Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

thay giao cua bac

“ Ngủ thì ai cũng như lương thiện

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Trong cuộc đời của Người, người thầy giáo thời niên thiếu - cụ Lê Văn Miến  là người đã có ảnh hưởng rất quan trọng đến quá trình hình thành tư tưởng,  lập trường yêu nước,  giải phóng dân tộc.

Cụ Lê Văn Miến (còn gọi là Lê Huy Miến) sinh năm  Giáp tuất 1874 tại làng Ông La, xã Kim Khê nay là xã Nghi Long, Huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An. Sinh ra  trong một dòng họ, gia đình khoa bảng, ở vùng đất “địa linh nhân kiệt”  huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cha cụ là cử nhân nên từ rất sớm cụ đã được tiếp xúc và làm quen với sách vở, tri thức cũng như thấm nhuần truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương. Tháng 10/1888 cụ Lê Văn Miến lên đường sang Paris học Trường thuộc địa do thực dân Pháp mở nhằm đào tạo những quan chức trung thành với chúng để thực hiện chính sách mị dân và mua chuộc.

Sau khi tốt nghiệp Trường Thuộc địa, Lê Văn Miến không chịu về nước làm quan mà ở lại xin theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris - một trường Mỹ thuật danh giá của châu Âu thời đó. Đã từng tham gia phong trào bãi khoá trước đó, nên mặc dù sau khi tốt nghiệp vào loại xuất sắc, thầy Lê Văn Miến được Hội đồng mỹ thuật nhà trường đề nghị chọn sang đi trang trí và vẽ tranh cho tòa thánh Vatican (Rô - ma, Ý), nhưng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã bác bỏ. Sau này, khi về nước thầy Lê Văn Miến đã nói: "Không học thì thôi, mà đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết: Dù trong lĩnh vực nào - nhất là về học vấn - nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không chịu thua kém một ai cả. Tau không muốn học để làm quan, song học để dằn mặt người Pháp thì tau sẵn lòng".

Sau 7 năm du học ở Paris, năm 1895, thầy Lê Văn Miến trở về nước với hai tấm bằng rất có giá trong tay: Bằng tốt nghiệp trường Thuộc địa và Bằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Con đường quan lộ mở rộng trước mắt với quyền cao, chức trọng, bổng lắm, lộc nhiều. Nhưng thầy Lê Văn Miến đã không về Huế để trình diện mà về thẳng xứ Nghệ quê nhà rồi ra Bắc làm họa sĩ trình bày cho một nhà in của Pháp. 

Sau khi âm mưu chuẩn bị đánh Pháp của Vua Thành Thái bị bại lộ, nhà vua bị quản thúc,  Đào Tấn bị bức về hưu, năm 1904, Lê Văn Miến bị đẩy ra Nghệ An giữ chức Đốc giáo (1904 - 1907). Từ năm 1907 đến 1913, ông được điều về Trường Quốc học Huế dạy Pháp văn và vẽ. Năm 1913 Trường Hậu Bổ được thiết lập, Lê Văn Miến được cử làm "Trợ giáo", đồng thời được thăng hàm "Hàn lâm viện Thị giảng", đến cuối năm 1914 được thăng chức Phó Đốc giáo và năm 1919 được làm Đốc giáo (Hiệu trưởng).

Năm 1921, Lê Văn Miến được cử giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám và giữ chúc vụ này cho đến khi nghỉ hưu 1929. Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Lê Văn Miến đã góp phần không nhỏ đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước như: Giáo sư Lê Thước. Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn… Đặc biệt là người học trò Nguyễn Tất Thành - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh sau này.

Năm 1907, khi thầy giáo Lê Văn Miến được điều từ Nghệ An vào dạy pháp văn và vẽ ở Trường Quốc học Huế, cũng là thời gian hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành thi đậu vào Trường Quốc học. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đưa hai con đến gửi cho người bạn vong niên là thầy giáo Lê Văn Miến chăm sóc dạy dỗ để lên đường nhậm chức ở Bình Định. Sự kiện cảm động này đã được nhà văn Sơn Tùng tái hiện trong tiểu thuyết lịch sử “Búp Sen Xanh”:

“…Thầy Lê Văn Miến đứng dậy, cha con ông Nguyễn Sinh Huy cùng đứng lên. Thầy chắp tay trước ngực nói: Xin chúc mừng quan bác có một người con: Nguyễn Tất Thành - sẽ tất thành. Tôi sẽ có vinh dự được làm một người thầy của học trò Nguyễn Tất Thành.

Cảm tạ, - ông Phó bảng Huy đáp - xin cảm tạ đại huynh đã dành cho cha con tôi. Nguyễn Tất Thành giọng chân thành:

Thưa chú, cháu được nghe các bậc cha anh tỏ lời thán phục chú là một người tiết kiệm từng lời, từng chữ, không bao giờ nói thừa, viết thừa. Hôm nay, lần đầu tiên cháu được vinh dự hầu chuyện chú, cháu vô cùng cảm động. Thầy Miến đỡ lời, Cháu ơi! Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng. Chú là người đã phạm điều "tam bất" ấy thì phải tự biết xấu hổ với quốc dân lắm…”

Đúng như giáo sư Lê Thước hàm ơn người thầy của mình: “…Cụ Miến không chỉ dạy chữ, dạy bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ, mà cụ Miến còn là tấm gương cho bao thế hệ học trò trong việc hình thành nhân cách của họ..”.

Những năm cuối đời, họa sỹ, thầy giáo Lê Văn Miến sống trong cảnh mù lòa và đã chọn một mảnh đất bên dòng sông Ô Lâu, huyện Phong Điền để an hưởng tuổi già trong sự chăm sóc của các thế hệ học trò của 3 trường Quốc học, Hậu Bổ và Quốc Tử giám Huế. Đặc biệt là người học trò Nguyễn Tất Đạt (anh trai của Bác Hồ) luôn ở bên cụ trong những ngày cuối đời và lo chu toàn đám tang cho người thầy kính yêu của mình.

Chính nhân cách, tài năng, tâm huyết của thầy giáo Lê Văn Miến đã ảnh hưởng không nhỏ đến các thế hệ học trò ở Quốc học Huế, đặc biệt là Nguyễn Tất Thành.  Ngày 5/6/1911  người học trò xuất sắc này mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và hoài bão lớn lao của thầy giáo, lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Bằng chính cuộc đời mình, Nguyễn Tất Thành đã thể hiện cao nhất lòng tôn kính đối với thầy bằng cách kế thừa, nhân lên những tri thức, hoài bão, phẩm chất đã học được từ thầy để cống hiến cho dân tộc. Tiếc là hoạ sĩ - thầy giáo Lê Văn Miến mất ngày 6 - 6 - 1943, cụ đã đi trước hai năm, trước khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, không kịp chứng kiến người học trò xuất sắc nhất của mình, giờ đây đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.             

Sau khi cụ mất, các thế hệ học trò ở Huế đã vinh danh cụ qua bức hoành phi “Thế gian Sư” (Thầy của thiên hạ). Năm 2005, tên của cụ đã được UBND thành phố Huế đặt tên cho một con đường lớn ở phường Tây Lộc trong thành nội Huế và ngôi mộ cụ bên dòng sông Ô Lâu được công nhận là di tích văn hóa. Đó là sự ghi nhận, vinh danh của Đảng và nhà nước và nhân dân ta đối với nhân cách tài năng của họa sỹ - nhà giáo Lê Văn Miến. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2022 xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới người thầy kính yêu của Bác Hồ - họa sỹ - nhà giáo Lê Văn Miến./.

An Vinh

Theo Khu Di tích Kim Liên

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: