Tuyên truyền chính trị được sử dụng bằng nhiều phương thức khác nhau. Với đặc điểm thông tin nhanh, độ lan tỏa rộng, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nếu được tận dụng một cách phù hợp, sẽ góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội và sự phát triển của đất nước.
1- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tuyên truyền là “đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”(1). Như vậy, tuyên truyền là giải thích để mọi người hiểu một vấn đề nào đó, qua đó, thuyết phục mọi người ủng hộ, tán thành và làm theo.
Tuyên truyền chính trị là hoạt động của các giai cấp, đảng phái, nhà nước giải thích, thuyết phục mọi người ủng hộ, tán thành và làm theo tư tưởng, các hoạt động của giai cấp, đảng phái, nhà nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định.
Chính vì giải thích, thuyết phục mọi người ủng hộ, tán thành đường lối, tư tưởng và hoạt động chính trị nên tuyên truyền chính trị có vai trò quan trọng trong các hoạt động tuyên truyền. Nếu người dân không hiểu, không tin vào chủ trương, quan điểm, đường lối, hoạt động chính trị của một giai cấp, một đảng phái, hay một nhà nước thì sẽ thờ ơ hoặc không ủng hộ, dẫn đến sự thất bại của chủ trương, đường lối và rốt cục, dẫn đến thất bại trong hoạt động thực tiễn của giai cấp, chính đảng, nhà nước. Đánh giá về vai trò của công tác tuyên truyền chính trị, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(2).
Trong bối cảnh hiện nay, tuyên truyền chính trị ở nước ta tập trung chủ yếu vào các nội dung sau: Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tuyên truyền các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế. Các nội dung tuyên truyền chính trị giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả những chính sách đang thực hiện và những mục tiêu đang hướng tới. Nếu người dân hiểu, nhận thức rõ các chủ trương, đường lối, chính sách đó sẽ tin tưởng, ủng hộ; tạo sự thống nhất cao trong hành động, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước theo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
Tuyên truyền chính trị hiện nay có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua sách, báo…; trong đó, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỷ nguyên số, việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội là một hình thức truyên truyền cần thiết phải sử dụng.
Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baovephapluat.vn
2- Các phương tiện truyền thông xã hội được coi là dịch vụ kết nối các thành viên tham gia với nhau trên môi trường không gian mạng với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Các phương tiện truyền thông xã hội tương tác bằng cách thêm bạn, nhận xét về các thông tin cá nhân, gia nhập các nhóm và thảo luận, có nhiều tính năng kết nối liên thông đa ứng dụng để người sử dụng chia sẻ thông tin, như chat, bình luận, email. Các phương tiện truyền thông xã hội đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người trên thế giới(3). Ở Việt Nam hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội nổi tiếng ngoài nước và trong nước đang được nhiều người sử dụng, như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, Zing Me… Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số lượng người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đông đảo; đến tháng 1-2021, có 68,72 triệu người dùng internet, trong đó có 72 triệu người dùng các phương tiện truyền thông xã hội trên khoảng 98,7 triệu dân số(4). Với đặc tính dễ kết nối, dễ chia sẻ, dễ tương tác, ẩn danh và nhiều người sử dụng, nên sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tuyên truyền chính trị đem đến cả khía cạnh tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực: Một là, nhờ đặc điểm thông tin nhanh chóng, thuận tiện hơn so với cách thức tuyên truyền truyền thống, phù hợp với các tầng lớp nhân dân, kể cả người dân vùng sâu, vùng xa, trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông xã hội góp phần tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, những ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, những anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa đất nước, các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội Facebook, Zalo… để tuyên truyền và thu hút được một lượng lớn công chúng theo dõi, như fanpage trang “Thông tin Chính phủ” trên Facebook có 3,5 triệu người theo dõi. Nhờ đó, các tầng lớp nhân dân Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thấy rõ được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; qua đó, đồng tình, ủng hộ đường lối đổi mới đất nước.
Hai là, góp phần tập hợp quần chúng, tạo nên những phong trào chính trị rộng khắp. Nhờ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều phong trào chính trị được lan tỏa và thực hiện thành công, chẳng hạn như Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” do VTV Digital triển khai chuyên biệt trên các nền tảng số hướng tới các cử tri trẻ, nhân sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chiến dịch đã có gần 45 triệu lượt xem và tương tác sôi nổi. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, không ít cử tri trẻ cho biết, chiến dịch này đã giúp các bạn nhận thức rõ hơn về sự kiện bầu cử và đã quyết định đi bầu để thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước(5).
Ba là, với đặc điểm là có sự tương tác giữa chủ thể truyền tin và công chúng tiếp nhận, đo lường được những vấn đề mà công chúng quan tâm, các phương tiện truyền thông xã hội dễ nắm bắt được xu hướng, nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân, qua đó, góp phần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề mang tính nhạy cảm, cần thông tin kịp thời. Chẳng hạn như trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong năm 2020 và năm 2021, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra đời đã thu hút, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong khó khăn của dịch bệnh. Tính đến ngày 29-10-2021, Chương trình đã thu hút 11.270.000 tổng lượt người xem; tổng số lượt bình luận trực tiếp tại chương trình là 5.211.228 lượt. Qua đó, các cơ quan, đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận được nhiều thông tin từ người dân để phục vụ cho công tác điều hành, quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực. Đồng thời, thông qua Chương trình, lãnh đạo Thành phố có thêm thông tin để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, mong muốn của người dân, từ đó điều chỉnh, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong người dân, doanh nghiệp(6).
Bốn là, các phương tiện truyền thông xã hội góp phần cổ vũ những tấm gương người tốt, việc tốt, tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội; đồng thời, phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn các thông tin xấu, thất thiệt, tin giả. Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần trong việc chia sẻ các thông tin tích cực, ngăn chặn, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; góp phần nâng cao nhận thức, hành vi chính trị cho các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông xã hội cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng người dân. Một là, thông tin xấu, độc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội, xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số đối tượng sử dụng tài khoản mạo danh bịa đặt, vu cáo, kích động chống Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, kêu gọi biểu tình, tụ tập tạo điểm nóng, đánh lừa dư luận… gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; ảnh hưởng đến niềm tin của thế hệ trẻ nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Hai là, việc đưa những thông tin thất thiệt, mang tính tiêu cực, giật gân, câu view, gây hoang mang đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, như việc một số cá nhân, trang mạng đưa tin thất thiệt, không chính xác về dịch bệnh COVID-19, thành lập các hội, đoàn trái quy định của pháp luật…
Nguyên nhân của tình trạng trên là một số cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội chưa thấy rõ được vị trí, vai trò của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tuyên truyền chính trị; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; việc đưa thông tin chính thống đôi lúc còn chậm, chưa kịp thời; nhận thức của người dân trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội chưa cao; quản lý các phương tiện truyền thông xã hội còn bất cập; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta; đối tượng thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội sử dụng công nghệ hiện đại thường ẩn danh, mạo danh, thay đổi phương thức phát tin, gây khó khăn trong truy vết…
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đối thoại với người dân trên chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”_Nguồn: dangcongsan.vn.
3- Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tuyên truyền chính trị, cần thực hiện số giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Các cấp ủy cần coi việc tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội là một nhiệm vụ quan trọng. Đưa việc tuyên truyền chính trị, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của Việt Nam… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong truyền thông chính sách. Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, những vấn đề lý luận cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho các hội viên, quần chúng, bằng các hình thức phù hợp. Nâng cao hiệu quả trong phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; giúp cho các hội viên, quần chúng nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, thấy rõ bản chất những luận điểm xuyên tạc. Các cán bộ, đảng viên, tùy vị trí công tác, cần chia sẻ, đưa thông tin đúng, chính xác về sự phát triển của Việt Nam; đấu tranh, lên án với những thông tin sai trái, phản động. Việc tuyên truyền của các cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội cần làm thường xuyên, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, không để trống “trận địa” để các tin xấu, độc len lỏi, hoành hành.
Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực”(7). Theo đó, cần thường xuyên cung cấp thông tin chính thống trên các phương tiện truyền thông xã hội, sử dụng diễn đàn trực tuyến để tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông tin những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; các anh hùng trong lịch sử và những tấm gương người tốt, việc tốt; chú trọng tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; định hướng giá trị và hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay; phê phán, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đối tượng tuyên truyền chính trị rất đa dạng, gồm những người dân Việt Nam có sự khác biệt về giới tính, lứa tuổi, ngành nghề làm việc, khu vực sinh sống, trình độ văn hóa…. Điều đó đặt ra vấn đề cần có hình thức truyên truyền khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”. Theo đó, cần tìm ra những nét đặc thù của mỗi đối tượng, tầng lớp, khu vực để có phương thức tuyên truyền cho phù hợp. Chẳng hạn, với đối tượng sinh viên, thanh niên, tuổi đời còn trẻ, có thể sử dụng các công nghệ hiện đại, các bài viết, hình ảnh, âm thanh sinh động phù hợp với tâm lý lứa tuổi để tuyên truyền. Với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thông điệp truyền thông chính trị cần ngắn, gọn, dễ hiểu, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào.
Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong tuyên truyền chính trị. Tuyên truyền tốt thì phải thực hiện tốt, nói đi đôi với làm, có như vậy thì quần chúng mới noi theo; nếu không thì sẽ phản tác dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(8), bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(9). Đồng thời, chú trọng tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu; tận dụng những người có ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội (KOL) để dẫn dắt, định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp. Trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các ban, bộ, ngành trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tuyên truyền chính trị, để có sự phối kết hợp hiệu quả.
Thứ ba, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tâm lý các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó, xây dựng chương trình tuyên truyền phù hợp; đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy tuyên truyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”. Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”(10). Do đó, cần theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, những vấn đề mới xuất hiện trong đời sống chính trị, kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân, để trên cơ sở đó, có những biện pháp tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, tăng cường đối thoại để nắm chắc tình hình trong nhân dân, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh. Đây cũng là thế mạnh của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong tuyên truyền chính trị khi có thể lắng nghe, rà quét, đo lường được những luồng thông tin chính mà người dân quan tâm; đồng thời, cũng dễ dàng thực hiện điều tra xã hội học về chất lượng, loại hình thông tin mà người đọc ở các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, khu vực quan tâm.
Kiện toàn tổ chức bộ máy tuyên truyền chính trị tinh gọn, hiệu quả, có sự kết nối giữa các đơn vị, tổ chức thực hiện tuyên truyền. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin(11).
Xây dựng các lực lượng làm công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông xã hội, không chỉ nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận diện rõ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, mà còn cần nắm vững đặc điểm tâm lý của đối tượng tuyên truyền, sử dụng thành thục các phương tiện truyền thông xã hội. Để thực hiện được điều này, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng về cách viết tin, bài, sử dụng, khai thác tối đa các tính năng của các phương tiện truyền thông xã hội; trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho các đơn vị, lực lượng phụ trách.
Thứ tư, tăng cường quản lý đối với các phương tiện truyền thông xã hội, giáo dục ý thức trách nhiệm của nhân dân trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), "Về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17-6-2014, của Chính phủ, “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Thông báo số 17/TB-VPTW, ngày 23-8-2016, của Thường trực Ban Bí thư, “Về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Luật An ninh mạng năm 2018, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (của Hội Nhà báo Việt Nam), Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, của Bộ Thông tin và Truyền thông)… Đồng thời, cần kịp thời định hướng, cung cấp thông tin chính thống, nhất là các vụ việc nhạy cảm, phức tạp được dư luận quan tâm. Các phương tiện truyền thông xã hội có tính lan tỏa nhanh, nên các cơ quan quản lý cần kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu nhanh chóng, kịp thời; nhận diện rõ những phương thức, thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội xuyên biên giới, bảo đảm an ninh mạng; chấn chỉnh, có chế tài xử lý đối với những người có hành vi vi phạm, đưa thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội; xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phát tán thông tin sai lệch, có nội dung vu khống về sự phát triển của Việt Nam. Có biện pháp ngăn chặn, triệt phá, vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên các phương tiện truyền thông xã hội…
Có thể thấy, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại trên các phương tiện truyền thông xã hội là cần thiết. Song, cần thiết và quan trọng hơn là nâng cao khả năng “tự miễn nhiễm” của người dân trước các thông tin xấu, độc hại trên các phương tiên truyền thông xã hội. Hiện nay, một bộ phận nhân dân thường chia sẻ thông tin giật gân, tiêu cực trên các phương tiện truyền thông xã hội, mà không nhận thức rõ được hậu quả của những hành vi sai trái đó. Do đó, để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, tiếp cận và xử lý thông tin một cách đúng đắn cho người dân, cần nâng cao nhận thức chính trị cho các tầng lớp nhân dân trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, trong tiếp nhận, xử lý thông tin, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Khuyến khích nhân dân đưa thông tin tích cực, những việc làm tốt trong xã hội; xây dựng hội, nhóm tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội .
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế.
Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia, tổ chức trên thế giới trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền chính trị; qua đó, cũng góp phần giới thiệu những thành tựu phát triển của Việt Nam; phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm mạng xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội quốc tế để gỡ bỏ, ngăn chặn các tin xấu, độc hại, vi phạm pháp luật và thuần phong, mỹ tục của dân tộc./.
PGS, TS. CAO THU HẰNG - PGS, TS. LÊ TRỌNG TUYẾN
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Cộng sản
Tâm Trang (st)
---------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 191
(2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 36, tr. 208
(3) Xem: Lê Hải: Phương tiện truyền thông xã hội với giới trẻ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 27
(4) “Báo cáo Việt Nam Digital 2021”, http://digitalvn.vn/vi/viet-nam-digital-2021/
(5) Xem: Lệ Quyên, Mỹ Dân: “Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” đạt gần 45 triệu view trên các nền tảng số”, Báo Điện tử VTV News, ngày 25-5-2021, https://vtv.vn/xa-hoi/chien-dich-toi-di-bau-cu-dat-gan-45-trieu-view-tren-cac-nen-tang-so-20210525184213921.htm
(6) Xem: Phạm Quý Trọng: “Hiệu quả từ chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời””, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 29-11-2021, https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/hieu-qua-tu-chuong-trinh-dan-hoi-thanh-pho-tra-loi-136898
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 191
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 126
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 288
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 272