Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Đầu xuân mới, GS, TSKH, Anh hùng Lao động Trần Vĩnh Diệu, 84 tuổi, nguyên cán bộ, giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội rủ tôi đi du xuân. Chúng tôi đến một khu nhà vườn ở thôn Bùi Trám thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ông bảo, lên đây thăm một người bạn thuở thiếu sinh quân Liên khu 4-nhà giáo Trần Đình Trọng ...

Một khu nhà vườn hơn nghìn mét vuông, có ngôi biệt thự xinh xắn, bao quanh là vườn cây, ao cá. Chủ-khách gặp lại nhau xiết bao mừng rỡ. Chủ nhà tuổi đã ngót “cửu thập” vẫn còn minh mẫn, dẫu bước đi đã chậm. Ông là PGS, TS Trần Đình Trọng, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gia đình ông ở nội thành Hà Nội, cách đây vài năm, các con đưa ông lên đây dưỡng già, ông bảo: Tôi vốn bị bệnh tim mạch, từ ngày ở trên này, yên tĩnh, không khí trong lành, tôi khỏe hẳn. Trong căn phòng rộng rãi có cái tủ lớn bày vài thứ đồ lưu niệm, tôi để ý thấy một tấm ảnh phóng to lồng trong khung kính, đặt trang trọng giữa nhà là hình ảnh Bác Hồ đang nói chuyện với một thanh niên khá đẹp trai và có mấy người nữa đứng cạnh. Chủ nhà thấy ánh mắt tôi nhìn vào bức ảnh thì vui vẻ hỏi tôi: "Anh có biết ai đang hầu chuyện Bác Hồ không?". Quả thật, tôi không nhận ra ai, vả lại dưới góc ảnh đề “Tháng 7-1955”, tức cách nay đã hơn 65 năm rồi.

Ông Trọng cười thoải mái, nói tiếp: "Là tôi đấy. Một vinh dự bất ngờ suốt đời tôi không thể quên". Rồi ông thong thả kể câu chuyện được gặp Bác Hồ ngày ấy:

- Cuối năm 1954, tôi và anh Trần Vĩnh Diệu (sau này là GS, TSKH, Anh hùng Lao động) đang học Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 thì tôi may mắn được chọn sang Khu học xá Trung ương đặt ở tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc. Tôi học hết cuối cấp, tức lớp 9, được có mặt cùng 100 học sinh Việt Nam sang Liên Xô học tiếng Nga, trong số đó có anh Vũ Khoan (nay là nguyên Phó thủ tướng). Ngày 12-7-1955, Bác Hồ dẫn đầu đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lần đầu tiên sang thăm chính thức Liên Xô. Chúng tôi được Đại sứ quán thông báo ra sân bay Sheremetyevo đón đoàn. Lễ đón rất trọng thị, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô khi đó là K.E.Voroshilov ra tận sân bay đón Bác. Sau khi làm các lễ nghi nhà nước, Bác đi về phía quần chúng đang vẫy cờ hoa. Bất ngờ, Người dừng lại trước mặt tôi, hỏi:

- Cháu học nghề gì?

Tôi lúng túng giây lát rồi trả lời:

- Thưa Bác, cháu học phiên dịch tiếng Nga ạ.

Người mỉm cười hiền từ, chòm râu trắng phơ phất, nói tiếp:

- Tiếng Nga khó lắm đấy. Phải kiên trì, chăm chỉ mới học tốt được.

mot phut doi nguoi
Đón Bác Hồ tại sân bay Sheremetyevo (Liên Xô) ngày 12-7-1955, sinh viên Trần Đình Trọng ngoài cùng, bên trái.  Ảnh do nhân vật cung cấp.

Người đi tiếp, còn tôi cứ đứng ngất ngây vì sung sướng. Hai hôm sau, Đại sứ quán gọi tôi lên gặp một người dáng cao lớn, giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp. "Mình là Thép Mới, phóng viên Báo Nhân Dân, trong đoàn thăm Liên Xô. Tặng em tấm ảnh chụp lúc Bác Hồ nói chuyện với em", người đó nói.

Lại một hạnh phúc bất ngờ nữa! - ông Trọng kể lại.

Sau này về nước, ông Trần Đình Trọng có thời gian làm phiên dịch ở Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thường xuyên làm việc với chuyên gia Liên Xô về nghề cá. Không những ông luôn cố gắng trau dồi vốn tiếng Nga mà còn theo đuổi nghề mới là nuôi cá nước ngọt. Kiên trì tự học, đến lúc ông đủ điều kiện chuyển sang giảng dạy từ khóa đầu ở Khoa Thủy sản, Học viện Nông lâm, sau tách ra là Đại học Thủy sản. Ngày nước nhà thống nhất, trường này chuyển vào TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông cũng chuyển về giảng dạy Bộ môn Di truyền - Tiến hóa (nay là Bộ môn Di truyền - Hóa sinh) của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình làm giảng viên, ông kiên trì gần 20 năm theo đuổi đề tài tiến hóa của loài cá chép Việt Nam và đến năm 1981 bảo vệ thành công học vị Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ).

Kỷ niệm về cuộc gặp Bác Hồ bất ngờ trong vòng một phút và lời dạy của Người cứ âm vang mãi trong lòng nhà giáo Trần Đình Trọng. Và ông đã làm đúng như lời dạy bảo của Người: “Kiên trì, chăm chỉ...”. Với ông, một phút ấy là cả đời người!

PHẠM QUANG ĐẨU

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: