Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì thế, tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng đều không ngoài mục đích phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

loi ich cua dan
Người đi thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Cạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. (Ảnh tư liệu).

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân

Nhận thức sâu sắc rằng “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” và dân là gốc của nước, của cách mạng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân (…). Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”  mà còn khẳng định rẳng “nước lấy dân làm gốc (…). Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân” , để kêu gọi, cổ vũ, tập hợp và lãnh đạo Nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau 15 năm đấu tranh đầy gian khó, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đưa những người dân của xứ An Nam thuộc địa từ thân phận nô lệ trở thành người chủ/làm chủ - chủ thể của quyền lực Nhà nước. Thắng lợi của cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 đồng thời cũng cho thấy rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam/một Đảng Mácxít - Lêninnít trong sạch, vững mạnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với một đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực gương mẫu về mọi mặt, luôn “nếm mật nằm gai” cùng Nhân dân đã thực sự xứng đáng với vị thế Đảng cầm quyền - với vai trò tiền phong, với vị thế vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ trung thành của Nhân dân.

Giành được độc lập và xây dựng chế độ mới, cùng với việc tập trung xây dựng một Đảng cầm quyền phụng sự và liêm chính, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân với một hệ thống các cơ quan Nhà nước luôn chú trọng hành động “sao cho vừa lòng dân” là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”  và “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Không chỉ nhấn mạnh vị thế, vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng dân tộc và giải phóng chính bản thân mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thông qua việc khẳng định vị thế là chủ, làm chủ của Nhân dân để tiếp tục phát huy vai trò và nhân nguồn sức mạnh của mọi người dân Việt Nam yêu nước trong sự nghiệp xây đắp nền dân chủ cộng hòa, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Sẽ là không ngạc nhiên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945 rằng: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và vì thế “chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” .

Sau này, trong tác phẩm Thường thức chính trị (năm 1953), Người cũng không chỉ nhấn mạnh “ở nước ta chính quyền là của Nhân dân, do Nhân dân làm chủ (...). Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”, mà còn yêu cầu các cấp chính quyền phải “cải tiến công tác trong các cơ quan chính quyền, tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân. Phải giáo dục Nhân dân biết sử dụng quyền lợi của mình và hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình”  để Nhân dân được thụ hưởng những giá trị đích thực của độc lập, tự do.

Mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ lợi ích của Nhân dân

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, nên Nhân dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng; và phục vụ Nhân dân là mục tiêu duy nhất, mục tiêu tối thượng, là bản chất của Đảng. Trong đó, Đảng không chỉ phải làm cho quần chúng Nhân dân thấm nhuần tư tưởng cách mạng (kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội) mà còn phải luôn “làm gương mẫu” trong mọi công việc trên tinh thần “nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu sự lãnh đạo” . Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân; luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tận tâm, tận lực “đấu tranh cho lợi ích của toàn dân” để “làm cho dân tin, dân phục, dân yêu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, thực hiện theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những động thái quyết liệt, những quyết sách phù hợp, sát với điều kiện cụ thể của đất nước như kiên quyết chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; về chủ trương và tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu; xây dựng và thông qua Hiến pháp 1946; đẩy mạnh tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, gây dựng đời sống mới, nền văn hóa mới… của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu mới giành được độc lập chính là minh chứng sinh động trên thực tiễn. Cùng với đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động khắp thế giới, Đảng, Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng của Chính phủ đã kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp, giải pháp tổng thể và cục bộ nhằm phòng và chống đại dịch COVID-19 - 19 trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” cùng cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng, nỗ lực đảm bảo ổn định đời sống của người dân, nhất là những vùng trung tâm dịch; và phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội những năm vừa qua chính là minh chứng sinh động chứng minh rằng: Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về không được để dân đói, dân rét, dân dốt/không được để người dân thiếu ăn, thất học, không được chăm sóc, chữa bệnh khi ốm đau… đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương linh hoạt, quyết liệt và kiên trì thực hiện.

Thực tế đó cũng cho thấy rằng, trong quá trình thực thi những quyết sách để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… dù điều kiện đất nước đang còn chiến tranh hay đã hòa bình thì Đảng Cộng sản Việt Nam và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cũng đã luôn “đặt lợi ích của Ðảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Ðảng vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”; đồng thời, hướng về Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của Nhân dân với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, phụng sự nhưng không theo đuôi quần chúng. Những tấm gương cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên… hết lòng phụng sự Nhân dân, vì Nhân dân thậm chí hy sinh quyền lợi, tính mệnh của mình trên phòng tuyến bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu ma túy, trong cuộc đấu tranh giành giật sự sống cho người bệnh khi nhiễm virút COVID-19… được đăng tải trên các phương tiện báo chí, truyền thông chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”.

Vì thế, càng đối diện với nhiều khó khăn, thử thách thì Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng càng phải thấm nhuần những chỉ dẫn, căn dặn của Người. Đó là, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chiến lược, kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… đều phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, không ngoài mục đích vì dân để người dân ở mọi miền của Tổ quốc đều có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó, phải phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng hệ thống pháp luật cùng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, luôn phụng sự Tổ quốc và Nhân dân toàn tâm, toàn ý, hiệu quả.

Và cũng vì thế, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị càng phải chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; càng phải thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cùng với các Quy định về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm…, để kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phòng và đấu tranh chống cá nhân chủ nghĩa quyết liệt để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt. Cùng với việc thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội, tự mình phòng và chống các biểu hiện suy thoái từ sớm, từ xa, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân, sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với Nhân dân cũng như thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực của Nhân dân trong quá trình đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống./.

Văn Thị Mai

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: