Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định: Nêu gương là phương thức lãnh đạo quan trọng, đồng thời là truyền thống quý báu của Đảng. Thế nhưng thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV) vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Do đó, làm gì để đội ngũ CBĐV của Đảng thực hành nêu gương tốt, thực chất trong điều kiện mới, là câu hỏi lớn đối với toàn Đảng nói chung, mỗi tổ chức đảng nói riêng.

Bài 1: Báo động tệ bêu gương

Thực tiễn đang nảy sinh một vấn đề đáng báo động, là cùng với thực hành nêu gương tốt của CBĐV, thì vẫn còn đó các biểu hiện nêu gương giả tạo, trá hình, nhất là tệ bêu gương... cần sớm nhận diện, đẩy lùi.

Biến nêu gương thành bêu gương

doi moi phuong thuc dang 1
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Không khó nhận thấy, ở nhiều vụ án hình sự vừa qua, các cựu quan chức hoặc đương chức thường có phát ngôn "mạnh miệng" hòng chứng tỏ sự trong sạch của mình trước khi vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra lại phát hiện họ "nói một đằng, làm một nẻo", cố tình nêu gương giả tạo, dối trên, lừa dưới, lấp liếm dư luận. Có không ít trường hợp luôn miệng kêu gọi nêu gương, tung hô việc học và làm theo gương Bác Hồ, nhưng chính mình lại trượt dài xuống con dốc suy thoái, biến chất; tự tay ký những quyết định gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Lại có những quan chức trước khi bị “phát hiện” vẫn rêu rao đạo lý, răn dạy cách sống thanh liêm, vì nước, vì dân, nhưng bỗng “ngã chân” nhận hối lộ hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, sống xa hoa, thừa thãi...

Trong nhiều năm qua, tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật có xu hướng tăng lên. Đáng nói là trước khi nhúng chàm, cán bộ vẫn là những cá nhân có nhiều thành tích, thậm chí được phong tặng danh hiệu anh hùng và nhận các phần thưởng cao quý. Họ vẫn được ghi nhận là những cán bộ mẫu mực nêu gương sáng. Thế nhưng, trong thoáng chốc, những tấm gương sáng kia bỗng thành gương vỡ và việc nêu gương chuyển sang tệ bêu gương. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 2 chủ tịch, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; 4 nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy; 20 sĩ quan cấp tướng...

Vậy tại sao những cán bộ cấp cao, những người đứng đầu, chủ trì, chủ chốt-là vốn quý của Đảng lại dính chàm nhiều như vậy? Liệu rằng, ngày thường sống, công tác, họ đã thật sự nêu gương? Và họ “nêu gương” bằng cách nào lại có thể qua mắt được tổ chức và quần chúng?

Chắc chắn là họ không nêu gương! Vì nếu thực hành nêu gương tốt thì đương nhiên cán bộ sẽ trở thành công bộc mực thước để cấp dưới và quần chúng học tập, noi theo. Đương nhiên, họ sẽ được tổ chức, tập thể kính trọng và suy tôn, biết cách bảo vệ họ trước sự mời gọi của chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân; níu giữ chân họ tránh bị sa ngã trước vực thẳm của những biểu hiện suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những người không thực hành nêu gương, hoặc ẩn mình dưới lớp vỏ của một tấm gương sáng nhưng không thực chất, bị trá hình, thì chắc chắn đó là cán bộ kém và xấu. Không trước thì sau, không mau thì muộn, cán bộ sẽ phạm phải kỷ luật, rơi vào vòng lao lý. Nhiều người đã bị xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh là tất yếu. Thế nhưng, xem ra sức mạnh răn đe của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước vẫn chưa đủ sức ngăn cản nhiều người lao theo tiếng gọi của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, trượt dài xuống con dốc suy thoái, biến chất...

Hơn thế, dư luận còn lo ngại, việc bêu gương đang diễn ra ngày càng tràn lan, phức tạp. Ví như vụ việc tiêu cực liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, có đến hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Trung ương, cán bộ ngành y tế, sĩ quan cao cấp lực lượng vũ trang... liều lĩnh bắt tay nhau để trục lợi từ đại dịch. Cho đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng chục vụ án, hàng trăm bị can với hàng loạt tội danh... Điều ấy cho thấy, không chỉ nêu gương có sức lan tỏa, mà sự bêu gương cũng có sự lây lan không nhỏ trong đời sống xã hội.

Hệ quả khôn lường

Mới đây, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ công khai những “con số biết nói”, khiến nhiều người không khỏi lo nghĩ, chạnh lòng. Ấy là trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 20.300 đảng viên, công chức, viên chức bị các cấp và cơ quan chức năng xử lý kỷ luật, có trường hợp xử lý hình sự. Số lượng này chiếm đến 1% tổng số công chức, viên chức cả nước.

Thật sự giật mình khi đón nhận con số 1% ấy. Có đến ngần ấy cán bộ vi phạm kỷ luật, nghĩa là cũng không nêu gương trước quần chúng, không làm tròn bổn phận trước Đảng, trước dân. Thế nhưng, liệu con số tổng hợp bước đầu kia đã phản ánh đầy đủ thực tế nêu gương và chấp hành kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức. Vẫn còn phổ biến những cán bộ tuy không vi phạm kỷ luật nhưng ít nhiều lại rơi vào các biểu hiện suy thoái, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống; phạm phải các dấu hiệu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Và do đó, họ chưa thể thực hành nêu gương một cách đúng nghĩa, đầy đủ!

Dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu rằng thời gian qua, kết quả nêu gương trong Đảng có đạt thực chất? Việc tổ chức phong trào nêu gương và thực hành nêu gương có được triển khai hiệu quả trên thực tế?...

Trả lời đầu cuối những câu hỏi ấy không phải việc đơn giản. Thế nhưng, đây là vấn đề đã được các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng nghiêm túc đề cập, tranh luận tại nhiều hội nghị Trung ương gần đây. Sau bàn thảo thẳng thắn, quyết liệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021, chỉ rõ: “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của CBĐV, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên; một số CBĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, nhấn mạnh: “Một bộ phận CBĐV thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng”... Những nhận định trên cho thấy rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật của Đảng trong công tác xây dựng Đảng nói chung; thực trạng thực hiện quy định nêu gương của đội ngũ CBĐV nói riêng.

Bàn về tác hại của việc không thực hành nêu gương, nêu gương không thực chất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Những "ông quan" nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ Nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ... thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân”. Lần khác, Tổng Bí thư dẫn hai câu thơ khuyết danh với tinh thần phê bình nghiêm khắc: "Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào" và rằng nếu anh không nêu gương tốt thì anh chưa phải là cán bộ tốt, không xứng đáng là cán bộ của Đảng.

Quả đúng vậy. Đó là những hệ quả, hệ lụy khôn lường nếu cán bộ, nhất là người đứng đầu chưa thực hành nêu gương, hoặc nêu gương thiếu thực chất, nêu gương trá hình, rơi vào tệ bêu gương.

Làm mất uy tín của Đảng, gây mất niềm tin của nhân dân là tội đồ của cách mạng, gây phương hại trực tiếp đến vai trò, sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội của Đảng; bôi nhọ tính ưu việt của chế độ XHCN; thậm chí còn là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Hơn 30 năm trước, khi các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, một nguyên nhân cốt tử được đúc rút là bởi bộ phận lớn cán bộ quan chức nhà nước rơi vào quan liêu, hách dịch, xa dân; không còn là đại diện của giai cấp công nhân; không đúng nghĩa là những chiến sĩ cộng sản mực thước nêu gương trước quần chúng lao động.

Ở nước ta, nhiều điểm nóng diễn ra, như: Thái Bình (1997), Tây Nguyên (2001, 2004), Bình Thuận (2018) và một số nơi khác... cũng có phần nguyên nhân từ việc một bộ phận CBĐV ở nơi đó chưa nêu gương trước quần chúng, sống xa dân, gây mất niềm tin với dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội... Đó là bài học thấm thía trong vận hành, thực thi phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương.

Ở góc độ tổ chức, nơi nào người đứng đầu nêu gương tốt thì tập thể nơi ấy sẽ tiến bộ, phát triển; nơi nào cán bộ không nêu gương, chưa nêu gương, nêu gương giả tạo... thì ngành đó, cơ quan đó, địa phương đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín; đội ngũ cán bộ ở đó cũng dần xuất hiện những biểu hiện “theo đóm ăn tàn”, “học theo” những phẩm chất chưa tốt và hành vi xấu của người đứng đầu hư hỏng. Có nghĩa, tệ bêu gương có thể lấn át, tạo nên những hệ lụy gây lu mờ, giảm thiểu sức cảm hóa, lan tỏa của sự nêu gương.

Đặc biệt, một khi cấp dưới, nhân dân mất niềm tin về đội ngũ cán bộ, không thấy rõ hiệu quả thực hành nêu gương, thì dù trên thực tế có những tấm gương tiêu biểu thật sự, thực chất, được tôn vinh, khen thưởng, thì quần chúng cũng trở nên khó tin, hoặc chỉ tin nửa vời...

“Cán bộ nào, phong trào đó”, “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”. Bởi thế, việc nêu gương của cán bộ trước cấp dưới và quần chúng cần phải được vực dậy một cách thực chất, rộng khắp. Phải hiện thực cho bằng được phần việc đó để dân nghe, dân tin, dân theo; bằng không: “Làm gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự báo, cảnh tỉnh.

“Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ"-Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 (còn nữa)

NGUYỄN TẤN TUÂN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (St)

Bài viết khác: