Đến với Cô Tô, dừng chân trước Tượng đài Bác Hồ, dường như trong lòng mỗi người lại trào dâng niềm xúc động, tự hào. Tượng đài Bác Hồ lừng lững, hiên ngang trụ vững, khẳng định giá trị vĩnh hằng về văn hóa, nhân văn và lịch sử, luôn gợi nhắc các thế hệ hướng tâm, dồn trí nhìn ra Biển Đông, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Huyện đảo Cô Tô nhìn ra biển từ Tượng đài Bác Hồ.
Nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống
Ngày 09/5/1961, lần đầu tiên Bác Hồ đã ra thăm đảo Cô Tô. Trong giờ phút thiêng liêng đó, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào trên đảo được tận mắt nhìn thấy Bác trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su giản dị. Tại buổi gặp, Bác đi bắt tay các đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện, xã, lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang trên đảo, ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, hỏi chuyện phụ nữ, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi. Bác căn dặn các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cô Tô rất nhiều, từ việc tăng gia sản xuất, củng cố hợp tác xã đến việc phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ".
Cách Thủ đô Hà Nội hơn 250 km, huyện đảo Cô Tô nằm ở giữa mặt biển phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí rất quan trọng về quốc phòng - an ninh của Tổ quốc. Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đầu năm 1954, Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, sau đó lại tách thành hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh. Từ năm 1964, hai xã đã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả. Năm 1994, Chính phủ đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn, đồng thời tách và thành lập huyện Cô Tô. |
Bác Hồ về thăm người dân huyện Cô Tô ngày 09/5/1961.
Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân trên đảo Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người. Và nguyện vọng của bà con trên đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý. Năm 1968, Tượng Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện.
Ngày 19/5/1968, quân dân trên huyện đảo Cô Tô vui mừng đón chào ngày khánh thành Tượng Bác Hồ, tượng được dựng ngay tại nơi máy bay hạ cánh và là nơi Bác đứng nói chuyện với quân dân trên đảo năm xưa. Lúc đầu, Tượng Bác được dựng bán thân, với chất liệu làm bằng thạch cao, tay phải giơ lên cao vẫy chào đồng bào. Tượng cao 1,8m (cả bệ là 4 m). Năm 1976, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 86 của Bác, Tượng Bác bán thân được thay bằng tượng toàn thân, với chất liệu bê tông cốt thép. Tượng có chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m, nằm cách bờ biển 100m. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, Tượng đài Bác Hồ bằng bê-tông được thay bằng đá gra-nít. Cho đến ngày nay, Tượng đài Bác Hồ ở Cô Tô vẫn được đánh giá là Tượng đài Bác có quy mô to lớn, đẹp nhất vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Trải qua hơn 40 năm tượng của Bác vẫn đứng hiên ngang trước nắng, gió nơi đảo nhỏ thân yêu, tay Bác luôn vẫn chào hướng ra Biển Đông rộng lớn. Những kỷ niệm về Bác Hồ vẫn được quân, dân trên đảo trân trọng gìn giữ bằng tất cả tình cảm của mình.
Cùng với Tượng đài Bác Hồ, năm 2005, huyện đảo Cô Tô đã xây dựng ngôi Đền thờ Bác, trên khuôn viên ngay sau Tượng đài. Ngoài ra, nhiều hạng mục khác như vườn cây, ao cá cũng được đầu tư tôn tạo, thể hiện lòng thành kính của người dân trên đảo Cô Tô đối với Bác.
Cô Tô từng bước phát triển
Trước lúc Bác qua đời, nỗi nhớ, niềm thương và sự kỳ vọng vào vùng đảo này vẫn luôn nung nấu trong trái tim người, vì vậy Người đã gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang đến tặng quân, dân trên đảo tấm ảnh của Người với dòng chữ đề tặng: "Khuyên cán bộ, bộ đội, nhân dân đoàn kết một lòng, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi". Tình cảm đó đã cho thấy người đã đánh giá rất cao về tầm quan trọng, vị trí chiến lược Quốc phòng an ninh của vùng biển đảo Cô Tô, bởi lẽ Cô Tô là một bến đậu, một trạm tiền tiêu của cả một vùng biển rộng lớn phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Thực hiện lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Giờ đây, Cô Tô đang vươn mình lớn mạnh, bộ mặt của đảo xưa đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một huyện đảo Cô Tô khang trang, hướng đến phát triển du lịch bền vững, trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Năm 2022, xuất phát từ tình cảm đặc biệt với Cô Tô, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Giao thông - Vận tải thiết kế, lắp đặt Công trình Cột cờ trên đảo Cô Tô. Cột cờ được khởi công xây dựng ngày 14/3/2022 đến ngày 26/4/2022 đã tổ chức Lễ cắt băng khánh thành và thực hiện Lễ thượng cờ đầu tiên. Cột cờ có chiều cao từ mặt đất tới đỉnh cột là 27,9m (có tỷ lệ 1/1 so với Cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội). Bệ móng được thiết kế giúp Cột cờ có thể chịu được bão cấp 12 ở đảo Cô Tô, nơi vốn có sức gió rất mạnh so với các vùng ven biển khác ở Việt Nam. Bộ phận chuyển động, tời và hệ thống điện được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế, thi công bảo đảm tạo sức kéo đủ căng trước gió mạnh biển đảo. Đặc biệt, hệ thống điện tử của bộ tời điều khiển lá cờ lên đỉnh cột đúng bằng thời gian bài Quốc ca được phát tại Quảng trường Ba Đình.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Cột cờ Tổ quốc.
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng khi đứng trước Tượng đài Bác Hồ, mỗi người dân Cô Tô lại có thêm động lực để cùng đoàn kết, phấn đấu đi lên, quyết tâm xây dựng đảo Cô Tô thêm giàu đẹp. Như lời chia sẻ của đồng chí Nguyễn Việt Dũng Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô tại buổi Lễ đón nhận Lá cờ Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình tối ngày 19/4/2022: Lời dạy của Bác mãi mãi được cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đảo Cô Tô khắc ghi trong tim. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nguyện một lòng đoàn kết giữ gìn từng tấc đất, tấc biển tiền tiêu phên dậu của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xây dựng Cô Tô ngày càng giàu đẹp văn minh, nhân dân ấm no hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu Bác đã dành cho Cô Tô lúc sinh thời.
Tượng đài Bác Hồ.
Trải qua hơn 60 năm, Tượng đài Bác Hồ vẫn đứng hiên ngang trước nắng, gió nơi đảo nhỏ thân yêu, tay Bác luôn vẫn chào hướng ra Biển Đông rộng lớn. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, khơi dậy và phát huy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo. Cô Tô hôm nay đang ngày càng phát triển về mọi mặt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cô Tô quyết tâm đồng lòng, đoàn kết góp phần đưa Cô Tô trở thành “Hòn ngọc sáng” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc, xứng đáng với những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)