Ngày 29-12-1920, cùng với đa số tuyệt đối đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại TP Tours, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ III (Quốc tế Cộng sản do V.I.Lenin thành lập từ tháng 3-1919). Ngay sau đó, thiểu số cánh hữu của Đảng Xã hội Pháp đã rời phòng họp, đa số đại biểu còn ở lại liền quyết định thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những đảng viên sáng lập đảng. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời cũng chính thức ghi nhận việc Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên - một dấu mốc lớn nhất, quan trọng nhất trên hành trình tìm đường cứu nước của Người.

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Ái Quốc có thể nói được khởi đầu từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911) cho đến khi Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ III (29-12-1920). Hai phương diện chính của hành trình đến với chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc:

1. Hoạt động thực tiễn: Dấn thân tích cực vào hoạt động thực tiễn là một đặc điểm cơ bản, nổi bật nhất của toàn bộ quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. Vừa lao động kiếm sống bằng chính sức lực của mình, vừa tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm, rồi vận dụng kinh nghiệm làm cho thực tiễn biến đổi-đó là cách thức hoạt động thực tiễn của Người ngay từ khi rời Bến cảng Nhà Rồng năm 1911 cho đến khi trở thành người đảng viên cộng sản. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung khảo cứu về hoạt động thực tiễn của Người ở Paris từ cuối năm 1917 đến cuối năm 1920, trên 3 loại hình hoạt động chính: Lao động kiếm sống; tham gia các hoạt động xã hội-chính trị ở Pháp; tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam.

Về công việc lao động kiếm sống của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong thời gian từ cuối năm 1917 đến cuối năm 1920, theo như chính Người cho biết thì: “Tôi đi làm thuê ở Pari, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ “đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa” (do một xưởng của người Pháp làm ra)”. Thông tin này là hoàn toàn chính xác, được những nguồn tài liệu độc lập khác như báo cáo của những viên mật thám theo dõi Nguyễn Ái Quốc hồi đó xác nhận. Cuộc sống lao động chân tay vất vả đã trở nên quen thuộc với Người từ khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, bằng nghề phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche-Tréville. Mấy điểm cần nhấn mạnh ở đây là: Với cuộc sống lao động vất vả đó, Nguyễn Ái Quốc đã tự giác “vô sản hóa”, thực sự trải nghiệm cuộc đời lao động của giới cần lao. Thứ hai, mục đích tham gia lao động của Người không chỉ là kiếm sống, trang trải cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của bản thân mà còn nhằm kiếm tiền phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu và tuyên truyền cách mạng.

dang vien 1
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/TTXVN

Loại hình hoạt động thực tiễn thứ hai mà Nguyễn Ái Quốc dấn thân tham gia rất tích cực là các hoạt động chính trị - xã hội ở châu Âu, nước Pháp, đặc biệt là ở Paris. Đây là một sự khác biệt rất lớn, rất căn bản giữa Người và tuyệt đại đa số những người Việt Nam ở Pháp khi đó. Ngay khi vừa đến Paris, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến và tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, như đã nói ở trên - đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Paris. Một trong những câu lạc bộ chính trị mà chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành tham gia đầu tiên, ngay khi vừa “chân ướt chân ráo” đến Paris là Club du Faubourg, một câu lạc bộ của Đảng Xã hội Pháp do Léo Poldès thành lập, ở ngay gần đồi Montmartre-nơi Người tìm được chỗ tạm trú trong một khách sạn nhỏ, bình dị. Léo Poldès đặc biệt ấn tượng với đôi mắt rực sáng của chàng trai trẻ và tinh thần ham học hỏi của anh. Ông nhận ra đằng sau vẻ ngoài rất lịch thiệp, nhã nhặn, có vẻ rụt rè của anh là nghị lực phi thường. Chính nhờ tham gia tích cực trong các câu lạc bộ cấp tiến và các cuộc hội họp của Đảng Xã hội Pháp mà Nguyễn Tất Thành đã gặp và kết bạn thân thiết với những nhà hoạt động nổi tiếng, những văn sĩ lừng danh như: Paul Louis, Jacques Doriot và Henri Barbusse.

Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, lại luôn luôn gắn chặt việc tìm hiểu lý luận với việc tổng kết, đối chiếu với kinh nghiệm thực tiễn đã đúc rút được trong thời gian bôn ba khắp các châu lục, nhận thức của Nguyễn Ái Quốc trưởng thành rất nhanh chóng. Người cũng tham gia tích cực vào các hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Quyền dân sự Pháp (Ligue des Droits de l’Homme)... Thông qua hoạt động thực tiễn, Người còn học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ cách thức tổ chức một chính đảng từ cấp cơ sở (chi bộ) cho tới cấp trung ương; kỹ năng tranh biện, diễn thuyết chính trị. Từ một người rụt rè, hồi hộp, lắp bắp trình bày ý nghĩ còn rời rạc của mình trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ hồi cuối năm 1917, đến giữa năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một nhà hùng biện thực sự.

Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu khởi thảo cuốn sách đầu tiên của mình bằng tiếng Pháp với tiêu đề “Les Opprimés” (Những người bị áp bức). Đến khoảng giữa tháng 3-1920, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành về cơ bản công trình đầu tay của mình. Người cũng lao động quên mình để dành dụm được khoảng 300 francs cho việc xuất bản cuốn sách. Nhưng một đêm, Người trở về nhà sau một ngày dài lao động cực nhọc, bản thảo công trình đã biến mất. Kẻ đã đánh cắp tập bản thảo không thể là ai khác ngoài những viên mật thám đang bám sát Người từng ngày.

Loại hình hoạt động thực tiễn thứ ba mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc dấn thân hoạt động chính là trong phong trào yêu nước Việt Nam. Linh hồn của hầu như toàn bộ phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Pháp, nhất là ngay tại Paris, chính là Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Đến Paris, Nguyễn Tất Thành được Phan Châu Trinh che chở, giúp đỡ, vừa tạo điều kiện về nơi làm việc và chỗ ở, vừa giới thiệu anh với các nhóm đồng bào yêu nước ở Pháp.

Khoảng đầu mùa hè năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đưa ra sáng kiến thành lập Hội những người An Nam yêu nước (Association des Patriotes Annamites) thay thế cho Hội đồng bào thân ái do Phan Châu Trinh thành lập trước đó với mục đích để đoàn kết rộng rãi hơn nữa đồng bào ta ở Pháp và Paris. Ngay lập tức sáng kiến này được cụ Phan Châu Trinh và mọi người ủng hộ. Nguyễn Tất Thành đã trở thành nhân vật tích cực nhất của tổ chức này.

Ngay khi Hội những người An Nam yêu nước thành lập cũng là lúc không khí chính trị ở Pháp và toàn thế giới trở nên nóng bỏng với những tin tức về hội nghị hòa bình Versailles. Nguyễn Tất Thành nêu ra đề nghị: Hội cần phải gửi một bản kiến nghị đến hội nghị Versailles giống như nhân dân nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc khác đang làm. Đề nghị của Người được đồng bào nhiệt liệt ủng hộ. Với sự giúp sức của luật sư Phan Văn Trường, Người đã soạn thảo xong bản kiến nghị 8 điểm “Revendications du peuple Anamites”, ký tên Nguyễn Ái Quốc, rồi tự mình đem đến cung điện Versailles trao tận tay đại diện của các cường quốc vào ngày 18-6-1919. Với việc đưa bản kiến nghị 8 điểm đến hội nghị hòa bình Versailles, đặc biệt là với việc làm cho tinh thần của bản kiến nghị đó lan tỏa mạnh mẽ ở cả Pháp và Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy, giải thoát phong trào yêu nước Việt Nam thoát khỏi tình thế bế tắc, khủng hoảng.

Như vậy, thông qua dấn thân hoạt động thực tiễn, chỉ trong vòng gần 3 năm, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã có những bước trưởng thành vượt bậc, từ một chiến sĩ yêu nước đơn thuần, ít kinh nghiệm hoạt động chính trị, đã trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp theo lập trường xã hội chủ nghĩa, làm chủ những kỹ năng tổ chức, thuyết trình, viết sách, báo chính luận và soạn tài liệu tuyên truyền; từ một thanh niên yêu nước không tên tuổi, luôn tỏ ra nhút nhát thành một lãnh tụ trẻ kiên cường, tự tin, dũng cảm của phong trào yêu nước Việt Nam. Đây là những điều kiện, những tiền đề quan trọng nhất để Người trở thành một đảng viên cộng sản vào cuối năm 1920.

2. Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Tours và trở thành đảng viên đảng cộng sản: Tương tự như hầu hết các đảng xã hội chủ nghĩa khác ở các nước tư bản phát triển sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dưới tác động của thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Xã hội Pháp-một trong những chính đảng lớn, có lịch sử lâu đời nhất ở Pháp-lại một lần nữa bị phân liệt sâu sắc. Cánh tả của đảng ngày càng lớn mạnh, ủng hộ V.I.Lenin và con đường cách mạng vô sản của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong khi phái hữu thì kiên trì với đường lối chính trị ôn hòa của Quốc tế thứ II. Trong nội bộ đảng, từ các chi bộ cho tới cấp trung ương diễn ra quá trình đấu tranh chính trị gay gắt kéo dài: Rời bỏ hay không rời bỏ Quốc tế thứ II? Ủng hộ hay không ủng hộ Lenin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga? Có gia nhập Quốc tế thứ III hay không?...

Tháng 12-1920, Đảng Xã hội Pháp quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII ở thành phố Tours để giải quyết dứt khoát các vấn đề nói trên. Cuộc đại hội khai mạc sáng 25-12-1920, tại một trường dạy đua ngựa gần nhà thờ Saint Julian nằm trên bờ phía nam con sông Loire. Tham dự đại hội có 285 đại biểu đại diện cho hơn 178.000 đảng viên. Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của nhóm các đảng viên Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại đại hội 12 phút và hoàn toàn “nói vo”. Nguyễn Ái Quốc kết thúc lời phát biểu của mình với lời kêu gọi: “Nhân danh nhân loại, nhân danh tất cả những người xã hội chủ nghĩa, tả cũng như hữu, tôi kêu gọi tất cả các quý vị, các đồng chí, hãy cứu chúng tôi với!”.

Ngày 27-12-1920, Marcel Cachin đưa vấn đề ủng hộ và gia nhập Quốc tế thứ III (Quốc tế Cộng sản) để đại hội thảo luận biểu quyết. Nguyễn Ái Quốc lại phát biểu, ủng hộ Quốc tế thứ III. Để đi tới quyết định cuối cùng, đại hội quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Việc này diễn ra vào sáng 29-12-1920. Kết quả là hơn 70% đại biểu ủng hộ đề nghị của Marcel Cachin về việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ III. Nguyễn Ái Quốc là một trong số những người đó, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Con đường đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành một đảng viên, một lãnh tụ của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong khoảng thời gian từ cuối năm 1917 đến cuối năm 1920 là một hành trình phức tạp, đầy thú vị. Việc bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế thứ III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp là dấu mốc quan trọng, chính thức của hành trình Người đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, trải qua lập trường dân chủ tư sản cấp tiến, tới lập trường xã hội chủ nghĩa cánh tả và tiến tới lập trường cộng sản chủ nghĩa./.

GS, TS PHẠM HỒNG TUNG

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: