Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

chinh sach thang 1

1. Luật Kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV. Có một số nội dung nổi bật như sau:

- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm.

- Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn tối đa 100% vốn điều lệ.

- Cắt giảm thủ tục hành chính; tăng tính bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

- Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm.

- Bổ sung quy định về an toàn tài chính.

2. Luật Cảnh sát cơ động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023

Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với cảnh sát cơ động. Trong đó, Luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của cảnh sát cơ động trong việc làm “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”;

Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là “sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố”.

Đáng chú ý, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động.

3. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2024

Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: (i) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả. (ii) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước. (iii) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. (iv) Bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. (v) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. (vi) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (vii) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

4. Luật Điện ảnh (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2023

Luật gồm 8 chương, 50 điều, bổ sung và hoàn thiện nhiều nội dung lớn, như: (i) Quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; (ii) Đổi mới công tác thẩm định, cấp giấy phép trong hoạt động điện ảnh theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh; (iii) Quy định rõ hơn về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; (iv) Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng với nhiều biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế chung của thế giới, khuyến khích phổ biến phim Việt Nam trên truyền hình, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với phổ biến phim trong rạp chiếu phim, quy định về chiếu phim lưu động phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; (v) Quy định cụ thể hình thức phân loại, hiển thị phân loại phim phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam và thông lệ quốc tế; (vi) Mở rộng chủ thể tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; (vii) Quy định lưu chiểu, lưu trữ phim theo hướng tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền sở hữu của chủ sở hữu phim; (viii) Bổ sung quy định về tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh để phát huy vai trò của tổ chức này trong phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. 

5. Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Theo đó, Nghị định bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: Việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: Điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

6. Tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động

Theo đúng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 169 Bộ  luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động sẽ tiếp tục tăng so với năm 2022. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được thực hiện như sau:

- Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 09 tháng (tăng 03 tháng so với năm 2022).

- Lao động nữ: Từ đủ 56 tuổi (tăng 04 tháng so với năm 2022).

Ngoài ra, nếu có yếu tố suy giảm khả năng lao động hoặc có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,…, người lao động có thể được nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi nói trên từ 05 đến 10 năm.

7. Thông tư số 14/2022/TT-NHNN ngày 31/10/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023

Theo đó, việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức. Khi chuyển xếp từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.

Về cách xếp lương, Thông tư nêu rõ, các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

- Ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư 14/2022/TT-NHNN được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

8. Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn các cấp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023

Quy định nêu rõ, đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra công đoàn cơ sở, Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có); Tổ trưởng, Tổ phó công đoàn.

Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở được xác định theo số lượng đoàn viên công đoàn, kết quả nộp đoàn phí công đoàn của năm trước liền kề, thực hiện theo khung số lượng đoàn viên. Đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm Ủy viên Ban chấp hành công đoàn, Ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và thành viên Ban nữ công công đoàn cơ sở.

Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở được xác định theo số lao động bình quân tham gia bảo hiểm xã hội làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong phạm vi đơn vị quản lý của năm liền kề. Cụ thể như sau:

Mức chi phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).

Theo Quyết định, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương gồm Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Ủy viên ủy ban kiểm tra Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công đoàn ngành Trung ương và tương đương;

Hệ số phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ công đoàn cấp tỉnh, cấp Trung ương và tương đương được xác định theo số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân để làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn trong đơn vị quản lý của năm trước. 

Theo đó, số lao động bình quân dưới 300.000 đoàn viên thì hệ số uỷ viên ban chấp hành là 0,40, ủy viên uỷ ban kiểm tra là 0,30. Từ 300.000 đoàn viên trở lên thì hệ số phụ cấp trách nhiệm của ủy viên ban chấp hành là 0,45 và ủy viên ủy ban kiểm tra là 0,35.

9. Nghị định 97/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2022

Theo đó, chính sách áp dụng đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002 như sau:

Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 1 - 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm: không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 3 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu; hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Đối với lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 1 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm: không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH bắt buộc tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.

10. Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023

Theo đó, Nghị định quy định rõ 4 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản (biện pháp bảo đảm) gồm:

(1) Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;

(2) Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

(3) Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

(4) Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm 1, 2 và 3 trên./.

 

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: