Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

luat dc thong qua ky hop thu 4

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua 06 Luật, 13 Nghị quyết và Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua 01 Luật, 03 Nghị quyết. Trên cơ sở các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại các Kỳ họp nêu trên, để bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động và bạn đọc theo Kế hoạch số 1368/KH-BQLL ngày 25/8/2022 của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; Văn bản số 152/HĐPH ngày 16/01/2023 của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng trân trọng thông tin, giới thiệu những nội dung cơ bản của các Luật đã được Quốc hội thông qua và các dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến như sau:

 I. CÁC LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4 (06 LUẬT)

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 09/2022/QH15 ngày 09/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, trừ trường hợp quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024

Luật được xây dựng nhằm tiếp tục thể chế chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Luật đã sửa đổi, bổ sung 30 điều, trong đó có 19 điều sửa đổi, bổ sung về nội dung, 09 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 02 điều; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư. Luật quy định các nhóm vấn đề về: quy hoạch băng tần, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện và chế tài xử lý vi phạm; các khoản thu từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện; cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh  tế - xã hội.

2. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023

Luật được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Luật gồm có 06 chương, 91 điều quy định về: phạm vi, nguyên tắc và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện dân chủ ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước). Ở mỗi loại hình cơ sở, Luật quy định cụ thể những nội dung chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước phải công khai; những nội dung Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023

Được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật gồm 08 chương và 118 điều, quy định về: mục đích, nguyên tắc hoạt động thanh tra, chức năng của cơ quan thanh tra, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành; thực hiện kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra và điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra.

4. Luật Dầu khísố 12/2022/QH15 ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023

Luật được sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn lực (từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước) xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao và các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí. Luật gồm 11 chương và 69 điều, trong đó tập trung bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách ưu đãi và chính sách khai thác tận thu đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí; chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

5. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023

Luật được sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Luật gồm 6 chương và 56 điều tập trung vào 5 nhóm mới, đó là: (1) Với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. (2) Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng thể hiện tại các quy định đã được sửa đổi, bổ sung về thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải, tiếp nhận tin báo, tố giác… và bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. (3) Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. (4) Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. (5) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và bổ sung một số trách nhiệm mới của các bộ, ngành có liên quan cũng như trách nhiệm của Công an xã trong phòng, chống bạo lực gia đình.

6. Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023

Luật được sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm thi hành Luật; thể hiện Việt Nam là thành viên của khu vực cũng như trên thế giới có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Luật gồm 04 chương và 66 điều quy định các nội dung cơ bản về phòng, chống rửa tiền; đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo; cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền.

II. LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ HAI

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) số 15/2023/QH15 được thông qua ngày 09/01/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, bao gồm 12 chương và 121 điều. Đây là Luật có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến người dân, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành Y tế; nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Luật được xây dựng trên quan điểm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Đồng thời, đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh. Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm bình đẳng giới.

III. CÁC DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV CHO Ý KIẾN

1. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự án Luật được xây dựng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Quốc hội đã tập trung thảo luận vào những nội dung: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng, an ninh; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế xác định giá đất, chính sách tài chính về đất đai; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai…

2. Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Dự án Luật được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn. Quốc hội đã tập trung thảo luận vào các nội dung chủ yếu về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng; trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp; vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ chế phối hợp; vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương…

3. Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) 

Dự án Luật được xây dựng để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Quốc hội đã tập trung thảo luận những nội dung về: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng. Các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, trong đó làm rõ tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; bảo đảm dự thầu; hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu, trong đó về đấu thầu trước; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu. Các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu; đấu thầu qua mạng, đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công...

4. Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Dự án Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật giá đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội đã tập trung thảo luận những nội dung về: phạm vi sửa đổi; nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước; Quỹ bình ổn giá; cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; việc công khai thông tin; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng; quản lý về giá, thẩm định giá; căn cứ, phương pháp, nguyên tắc định giá; thẩm định giá của nhà nước; hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; dịch vụ thẩm định giá; đăng ký hành nghề thẩm định giá; thẩm định viên về giá; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; bình ổn giá; định giá; hiệp thương giá; kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; hiệu lực thi hành…

5. Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Quốc hội đã tập trung thảo luận về những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi của Luật; bố cục của dự thảo Luật; sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi nhận thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; công chứng, chứng thực điện tử; tài khoản định danh điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử…

6. Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quốc hội đã tập trung thảo luận về những nội dung chính sau: tên gọi của Luật; việc cho phép thành lập Liên đoàn Hợp tác xã; phân loại hợp tác xã; vị trí, vai trò hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ-TW; chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác; tiêu chí, nguồn vốn thực hiện chính sách; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; số lượng thành viên hợp tác xã; người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác; lợi nhuận và thu nhập; kiểm toán hợp tác xã; quyền và nghĩa vụ của Đại hội thành viên; trích lập quỹ chung không chia; xử lý tài sản và vốn khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, phá sản; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước…

7. Dự án Luật Phòng thủ dân sự

Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế quan điểm của Đảng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực phòng thủ dân sự. Quốc hội đã tập trung thảo luận vào các nội dung chủ yếu về: phạm vi điều chỉnh; khái niệm “Phòng thủ dân sự”; phân loại thảm họa, sự cố về đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; quy định 04 cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền công bố cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; xây dựng công trình phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự; đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; nhiệm vụ của lực lượng quân đội trong phòng thủ dân sự; xử lý vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự…/.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: