Hơn 70 năm hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đảm nhiệm rất nhiều trọng trách: Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Những cách nghi binh độc đáo
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1-3-1923, tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi 15 tuổi, 16 tuổi được kết nạp Đảng. Hoạt động bí mật ở vùng địch hậu, ông lấy nhiều tên và bí danh khác nhau, như: Nguyễn Đồng, Nguyễn Dũng trong thời kỳ hoạt động bí mật trước tháng 8-1945; tên trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946) là Nguyễn Văn Đồng. Năm 1947, ông là Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) kiêm Huyện đội trưởng và Chính trị viên Huyện đội. Lúc đó, trụ sở của huyện đóng ở Chiến khu Trung Thuần. Đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Bình khi ấy đề nghị ông đổi tên Nguyễn Văn Đồng thành Đồng Sỹ Nguyên. Và cái tên Đồng Sỹ Nguyên gắn bó với ông từ đó cho tới sau này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên khi đã nghỉ hưu.
Ảnh: GIA NGUYỄN
Trong giai đoạn 1969-1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Bộ tư lệnh 559 (từ năm 1970 là Bộ tư lệnh Trường Sơn) đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, Bộ đội Trường Sơn tập trung mở đường “kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo, độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch.
Về kỳ tích đường “kín” Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng kể: Từ đầu năm 1971, đế quốc Mỹ và tay sai sau khi thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam tìm cách đánh trực tiếp vào các đoàn xe vận tải của ta. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc bắn phá với thời gian không dài, xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC-130 có tốc độ bay chậm, thời gian ở trên không lâu, với những trang thiết bị trinh sát mới có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh về ban đêm, tạo thành các pháo đài hiện đại di động trên bầu trời, đánh trực tiếp vào xe vận tải, khiến ta không sử dụng được đội hình xe vận tải lớn, tốc độ vận chuyển chậm và gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người, xe của ta.
Trước thủ đoạn đánh phá ngăn chặn mới của địch và yêu cầu chi viện cho chiến trường lớn hơn, nhanh hơn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thực hiện hàng loạt biện pháp chống ngăn chặn bằng sức mạnh của một binh chủng hợp thành, như: Tập trung cao xạ, tên lửa đánh mạnh máy bay; mở thêm các đường nhánh để phân tán đội hình xe; tổ chức nghi binh thu hút địch vào một số tuyến... Các giải pháp đó đều có tác dụng tốt nhưng hiệu suất vận tải vẫn chưa cao và ta vẫn còn nhiều tổn thất. Sau khi nghiên cứu chiến trường và địa hình rừng núi phía Tây Trường Sơn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã xây dựng một tuyến đường “kín”, lấy rừng đại ngàn làm màn ngụy trang kín đáo, mở đường xuyên rừng, đường chỉ rộng 4m, bảo đảm cho tán cây hai bên đường giao nhau. Ở những vị trí thuận lợi qua rừng già thì phải mở thêm một tuyến song song để sử dụng hai chiều. Từ một đến hai cây số phải có một đoạn đường tránh dài 150-200m có tính chất như một nhà ga để điều chỉnh xe đi hai chiều. Ở một vài điểm cục bộ, đường đi qua không có cây, công binh phải bứng cây to về trồng hai bên đường, có xe téc nước tưới cây, khi cây chết phải thay ngay. Cũng có chỗ làm giàn phong lan ngụy trang kín đường. Mạng đường “kín” đã tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược. Đội hình xe từ chỗ chỉ chạy chủ yếu vào ban đêm đã chuyển sang chạy vào ban ngày, cung vận chuyển dài hơn. Đặc biệt, đường kín đã ngăn chặn được sự đánh phá bằng máy bay AC-130 hiện đại của địch, bảo đảm an toàn cho người và xe của ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên khi ở chiến trường Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Khi mạng đường “kín” Tây Trường Sơn hoàn thành, việc vận chuyển hàng hóa trên Đường Hồ Chí Minh chủ yếu vào ban ngày, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các tuyến đường cũ để nghi binh lừa địch. Bộ đội ta đặt những bình ắc-quy trên đường cũ vào ban đêm, tạo ra ánh sáng bằng những bóng đèn như đèn gầm ô tô. Các thiết bị điện tử hiện đại của địch cứ tưởng đó là đoàn xe thật, gọi máy bay đến bắn phá.
Trước đó, trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Bộ đội Trường Sơn đã có nhiều hoạt động nghi binh lừa địch. Lúc đầu, pháo phòng không, tên lửa của ta vẫn nằm im lìm dưới những tán rừng già, chỉ cho các loại súng đại liên, súng bộ binh ra đánh “kéo” máy bay đến, chờ khi nào có hơn 30 chiếc bay vào “túi lửa” phòng không mới xả đạn. Bộ đội kiên trì nhử đến ngày thứ 6, địch đi một đoàn trực thăng ào ào đổ quân xuống. Lập tức, ta sử dụng vũ khí phòng không tiêu diệt, chỉ hai ngày đã bắn rơi hơn 100 máy bay trực thăng.
Gia đình bộ đội
Theo lời kể của anh Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã vận động, giác ngộ được khá nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước theo cách mạng, trong đó có ông Nguyễn Bá Ky, còn gọi là ông Nghè. Ông Nghè có cô con gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Lan thùy mị, nết na, hăng say với công tác phụ nữ. Cuối năm 1946, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Đồng khi đó vừa được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đi họp và ngồi chung một chuyến đò với cô Nguyễn Thị Ngọc Lan. Để giữ bí mật, cả hai chỉ nói chuyện về tình yêu lứa đôi. Khi thuyền qua sông, Lan đưa tiền trả cho cả hai người... Từ đó hai người yêu nhau. Năm 1948, sau khi nhận được quyết định của Khu ủy cử giữ chức Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được đồng chí Hoàng Văn Diệm trao cho một tờ giấy có dấu đỏ, đó là giấy đăng ký kết hôn của hai người.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và bà Lan sinh được 6 người con, 4 trai, 2 gái, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân. 5 người con còn lại của ông đều có trình độ đại học và sau đại học.
Anh Nguyễn Sỹ Hưng xúc động kể: “Hơn 50 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in giọng nói trầm ấm, điềm tĩnh của ba trước một quyết định quan trọng trong cuộc đời tôi. Khi tôi điện thoại cho ba, từ đầu dây bên kia, ba tôi nói: “Con phải tự lựa chọn con đường vào đời của mình, nhưng bây giờ đất nước đang bị xâm lược, vị trí của thanh niên là phải lên đường nhập ngũ. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, ba tin là con sẽ có cơ hội học tiếp”. Trong gia đình tôi, cùng với ba, mẹ tôi, thì có 5 trong 6 anh chị em chúng tôi đều nhập ngũ, trong đó, người em trai thứ tư-Nguyễn Tiến Quân đã bỏ giấy báo thi đại học, nhập ngũ vào Trường Sĩ quan Pháo binh, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Lúc hy sinh, Quân là Đại đội trưởng Pháo binh. Nhận được tin em Quân hy sinh, ba tôi nén đau thương tiếp tục làm công việc kiêm nhiệm vừa là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, vừa là Tư lệnh Quân khu Thủ Đô”.
Ngày 4-4-2019, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần trong sự tiếc thương vô hạn của người thân và đồng đội. Trong lễ tang của ông, bên cạnh những người thân trong gia đình là hàng nghìn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn từ mọi miền đất nước tề tựu về. Trong đội ngũ ấy, có cả các thương binh ngồi trên xe lăn, có người chống gậy... kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt vị Tư lệnh huyền thoại của mình, nhiều người đã không kìm nổi nước mắt!
PHÚ QUÝ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)