Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

An ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mọi quốc gia, dân tộc, là bộ phận không thể tách rời của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm lãnh đạo cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam và không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện, tạo cơ sở quan trọng để thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

an ninh quoc gia
Lực lượng Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia.
(Ảnh: cand.com.vn)

Trước những thay đổi chiến lược mang tính toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VIII), ngày 5/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, tiếp tục hoàn thiện quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Qua đó khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt: An ninh quốc gia là sự vững mạnh, trường tồn của Ðảng, sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sự ổn định về chính trị, biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia và an ninh, an toàn của xã hội. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành.

Tại Ðại hội XIII của Ðảng, Ðảng ta tiếp tục phát triển quan điểm, khẳng định tư duy và định hướng xa hơn, toàn diện hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Về tầm nhìn chiến lược, Ðảng ta đã hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Về tư duy nhận thức, Ðảng ta xác định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phạm vi, kế sách, tiềm lực, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, phát triển lý luận và xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia.

Ðảng ta đã đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh: Bảo vệ an ninh, an toàn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của đất nước và trong cuộc sống của người dân. Bổ sung, phát triển toàn diện và sâu sắc hơn nội hàm, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, gồm cả bảo vệ "an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh". Ðây là quan điểm nhân văn, tiến bộ của Ðảng, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tổng thể đường lối phát triển đất nước mà Ðại hội XIII của Ðảng đề ra, tăng cường an ninh, quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước, của toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Ðảng, là "kim chỉ nam" trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bám sát và quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm của Ðảng về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia, lực lượng công an nhân dân luôn giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với công tác công an nói chung, công tác bảo đảm an ninh quốc gia nói riêng; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với quân đội nhân dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ, ngành, địa phương; không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác và xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ðã chủ động tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường quan hệ đối ngoại. Ðồng thời, đã chỉ đạo giải quyết kịp thời, xử lý có hiệu quả những vấn đề chiến lược, cấp bách, phức tạp nổi lên trên lĩnh vực an ninh; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; kiềm chế gia tăng tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược được bảo đảm; nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tăng cường; góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Thời gian tới, tình hình an ninh, trật tự tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Trong nước, còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là tác động tiêu cực của các vấn đề an ninh phi truyền thống, hệ quả của dịch Covid-19; âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm gia tăng hoạt động, triệt để lợi dụng không gian mạng, vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "tự do ngôn luận", "tự do báo chí", "tôn giáo, dân tộc" để chống phá Ðảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… Những vấn đề nêu trên nếu không được quan tâm đúng mức sẽ trở thành những nguy cơ lớn đối với an ninh, lợi ích quốc gia trong nhiều năm tiếp theo.

Bối cảnh tình hình trên đòi hỏi tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm của Ðảng về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước hết phải thống nhất nhận thức trong toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân và hệ thống chính trị về bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp chung, đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, là cuộc đấu tranh toàn diện nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm.

Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia. Ðây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc, yếu tố quyết định giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm lợi ích, an ninh, an toàn của đất nước và nhân dân trong mọi tình huống.

Ðảng ta xác định mục tiêu cao nhất trong bảo vệ an ninh quốc gia là người dân được thụ hưởng cuộc sống an toàn, hạnh phúc; bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia. Do đó, cần tiếp tục đổi mới các mặt công tác, chủ động nắm, dự báo tình hình, theo dõi, đánh giá, dự báo những tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực, sự điều chỉnh chiến lược của các quốc gia có liên quan an ninh và lợi ích của Việt Nam để tham mưu với Ðảng, Nhà nước có chủ trương, giải pháp phù hợp; phải chủ động xây dựng, triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp, phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới quốc gia. "Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa"; "phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến"; lấy "chủ động phòng ngừa là chính".

Tập trung tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia theo quan điểm "an ninh toàn diện" và "an ninh chủ động". Thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả quan điểm của Ðảng về "bảo đảm an ninh con người". Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, nhất là đối với các dự án đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu, hoạt động tác động thể chế, chính sách pháp luật, can thiệp nội bộ, thông qua kinh tế chuyển hóa chính trị, hỗ trợ, hậu thuẫn hoạt động chống đối ở trong nước của các thế lực thù địch, phản động. Bảo đảm vững chắc an ninh mạng, an ninh quá trình thực thi các cam kết tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là thực hiện các cam kết về tổ chức đại diện.

Chủ động tham mưu, phát huy cao nhất mối quan hệ, hiệp đồng chặt chẽ với quân đội nhân dân, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia; tập trung thực hiện các đề án, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các vùng theo tinh thần các nghị quyết đề ra tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII); tập trung xử lý, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân gắn kết chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc.

Ðảng ta nhấn mạnh, để bảo vệ an ninh quốc gia phải "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về an ninh phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc"; "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế". Do đó, lực lượng công an nhân dân phải nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia; có đối sách thích ứng với từng đối tượng, từng tình huống cụ thể trên tinh thần "thêm bạn, bớt thù", "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" mà Nghị quyết số 28-NQ/TW (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã chỉ rõ. Theo đó, những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh; đấu tranh trên những mặt còn khác biệt và hợp tác trên những mặt có cùng lợi ích. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam, góp phần phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, toàn diện, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị; tăng cường tiềm lực, trang thiết bị, phương tiện và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia là lực lượng tuyệt đối trung thành với Ðảng, Nhà nước và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng; đoàn kết, thống nhất; kỷ luật nghiêm minh; mưu trí sáng tạo; khôn khéo, dũng cảm trong đấu tranh với kẻ địch và tội phạm. Trong bất cứ tình huống nào cũng luôn đặc biệt coi trọng, kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân, bảo vệ danh dự, uy tín và truyền thống quý báu của lực lượng công an nhân dân./.

Thượng tướng Lương Tam Quang

Ủy viên Trung ương Ðảng, Thứ trưởng Công an

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: