Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Cách đây 60 năm, ngày 2/3/1963, trong lần về thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, trước hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, bộ đội và nhân dân tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Thực hiện lời Bác dặn, 60 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Vĩnh Phúc không chỉ là điểm sáng của miền Bắc mà còn là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về nhiều lĩnh vực.

vinh phuc
Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong trong ngày người về thăm 12/2/1956.

Qua các tài liệu và ý kiến của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh đều thống nhất cho rằng: Vĩnh Phúc là vùng đất địa linh, nhân kiệt, là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng. Trong bất cứ thời kỳ nào, Vĩnh Phúc luôn tự hào là địa phương có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc và Đảng ta. Rất vinh dự và tự hào cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, lúc sinh thời Bác Hồ đã 8 lần về thăm và làm việc.

Đặc biệt, trong lần thăm thứ bảy, Bác về thăm tỉnh trong bối cảnh toàn tỉnh đang thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Bên cạnh những kết quả đạt được trong công cuộc cải tạo XHCN, thời điểm này Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, trên diện rộng, đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh. Với quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng bộ, quân, dân Vĩnh Phúc đã cơ bản khắc phục được tình trạng hạn hán. Với thành tích chống hạn xuất sắc, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc vui mừng được đón Bác Hồ về thăm ngày 2/3/1963. Trong cuộc mít tinh nói chuyện trước hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên (nay là Bảo tàng tỉnh), Bác đã chúc mừng, đồng thời ân cần căn dặn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Với tình cảm, niềm tự hào và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, tại thời điểm đó và đã 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, quyết tâm thực hiện lời Bác căn dặn. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước (năm 1966), chủ trương “khoán hộ” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã ra đời và được thực hiện ở nhiều nơi trong tỉnh, đã mở ra cách làm ăn mới trong quản lý và sản xuất nông nghiệp, đem lại những kết quả tích cực. Chủ trương “Khoán hộ” đã từng bước làm thay đổi tư duy trong quản lý kinh tế, mở đường cho việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung bao cấp sang hướng của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; là cơ sở rất quan trọng để Trung ương nghiên cứu, tìm hiểu đề ra chủ trương đường lối đổi mới đất nước năm 1986.

bac ho voi vinh phuc 2
Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong ngày người về thăm HTX–NN Lai Sơn ngày 30/3/1958.

Từ năm 1986 thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục vượt qua không ít khó khăn và đạt được nhiều thành quả. Đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc năm 1997 đến nay, bằng tư duy năng động, sáng tạo, quyết tâm, đổi mới, khát vọng phát triển tỉnh giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, Vĩnh Phúc đã nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy lợi thế, vượt lên khó khăn, thách thức để phát triển, điều đó được thể hiện cụ thể trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các nhiệm kỳ, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII năm 1997 đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII năm 2020. Tỉnh ủy các khóa đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng để không ngừng xây dựng và phát triển Vĩnh Phúc giàu mạnh, phồn vinh, trong đó có việc lựa chọn đột phá để phát triển kinh tế công nghiệp, thu hút đầu tư; đồng thời xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là quan trọng, du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng để đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, với quan điểm người dân được hưởng những thành quả từ phát triển kinh tế, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng để vừa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa nâng cao đời sống cho người dân. Gần đây nhất, ngày 12/12/2022, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Căn cứ nghị quyết, các cấp, các ngành trong tỉnh đang tích cực triển khai, thực hiện, bước đầu tỉnh chủ trương triển khai xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu, thí điểm xây dựng 28 nhà văn hóa kiểu mẫu.

Kết quả, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, đến nay Vĩnh Phúc luôn tự hào là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế; là một trong những tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất; là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy, điện tử hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình dự án cầu đường, khu đô thị, bệnh viện, trường học, công viên, cây xanh, các thiết chế văn hóa cơ sở được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao, tạo ra bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Cụ thể 26 năm tái lập tỉnh vừa qua, nền kinh tế của tỉnh liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, có những năm tăng trên 20%, đưa bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42%/năm, năm 2022 tỉnh đạt mức tăng trưởng 9,54%, cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 17 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo đúng định hướng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến nay, tỉnh có cơ cấu kinh tế, với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 93,15%; nông lâm nghiệp, thuỷ sản còn 6,85%. Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh, từ gần 100 tỷ đồng (năm 1997) lên 10.000 tỷ đồng (năm 2009), từ năm 2018 đến nay thu ngân sách của tỉnh luôn đạt trên 30.000 tỷ đồng, đặc biệt năm 2022, tổng thu ngân sách của tỉnh đã cán cột mốc mới ấn tượng với con số trên 40.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 33.500 tỷ đồng. Vĩnh Phúc nằm trong 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt trên 165,5 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 127,9 triệu đồng, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 9 cả nước. Điểm đáng chú ý trong lĩnh vực du lịch là năm 2022, thị trấn Tam Đảo núi đã vượt qua những điểm đến nổi tiếng của thế giới để dành danh hiệu Thị trấn điểm đến ấn tượng hàng đầu thế giới. Trong phát triển đô thị, đến nay toàn tỉnh đã có 32 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và 30 đô thị loại V, tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2022 đạt 47%. Song song với phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng được chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến hết năm 2022, các xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 67 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống người dân ở nông thôn được nâng cao rõ rệt. Trong phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, tỉnh có 16 KCN đã thành lập, được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN đi vào hoạt động. Nếu như năm 1997, 1998 trên địa bàn tỉnh mới có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã có 450 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,53 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 125 nghìn tỷ đồng. Thành công từ chủ trương thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh đã tạo ra một Vĩnh Phúc phát triển năng động, sáng tạo, toàn diện, đem lại lợi ích cao cho tỉnh và người dân.

bac ho voi vinh phuc 3
Vĩnh Phúc nhìn từ trên cao. (Ảnh: Internet).

Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, tỉnh đạt nhiều thành tựu trong phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, nhất là về giáo dục và đào tạo. Vĩnh Phúc luôn duy trì trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Các chỉ số chung của tỉnh đều vượt tiêu chí do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định. Là tỉnh liên tục có học sinh giỏi đạt giải trong các kỳ thi quốc tế và khu vực, số học sinh giỏi cấp quốc gia ngày càng tăng. Năm học 2021-2022 vừa qua, Vĩnh Phúc đứng thứ 3 toàn quốc về kết quả kỳ thì chọn học sinh giỏi cấp THPT, thứ 2 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi THPT, có 2 học sinh đạt huy chương đồng Olympic Toán quốc tế và Olympic Vật lý Châu Á -Thái Bình Dương. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện sâu rộng, hiệu quả cao. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm, tăng cường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ thầy thuốc, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1000 giường bệnh, Bệnh viện Sản Nhi quy mô 500 giường bệnh và một số bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện. Tỷ lệ bác sỹ trên vạn dân đạt 14,4 bác sỹ/vạn dân. Trong 3 năm qua tỉnh đã khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, được Trung ương và các tỉnh, thành đánh giá cao. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đột phá, đi đầu về đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập, về đời sống giữa các vùng, các bộ phận dân cư, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh còn 1,08%; toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công.

Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh thường xuyên được tăng cường củng cố, an ninh chính trị được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và ngày càng đi vào thực chất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh

Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh đã luôn chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương khóa XIII, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của Đảng, Đảng bộ tỉnh và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt Nghị quyết và việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân Ban thường vụ các cấp uỷ đảng, lãnh đạo chủ chốt của các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh. Kết quả đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành và trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đồng thời tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, từ trong cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Đảng bộ tỉnh không chỉ đổi mới phương thức lãnh đạo bằng nghị quyết, mà ban hành quyết định và tổ chức việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh, qua đó đã tạo bước đột phá mới, giúp công tác đánh giá cán bộ của tỉnh thực chất hơn và nhiều điểm nghẽn, nguồn lực được khơi thông, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Những thành tựu tỉnh Vĩnh Phúc đạt được cho đến ngày hôm nay là cơ sở, tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc tin tưởng thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đó là: Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện. Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trên chính là góp phần thực hiện lời Bác dặn năm xưa, đó cũng là góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đang phấn đấu thực hiện./.

NGÔ CHÍ TUỆ

Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: