Mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển là một trong mười mối quan hệ lớn mang tính quy luật được Đảng ta tổng kết ở tầm lý luận. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề về phương thức bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam _Ảnh: TTXVN
Nếu xem vận động là thuộc tính, phương thức tồn tại của vật chất, thì ổn định và phát triển là hai trạng thái vận động của các sự vật, hiện tượng trong xã hội. Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị đều là những hình thái của vận động xã hội, không chỉ nói lên trạng thái vận động, mà bao hàm cả khuynh hướng vận động, chất lượng phát triển. Ổn định chế độ chính trị là một hình thái đặc biệt của vận động xã hội - sự vận động trong trật tự, kỷ cương, bảo đảm các cấu trúc, chức năng cấu thành bản chất chế độ chính trị được giữ vững, tăng cường, không dẫn tới rối loạn, bất ổn, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy vận động xã hội theo khuynh hướng đi lên.
Phát triển bền vững chế độ chính trị lấy chất lượng làm cơ bản, bảo đảm quản trị sự phát triển trong ngắn hạn, trung hạn có vai trò củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong dài hạn. Sự phát triển bền vững, cho dù là tuần tự hay đột biến, các nguy cơ rủi ro chính trị luôn được kiểm soát, các giá trị tốt đẹp ngày càng được củng cố, bồi đắp, gia cường, làm cho chế độ chính trị trường tồn. Hay như cách nói phổ biến là: sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hôm nay không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các yêu cầu của các thế hệ tương lai. Theo đó, phát triển bền vững chế độ chính trị là một nội dung cấu thành phát triển bền vững đất nước.
Phát triển bền vững chế độ chính trị bao hàm trong nó yếu tố ổn định, tức không gây nên các đảo lộn chính trị đe dọa lợi ích của mọi thành viên xã hội cũng như khả năng phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các bất ổn về kinh tế có thể được khắc phục thông qua kế hoạch ngắn hạn hoặc trung hạn, còn việc khắc phục bất ổn chính trị khó khăn hơn rất nhiều, không chỉ cần thời gian dài hơn, nguồn lực lớn hơn, mà còn phải xử lý vô vàn vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cực kỳ phức tạp. Đằng sau các bất ổn chính trị là sự rạn nứt các mô đoàn kết xã hội, thậm chí các lực lượng chính trị, các giai tầng xã hội bị cuốn vào xung đột, chiến tranh, làm hao tổn nguồn lực quốc gia, ly tán lòng người, đất nước chia cắt, các thế lực bên ngoài can thiệp vào độc lập và chủ quyền dân tộc, bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
Ổn định chính trị luôn mang tính lịch sử - cụ thể, được chế định bởi yếu tố thời đại, mô hình chính thể, trình độ phát triển kinh tế - xã hội... Không có sự đồng nhất về ổn định chính trị giữa chính thể đa đảng và chính thể một đảng duy nhất cầm quyền, giữa quốc gia mới thoát khỏi chủ nghĩa thực dân và các nước tư bản - đế quốc, giữa quốc gia phòng vệ và quốc gia theo đuổi tư tưởng đế chế, giữa cường quốc và quốc gia tầm trung, quốc gia nhỏ yếu. Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị luôn gắn với trình độ phát triển kinh tế, bởi kinh tế là bệ đỡ cho chính trị, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Không có sự ổn định chính trị nào thoát khỏi các điều kiện hiện thực và bối cảnh lịch sử cụ thể.
Sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta bị chế định bởi mấy đặc điểm sau đây: 1- Một đảng duy nhất cầm quyền và nền chính trị nhất nguyên, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; 2- Là quốc gia thoát khỏi nền cai trị của chủ nghĩa thực dân, vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, nhân dân có ý chí, khát vọng mạnh mẽ về độc lập, tự cường và phát triển; 3- Luôn đứng trước các thách thức bên ngoài đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; 4- Các vấn đề dân tộc, tôn giáo,... luôn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp; 5- Vị trí địa lý luôn đặt đất nước trước thách thức cọ xát, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Cả 5 đặc điểm nêu trên chi phối đến yêu cầu, điều kiện, tính chất, phương thức bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị nước ta.
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, ổn định chính trị là điều kiện sống còn cho bảo vệ độc lập dân tộc, ứng phó với các thách thức bên trong và bên ngoài; bảo vệ Tổ quốc có nội dung cơ bản là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị. Cũng cần nói thêm rằng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn và tiến hành các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, cổ xúy “bất tuân dân sự”, gây bất ổn chính trị, mưu toan thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đối với Việt Nam, bất ổn chính trị đồng nghĩa với đẩy đất nước vào rối ren, lòng dân ly tán, chia rẽ dân tộc, xung đột xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực ngoại bang can thiệp, thôn tính, xâm lược dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị là một loại lợi ích chiến lược của quốc gia - dân tộc trong quá trình đổi mới. Đồng thời, bảo vệ Tổ quốc bao hàm cả yêu cầu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, mà ở đó, ổn định chính trị có vai trò to lớn, tầm quan trọng đặc biệt.
Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta được bảo đảm thông qua các phương thức cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị.
Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị trước hết được bảo đảm bằng việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; kiên định lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế. Đảng ta là đảng cầm quyền, hạt nhân của hệ thống chính trị, phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh, làm cho chính trị sáng suốt, tư tưởng vững vàng, đạo đức liêm chính, tổ chức chặt chẽ, cán bộ thực đức, thực tài. Tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đủ sức quản lý xã hội, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, kiểm soát quyền lực hiệu quả. Không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy sức dân để làm lợi cho dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị từ “mặt trận lòng dân”, từ niềm tin yêu của nhân dân.
Cán bộ kiểm sát nhân dân tuyên truyền pháp luật cho đồng bào trên địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh _Nguồn: baovephapluat.vn
Hai là, kiểm soát hiệu quả, ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ tha hóa quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.
Nguy cơ đe dọa ổn định chính trị không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn từ bên trong, do tha hóa quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và sự suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước hiệu quả gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kiểm soát quyền lực được thực hiện bằng tăng cường, hoàn thiện các công cụ giám sát, kiểm tra, kỷ luật của Đảng; bằng sự tự kiểm soát của mỗi tổ chức và cá nhân đảng viên dựa trên thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nâng cao đạo đức cầm quyền, rèn luyện liêm chính công vụ, phòng ngừa mọi cám dỗ; bằng bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bằng kiểm soát bên trong từng cơ quan của hệ thống chính trị và kiểm soát từ bên ngoài, nhất là phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát trực tiếp của nhân dân; bằng các thiết chế hiến định có đủ quyền năng bảo vệ lợi ích công cộng (như Kiểm toán nhà nước); bằng giới hạn quyền lực theo thẩm quyền, ràng buộc quyền hạn với trách nhiệm, như giữa Trung ương với địa phương, giữa cá nhân với tập thể, giữa cấp này với cấp khác, giữa nhiệm kỳ này với nhiệm kỳ khác; bằng thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền; bằng đề cao nguyên tắc pháp quyền, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đối với mọi tổ chức và cá nhân; bằng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân gắn với hoàn thiện cơ chế tiếp dân, giải quyết có hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Ba là, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bất ổn chính trị có thể phát sinh từ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Suy thoái về tư tưởng chính trị không chỉ làm hư hỏng bản thân từng cán bộ, đảng viên, mà còn làm hủ bại tổ chức, suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. Vì vậy, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên phải bắt đầu từ chỉnh đốn Đảng về tư tưởng chính trị, làm cho nền tảng tư tưởng vững vàng, không ngả nghiêng, dao động trong bất cứ tình huống nào; làm cho đạo đức, lối sống lành mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân; đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, xa hoa, lãng phí. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm biến chất cán bộ, đảng viên, trở thành “bạn đồng minh tự nhiên” của “diễn biến hòa bình”, gây nguy hiểm khôn lường đối với sự tồn vong của chế độ chính trị. Vì vậy, phải kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, phát hiện từ sớm, từ xa, từ gốc để có biện pháp ngăn chặn, chỉnh đốn, xử lý nghiêm những sai phạm, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, triệt tiêu mọi biểu hiện cơ hội chính trị, bệnh bè phái, phường hội gây rối loạn tư tưởng, phân liệt tổ chức, phá hoại khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Bốn là, xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, đủ thực lực để giữ vững ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị.
Nền chính trị ổn định, phát triển luôn phải có cơ sở kinh tế vững mạnh, bởi chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Ngay từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhằm không chỉ đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, mà còn tạo lập cơ sở kinh tế cho đổi mới chính trị. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20-5-1988, của Bộ Chính trị, về “Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” nhấn mạnh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới dựa trên một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng đủ mạnh và quan hệ quốc tế rộng mở. Nền kinh tế mạnh được bảo đảm bởi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có nền sản xuất đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thông qua nhiều biện pháp, như kiểm soát lạm phát, tỷ giá, nợ công, dự trữ ngoại tệ đủ đáp ứng nhu cầu, tăng trưởng cao liên tục, cân đối thu - chi ngân sách, sử dụng công cụ tài khóa và tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, giải quyết việc làm. Bảo đảm các cân đối lớn giữa cung - cầu, xuất - nhập, tích lũy - tiêu dùng, nhất là bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chuỗi cung ứng các hàng hóa thiết yếu,... thì nền kinh tế mới có thể tăng trưởng, đủ sức trụ vững, ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Nền kinh tế mạnh còn thể hiện ở doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh cao, kết nối hiệu quả với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); có tinh thần dân tộc, liêm chính kinh doanh, trách nhiệm xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội ngay từ doanh nghiệp, như tiền lương, phúc lợi doanh nghiệp, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp xã hội, hợp tác xã, tổ hợp tác,... mà ở đó có khả năng tham dự và chủ động giải quyết nhiều vấn đề xã hội, góp phần duy trì xã hội trong trật tự, kỷ cương, phát triển hài hòa, ổn định.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh qua hơn 35 năm đổi mới _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Năm là, xây dựng quan hệ xã hội hài hòa, đoàn kết, đồng thuận trên cơ sở thực hành dân chủ, phát huy đầy đủ sức mạnh của nhân dân.
Cốt lõi của phương thức này là thúc đẩy công bằng xã hội toàn diện, bao gồm từ công bằng về cơ hội, điều kiện phát triển, phân phối kết quả sản xuất đến công bằng về quyền và nghĩa vụ. Có giải pháp khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo, tập trung vào giảm nghèo đa chiều bền vững, khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu bất hợp pháp, mở rộng tầng lớp khá giả; ưu tiên phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng, miền. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo; bình đẳng giới; ra sức tập hợp, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài; chăm lo phát triển con người toàn diện. Đoàn kết dân tộc dựa trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, huy động sức mạnh toàn dân vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh, nghiêm trị mọi hành vi chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu sức mạnh đất nước, khơi mào cho xung đột chính trị - xã hội.
Sáu là, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, đề kháng có hiệu quả với mọi hành vi xâm lăng văn hóa, các mối đe dọa đối với ổn định chính trị - xã hội đến từ những yếu tố phản văn hóa, phi văn hóa.
Củng cố, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế có ý nghĩa tăng cường quốc lực về văn hóa, tạo sức đề kháng với mọi hành vi xâm lăng văn hóa. Cùng với kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là coi trọng chọn lọc, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng, làm giàu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đi đôi với xây dựng nội lực văn hóa đủ mạnh tạo sức đề kháng có hiệu quả là đấu tranh với các biểu hiện phản văn hóa, phi văn hóa, lối sống lai căng, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, có nguy cơ làm băng hoại các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nguồn cơn gây nên xung đột xã hội khi nền tảng văn hóa bị suy yếu, lung lay, bị tiêm nhiễm bởi các tư tưởng dị đoan, độc hại.
Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị được bảo đảm bởi một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa có ý nghĩa thống nhất nhân tâm, lòng người khi mọi quốc dân đều có ý thức sâu sắc, đầy đủ về bản sắc văn hóa dân tộc, nhờ đó mà ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị có được bệ đỡ văn hóa vững chắc; làm cho các giá trị văn hóa tộc người, địa phương, vùng, miền được tôn trọng, khơi dậy, tăng cường tự tin văn hóa để xây dựng đất nước giàu mạnh, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị còn được bảo đảm khi các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, trước hết là văn hóa lãnh đạo, đạo đức cầm quyền, tạo thành nền tảng tinh thần vững chắc cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tầng lớp nhân dân khi được thụ hưởng phúc lợi văn hóa, ý thức sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc, tự tin văn hóa, có niềm tin tốt đẹp vào chế độ chính trị sẽ tạo nội lực văn hóa mạnh, khỏa lấp các “khoảng trống” dễ bị bên ngoài lợi dụng, tiêm nhiễm, nhờ đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ngay từ nền tảng văn hóa tinh thần.
Bảy là, tăng cường đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xử lý, triệt tiêu các nhân tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn chính trị từ sớm, từ xa, từ gốc.
Nguyên nhân gây bất ổn chính trị có thể đến từ các mối đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gồm cả nhân tố bên ngoài và nhân tố bên trong, mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống. Vì vậy, muốn giữ vững ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị, phải cảnh giác và đấu tranh kiên quyết với mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa an ninh quốc gia, bất luận đó là hoạt động vũ trang hoặc phi vũ trang.
Trong điều kiện hiện nay, chống phá bằng biện pháp phi vũ trang được các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị triệt để sử dụng, đòi hỏi chúng ta phải tập trung lực lượng và định hình phương thức đấu tranh phù hợp, nhất là đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ an ninh chính trị, an ninh văn hóa. Các hiện tượng vi phạm trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân thường bị các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng nhằm kích động chống phá, thúc đẩy “bất tuân dân sự” chống đối Nhà nước, xúi giục khiếu kiện đông người... có thể gây nên bất ổn chính trị - xã hội. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị cũng cần được nhận thức đầy đủ, nhận diện chính xác và qua đó, định hình phương thức quản trị an ninh phi truyền thống phù hợp, hiệu quả. Như vậy, để giữ vững ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị, phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, quản trị tốt các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, xử lý có hiệu quả các nhân tố tiềm ẩn đe dọa ổn định xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu từ sớm, từ xa, từ gốc các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị.
Tám là, định hình cơ chế, phương thức giải quyết mâu thuẫn, giải tỏa các “điểm nóng”, quản trị xung đột xã hội hiệu quả.
Bất ổn chính trị có thể phát sinh từ năng lực quản trị xã hội, do thiếu khả năng kiểm soát các mâu thuẫn, thiếu cơ chế, phương thức quản trị xung đột xã hội nảy sinh trong đời sống hằng ngày. Các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân khi bị các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng, kích động có thể bùng phát, chuyển hóa thành xung đột chính trị - xã hội, khiến việc giải quyết khó khăn hơn. Vì vậy, phải hoàn thiện cơ chế, phương thức quản trị xung đột hiệu quả. Cần hoàn thiện hệ thống nắm bắt dư luận xã hội, đánh giá trạng thái xã hội, đo đạc phản ứng xã hội, nhận diện đúng bản chất mâu thuẫn,... trước khi đưa ra các quyết định lựa chọn phương thức giải tỏa xung đột xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề có khả năng xuất hiện “điểm nóng” chính là tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo..., do đó, cần được theo dõi, nắm bắt thường xuyên, xử lý hiệu quả. Các mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân phải được phát hiện, nắm bắt kịp thời, xử lý dứt điểm, hiệu quả, không để lây lan từ “điểm” thành “diện”, càng không cho phép chuyển hóa tính chất từ xung đột xã hội thành xung đột chính trị - xã hội. Hoàn thiện cơ chế xử lý, giải tỏa các “điểm nóng” xã hội, triệt tiêu từ sớm, từ xa, từ gốc các nhân tố mà các thế lực chống đối có thể lợi dụng để “dựng ngọn cờ”, tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước, gây bất ổn chính trị - xã hội. Cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng để can thiệp, quốc tế hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh, quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đấu tranh triệt tiêu các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột xã hội ngay từ khi mới manh nha.
Chung tay vì biên giới hòa bình, hữu nghị (Trong ảnh: Tuần tra biên giới giữa lực lượng biên phòng Việt Nam và Campuchia) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Chín là, phát huy vai trò mặt trận đối ngoại trong chủ động giữ vững cục diện khu vực và quốc tế thuận lợi; nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước; kiểm soát các bất đồng, xung đột, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững đất nước.
Ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị có quan hệ chặt chẽ với giữ vững môi trường ổn định chiến lược trong quan hệ với khu vực và trên thế giới. Phát huy vai trò chủ động, tích cực của công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ quốc tế theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Trong khi tranh thủ thúc đẩy hợp tác với mọi đối tác thì phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh với mọi đối tượng để bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ xung đột, can thiệp, chống phá, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng, phát triển đất nước. Phát huy vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế, tận dụng mọi điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ cho phát triển đất nước, lấy phát triển đất nước làm điều kiện cơ bản cho giữ vững ổn định chính trị. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ, kích động bạo loạn lật đổ, giữ vững môi trường ổn định chính trị, bảo vệ bền vững chế độ gắn với thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sự trường tồn của dân tộc./.
PGS, TS. ĐOÀN MINH HUẤN
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Theo Tạp chí Cộng sản
Bùi Hảo (st)