Cuộc đàm phán Paris là lâu dài và gian khổ nhất, bởi bản chất cuộc đàm phán là cuộc đấu trí, đấu mưu, phải phối hợp nhịp nhàng giữa quân sự và ngoại giao, giữa chiến trường và hội nghị. Để chiến thắng trên bàn hội nghị, đòi hỏi hai đoàn đàm phán của Việt Nam phải phối hợp ăn ý, “tuy hai mà một”, phải biết vận dụng khéo léo nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm”...
Phối hợp ăn ý
Ở tuổi 94 nhưng nhà báo Hà Đăng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn rất mẫn tiệp và nhớ từng chi tiết về cuộc đàm phán ở Paris cách đây nửa thế kỷ. Ông cho biết, tại Hội nghị Paris, nước Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, cứu nước có hai đoàn đàm phán: Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó đổi là Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
“Việc trên bàn hội nghị chúng ta có hai đoàn, “tuy hai mà một” ở vị trí khác nhau nhưng cùng một mục tiêu, tạo cho chúng ta nhiều ưu thế để phối hợp đấu tranh”, nhà báo Hà Đăng nhận định.
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm ngày 16-3-1966, hai đoàn của Việt Nam đã thể hiện xuất sắc vai trò và vị trí của mình. Hai đoàn có sự phân công và phối hợp nhịp nhàng trong toàn bộ quá trình đàm phán, từ việc xác định đấu pháp cho từng thời kỳ, từng phiên họp cho đến việc đưa ra sáng kiến về giải pháp tại diễn đàn công khai hay tại các cuộc gặp riêng...
Là thành viên đoàn đàm phán, nhà báo Hà Đăng được giao nhiệm vụ khởi thảo các bài diễn văn cho Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình. Ông kể: “Tuy Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là hai đoàn riêng biệt, nhưng mỗi tuần hai đoàn lại họp chung một lần. Các cuộc họp của Hội nghị Paris diễn ra vào thứ năm hằng tuần, kéo dài nhiều giờ, thậm chí có ngày họp từ 10 giờ đến 17, 18 giờ. Sau cuộc họp căng thẳng đó, ngày hôm sau, hai phái đoàn của ta gặp nhau tại Choisy-le-Roi - nơi đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở - để đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về cuộc đấu tranh tại hội nghị hôm thứ năm như thế nào, đồng thời định hướng cho cuộc họp tiếp theo.
Ngay tối thứ sáu, trên tinh thần cuộc họp buổi sáng, tôi chuẩn bị tài liệu để viết bài diễn văn. Thứ bảy và chủ nhật, khi mọi người trong đoàn tỏa đi các hướng để vận động, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân Pháp và bà con kiều bào thì tôi ngồi trong căn phòng nhỏ cặm cụi viết.
Tôi đưa bản dự thảo diễn văn cho chị Bình xem trước khi gửi nó sang phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào sáng thứ hai để các anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy xem và cho ý kiến. Nếu cần phải sửa, bổ sung, tôi lại sửa và gửi lại bản thảo vào tối thứ ba cho phái đoàn miền Bắc. Sau khi hai bên nhất trí nội dung, bản thảo diễn văn được mang đi dịch sang tiếng Pháp là ngôn ngữ làm việc tại hội nghị”.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973.
Ảnh: Phòng lưu trữ Bộ Ngoại giao
Theo ông Hà Đăng, khi viết diễn văn đàm phán, ý kiến tập thể rất quan trọng và rất hay, nhưng cũng có lúc lại “10 người 9 ý”, thành ra người viết diễn văn như “làm dâu trăm họ”. Ngồi trầm lặng vài giây, ông chậm rãi kể: “Có lần, tôi viết bài diễn văn xong, được sự thống nhất ý kiến của mọi người trong đoàn, tôi gửi bài sang anh Xuân Thủy và Lê Đức Thọ duyệt.
Bài viết sau đó được chuyển lại với nội dung đã được sửa, trong đó có câu: “Tội ác của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, dù có tát cạn Biển Đông cũng không rửa sạch”. Mọi người trong phái đoàn nghĩ câu này chắc là tôi sửa bởi giọng điệu giống viết báo hơn là bài diễn văn đàm phán. Tôi để mọi người nói hết rồi mới lấy bản thảo có chữ của anh Lê Đức Thọ, và nói: “Đây là ý kiến của anh Lê Đức Thọ”. Mọi người lúc đó ồ lên, vô cùng cảm phục anh Lê Đức Thọ".
Ở Pháp, Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình và một số người trong Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam/ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thu xếp ở Verrières-le-Buisson, nằm ở phía Tây Nam Paris trong suốt gần 5 năm (1968-1973). Còn một số anh em khác ở Massy, ngoại ô Paris.
“Ban đầu, tôi được xếp ở chung với anh em trong một phòng lớn. Để viết bài, tôi thường chui vào phòng nhiếp ảnh của anh Lương Xuân Tâm, tuy tối nhưng tập trung được. Khi tới Massy thăm chỗ ăn ở của anh em, chị Bình yêu cầu bố trí cho tôi một căn buồng nhỏ để thuận tiện cho việc viết lách. Tôi được bố trí ở buồng bếp rộng khoảng 6m2 có giường và bàn làm việc. Tôi đã ở đó 5 năm liền để soạn thảo các bài diễn văn”, nhà báo Hà Đăng nhớ lại.
Nghệ thuật ngoại giao tài tình
Trong suốt quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo lời căn dặn của Bác Hồ đã được lãnh đạo đoàn cùng các thành viên nhận thức sâu sắc và thực hiện nhất quán trong quá trình đàm phán.
“Dĩ bất biến” theo lời dạy của Bác Hồ bao hàm nhiều nội dung. Đó là mục tiêu cần đạt được: Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", “quân Mỹ phải rút ra, còn quân ta ở lại”. Đó là tinh thần độc lập tự chủ và yêu cầu có tính nguyên tắc về sự hợp tác chặt chẽ giữa chính trị với quân sự và ngoại giao, đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, giương cao ngọn cờ chính nghĩa dân tộc với đấu tranh dư luận để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của đối phương, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế thật rộng rãi trên khắp các châu lục nhằm giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Đại diện đoàn đàm phán 4 bên ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu
“Ứng vạn biến” đã được quán triệt và triển khai ở Hội nghị Paris bao quát cả sách lược thỏa hiệp khéo léo và sự nhân nhượng linh hoạt có nguyên tắc để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi từng bước. “Ứng vạn biến” còn là biết tư duy sáng tạo để tìm kiếm những hình thức và biện pháp đoàn kết, đấu tranh phù hợp với từng đối tác, đối tượng trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Khi còn sống, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từng nhấn mạnh rằng, tại Hội nghị Paris, Việt Nam đã khéo léo vận dụng nghệ thuật “đánh-đàm”, tức là nghệ thuật vận dụng đàm phán phục vụ đấu tranh quân sự, chính trị. Đàm phán Paris kéo dài gần 5 năm nhưng thời gian đàm phán thực chất chỉ khoảng 7 tháng (năm 1968: 2 tháng; năm 1972 và 1973: Khoảng 5 tháng). Phần lớn thời gian và công sức dành cho đấu tranh dư luận, phục vụ chiến trường.
Để đạt mục đích đó, hai đoàn đàm phán của Việt Nam duy trì và kết hợp hai diễn đàn, rất coi trọng đấu tranh ở diễn đàn công khai; đồng thời coi trọng cả 3 mặt hoạt động chính của hai đoàn đàm phán là đấu tranh tại phiên họp, vận động báo chí, vận động phong trào.
Trong khi đề cao chính nghĩa và thiện chí của mình, chúng ta không ngừng tố cáo tội ác của Mỹ; phê phán, bác bỏ các thủ đoạn của Mỹ dùng để hạn chế cuộc chiến đấu của ta như đòi hai bên cùng xuống thang, cùng rút quân, khôi phục khu phi quân sự, ngừng bắn toàn Đông Dương... Có thể nói, đàm phán đã hỗ trợ chiến trường khá đắc lực, từ đó giúp chúng ta giành thắng lợi trên cả hai mặt trận ngoại giao và chiến trường./.
(còn nữa)
LINH OANH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)