỏa lực đánh B52. Ta bố trí lại đội hình, các đơn vị pháo tập trung bảo vệ các trận địa tên lửa. Tên lửa tập trung hỏa lực đánh B52, đồng thời Bộ Tư lệnh Quân chủng ra lệnh tạo điều kiện cho Không quân tiêu diệt được B52, bằng cách tổ chức phục kích cất cánh từ những địa điểm địch không ngờ tới. Trong đêm 26 và ngày 27-12, các lực lượng phòng không và không quân đã hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 18 máy bay trong đó có 8 B52, lực lượng phòng không bắn rơi 7 chiếc. Phi công Anh hùng Phạm Tuân nhận lệnh phục kích ở sân bay Yên Bái được lệnh cất cánh đã tiêu diệt 1 B52. Ngày hôm sau Anh hùng Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tiêu diệt 1 B52. Chiếc B52 bị bắn rơi xuống làng Ngọc Hà là chiếc duy nhất bị bắn rơi khi chưa kịp cắt bom. Cũng sau trận này sự thất bại hoàn toàn của chiến dịch tập kích đường không chiến lược của Mỹ đã được định đoạt, khả năng xuất kích của B52 suy giảm rõ rệt.

Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã làm choáng váng kẻ thù, chấn động thế giới. Phó Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc. Tổng thống Mỹ Nic-xơn trong hồi ký của mình viết: Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề. 7h30’ phút ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27-1-1973 ký kết Hiệp định Paris, quân Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

... Bài học lịch sử

Trong chiến dịch tập kích đường không tháng 12-1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ, 4.025 dân thường bị giết, 3.327 người bị thương. Riêng Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt xuống nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga và nhiều công trình văn hóa khác; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác… Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… sẽ mãi mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Với truyền thống quật cường của dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vừa thực hiện thắng lợi chiến dịch phòng không, vừa thực hiện sơ tán phòng tránh tốt, hạn chế đến mức thấp sự thiệt hại về người và của.

Trong chiến dịch chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ, ta bắn rơi 81 chiếc, trong đó có 34 chiếc B52, bắt sống 44 giặc lái trong đó có 33 giặc lái B52. Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện xuất sắc, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông tháng 12-1972, với 34 chiếc B52 bị bắn hạ, đạt tỷ lệ là 17,6% (34/197). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.

Sự chủ động, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng phòng không tham gia chiến dịch, sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều thành phần, từ hệ thống ra-đa phát hiện B52 đến cách đánh cụ thể của bộ đội tên lửa, việc giải quyết tốt nhiều vấn đề trong lĩnh vực chiến tranh điện tử, như chống lại gây nhiễu, nghi binh, phóng mục tiêu giả B52 đến vô hiệu hóa thủ đoạn phóng tên lửa Sơ-rai… đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh kiên cường Việt Nam. Chiến thắng trận đầu đã làm cho giặc lái B52 từ chỗ chủ quan coi thường hệ thống phòng không của ta, bắt đầu hoang mang, nghi ngờ, rồi lo sợ, khiếp đảm.

Có thể khẳng định, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 ta đã tiến hành chiến dịch phòng không đạt mức tiêu diệt máy bay chiến lược hiện đại của Mỹ cao nhất, oanh liệt nhất, đạt hiệu lực chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đó là chiến dịch tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B52 của Mỹ đầu tiên trên thế giới. Bình luận về cuộc ném bom B52 vào Hà Nội, báo Tin nhanh Mỹ đã viết: Những trận mưa bom hiện thời có lẽ đã tiêu diệt một dân tộc khác, thì trái lại nó làm cho người Việt Nam đứng vững, đồng thời làm nảy nở những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Cùng với quan điểm như vậy dư luận thế giới đã coi “Hà Nội là thủ đô của phẩm giá con người”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là hành trang của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng mà thường xuyên là Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến đấu. Đây là một nguyên tắc cơ bản, hàng đầu bảo đảm cho Quân đội luôn trưởng thành vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ta đã giữ vững sự lãnh đạo của Đảng suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức xây dựng lực lượng, thế trận, tìm tòi cách đánh đến việc giải quyết các tình huống chiến đấu trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972.

Hai là, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm chống tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ là một cuộc đọ sức đầy thử thách đối với quân và dân ta để chống lại lực lượng quân sự hùng mạnh với các loại vũ khí trang bị hiện đại, tối tân. Để giành chiến thắng, chúng ta đã biết kế thừa và phát huy nghệ thuật chiến tranh của cha ông ta, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong cuộc chiến đấu này, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam một lần nữa được tỏa sáng bằng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng của quân và dân ta.

Ba là, thường xuyên nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm vững lực lượng, phương tiện, ý đồ và hướng tiến công chủ yếu của địch để có phương án tác chiến phù hợp, hiệu quả. Trong cuộc đối đầu giữa quân, dân Việt Nam và quân đội Mỹ trên bầu trời miền Bắc, không quân Mỹ ở thế chủ động tiến công với phương tiện, vũ khí hiện đại, ta ở thế phòng thủ, vũ khí trang bị ở thế hệ cũ. Mặc dù vậy, nếu dự báo được thủ đoạn sử dụng lực lượng, hướng tiến công, nghi binh, tạo giả, tìm ra những chỗ hiểm yếu, bị động của địch, ta có thể tổ chức lực lượng chiến đấu phù hợp, bảo đảm thắng lợi.

Bốn là, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các lực lượng thường trực phòng không - không quân, nắm chắc địch, tìm cách đánh sáng tạo.

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, cơ động tác chiến, linh hoạt sáng tạo. Phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, vừa tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn, vừa đánh liên tục, tại chỗ, rộng khắp trên các địa bàn... Nhờ đó đã tạo nên một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh trực diện, từ phía sau, bên sườn, đánh bồi, đánh nhồi, bảo đảm chiến đấu thắng lợi suốt toàn bộ chiến dịch.

Năm là, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước XHCN và bạn bè quốc tế, nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là yếu tố cơ bản, bên trong, quyết định nhất để chiến thắng kẻ thù. Coi trọng kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, giải quyết hài hoà các mối quan hệ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bè bạn quốc tế và nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

50 năm trôi qua, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị sâu sắc của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Chúng ta tin tưởng, tự hào về Đảng, một đảng mác-xít kiên cường, luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta, lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn sức mạnh nội lực để hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Trần Công Huyền

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: