Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025. Đây là nhiệm vụ chính trị lớn mà các ban, bộ, ngành cùng toàn thể nhân dân phải đề cao tinh thần trách nhiệm để thực thi. Ngành giáo dục sẽ là lực lượng chủ công trong triển khai nhiệm vụ.

Mấy năm qua, kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, ngành giáo dục đã có những cố gắng, đạt được thành quả tốt, góp phần vào sự phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa... Tuy nhiên, mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Sang năm 2023, việc phát triển giáo dục - đào tạo cần có nhiều sáng tạo trên nền tảng tư duy phản biện và tư duy hệ thống, tránh đi vào đường mòn của giáo dục truyền thống, không bắt kịp với xu thế phát triển của giáo dục trong thế giới hiện đại.

Năm 2023, những trẻ nhỏ lứa đầu của thế hệ Alpha (thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian 2013-2027) đã tới trường THCS. Thế hệ này được thế giới gọi vui là “thế hệ kính”, “thế hệ màn hình”, bởi ngay từ khi lọt lòng, các cháu đã sống trong những thiết bị thông minh với những màn hình của ti vi, của điện thoại di động... Nhiều trẻ khi biết cầm đồ chơi, trên tay đã có chiếc điện thoại thông minh mà bố hoặc mẹ đưa cho. Trong khi đó, lứa đầu của thế hệ Z (thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian 1997-2012) đã tham gia vào hệ thống lao động-nghề nghiệp. Những đứa trẻ thế hệ Alpha đang cần được "tắm mình" trong môi trường số để học hành và phát triển tâm hồn và thể lực. Những thiếu niên lứa tuổi Z đang cần một nhà trường hiện đại gắn với cuộc sống bên ngoài sinh động, cần một chương trình hướng nghiệp, làm quen với thế giới nghề nghiệp trong xã hội công nghệ. Còn thanh niên thế hệ này cần có tri thức khởi nghiệp và lập nghiệp, cần những tri thức về cuộc sống hiện đại, chứ không cần học thuộc lòng sách giáo khoa rồi đi thi cấp huyện, cấp tỉnh để rồi ra trường không thể tạo ra cho mình một việc làm hoặc không làm nổi một doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ.

Còn người lớn thì nghĩ gì?

Giáo viên cần được học về các vấn đề khoa học và công nghệ và những kỹ năng để làm việc trong điều kiện nhà trường chuyển đổi số. Họ không thích soạn giáo án theo mẫu, thi giáo viên dạy giỏi và học trong các lớp bồi dưỡng, lấy giấy chứng nhận để xếp loại giáo viên giỏi, khá. Họ cần có năng lực sáng tạo để dạy những lớp trẻ ngày càng thông minh, hoạt bát và không chấp nhận giáo dục khuôn mẫu, cứng nhắc, được đào tạo đồng đều trong khi chương trình dạy học lại tuyên bố phát triển năng lực cá nhân, lấy người học làm trung tâm.

Hiện có khoảng 300 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, hơn 16 triệu công nhân kỹ thuật và lao động tự do ở đô thị, gần 37 triệu nông dân và lao động nông thôn cùng hàng triệu người thuộc các doanh nghiệp đang cần những tri thức và kỹ năng mới để có năng lực sống và làm việc trong hệ thống sản xuất ngày càng thông minh. Với họ, nếu không thường xuyên học hỏi, xóa mù chức năng, năng động và sáng tạo sẽ không thể trở thành những lao động tại chỗ thích ứng với môi trường số.

giao duc
Biểu diễn nghệ thuật nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022) của ngành giáo dục. Ảnh: MINH THU.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay cần có thái độ nghiêm túc vượt qua cách nghĩ, cách làm giáo dục truyền thống, hòa nhập vào hệ thống giáo dục mở của thế giới hiện đại. Chỉ có theo hướng “mở”, chúng ta mới tháo gỡ được những rào cản về tài chính, kỹ thuật và những chính sách khép kín có trong không ít văn bản, và cũng cần tháo dỡ những rào cản trong tư duy giáo dục hiện nay. Cái mô thức tư duy lỗi thời ấy một mặt nó làm cho giáo dục cố thủ về cách làm lấy thi cử làm trọng, lấy nhồi nhét những kiến thức sách vở làm nền tảng, lấy sách giáo khoa như một mẫu mực về hiểu biết cần truyền lại cho học sinh. Mặt khác, rất mâu thuẫn với mô thức tư duy cổ điển ấy lại có khuynh hướng bắt chước nước ngoài, bất kể sự khác biệt của chúng ta với nhiều quốc gia về truyền thống, lối sống, văn hóa học đường, điều kiện sống của dân chúng cũng như về trình độ của nền sản xuất hiện nay. Cách nghĩ, cách làm nói trên đã tạo ra một nền giáo dục “đắt đỏ” với mức học phí mà những nông dân, công nhân, lao động thủ công và người có việc làm bấp bênh gọi là mức phí “trên trời”, con cái họ chỉ có thể đứng ngoài để chiêm ngưỡng trường đại học. Nhưng, với giá đắt đỏ ấy, nhiều trường của chúng ta lại không bảo đảm chất lượng thật, học thật, tài thật như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đã có những ý kiến chỉ đạo chuyển mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mở, có nghĩa là, chuyển sang một xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập là xu thế tất yếu của giáo dục trên toàn thế giới. Cho dù cách thiết kế mô hình xã hội học tập giữa các quốc gia có khác nhau, nhưng nó có mẫu số chung là thực hiện học tập suốt đời trong nhân dân, thúc đẩy người dân tham gia học tập để có tri thức và kỹ năng làm việc với một nền sản xuất không chấp nhận trình độ học vấn trung học của người lao động. Xã hội học tập đòi hỏi con người phải truy cập thường xuyên những tri thức trong cuộc sống muôn màu và đặc biệt là những tri thức trên internet.

Việc học tập suốt đời đòi hỏi con người phải sử dụng được những công nghệ học tập hiện đại trên nền tảng phát triển năng lực số và văn hóa học tập suốt đời.

Học tập suốt đời là điều kiện cơ bản để Nhà nước trao quyền cho công dân trong việc giải quyết những khó khăn về kinh tế, những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và ứng phó có hiệu quả với nguy cơ của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Hơn bao giờ hết, giáo dục phải có chương trình đào tạo về khởi nghiệp và lập nghiệp, phải trang bị cho học sinh, sinh viên và người lớn phương thức tự học, học tập với những phương pháp kiến tạo, với nội dung khai phóng để mỗi người sống an toàn trong thế giới VUCA-với môi trường sản xuất hiện đại nhưng cũng đầy biến động và sóng gió, khó lường.

Ngày 3-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Đến nay, mô hình này đã được thử nghiệm với Bộ tiêu chí đánh giá do Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu và đề xuất. Nhiều nhà khoa học và quản lý giáo dục đã góp ý xây dựng, đã cùng Hội Khuyến học Việt Nam hoàn chỉnh.

Một số trường đại học, nhất là Trường Đại học Mở Hà Nội đã có chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập” cho cán bộ giảng dạy và sinh viên. Song, trong hệ thống giáo dục phổ thông, các thầy cô giáo hầu như vẫn chưa được cơ quan quản lý của ngành hướng dẫn tham gia. Giáo viên không đạt danh hiệu “Công dân học tập” thì chắc học sinh sẽ không có ấn tượng về mẫu người này.

Năm mới 2023 đã đến, mong rằng, ngành giáo dục quan tâm đến những vấn đề trên để diện mạo giáo dục của chúng ta có những khởi sắc mới./.

GS, TS PHẠM TẤT DONG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: