Tháng 2 năm nay tròn 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời. Đề cương là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương cùng với các nghị quyết của Đảng sau này là những chỉ đạo, định hướng lớn đặc biệt quan trọng và quyết định để xây dựng, bồi đắp, giữ gìn và phát huy các giá trị cao đẹp của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

Nét đẹp tỏa ra từ những con người bình dị

Bộ đội Cụ Hồ là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến nhân dân dành cho Quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân ta gọi Bộ đội Cụ Hồ, vì Cụ Hồ là tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân ta gọi Quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ, vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và Quân đội, Bác và những người chiến sĩ.

Nét đặc sắc của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là tinh thần chiến đấu dũng cảm, không quản ngại hy sinh gian khổ; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là tinh thần đoàn kết, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, yêu thương giữa cán bộ và chiến sĩ... Cách đây 66 năm, đang học lớp 5, tôi được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong. Thời ấy, mỗi Đội đều mang tên một người nổi tiếng. Đội của tôi được mang tên Phùng Văn Khầu. Vì còn quá bé, không biết Phùng Văn Khầu là ai nên các thầy cô giáo đã kể về chiến công của người anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu ở Điện Biên Phủ cùng với các tên tuổi như La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn cho tôi và các bạn... Vui sướng và tự hào, tôi ngưỡng mộ các anh, thầm mong ước trở thành bộ đội. Vì thuộc loại bé nhất lớp nên từ đó, các bạn đùa vui đặt cho tôi một cái tên rất ngộ "Lỏi tỳ tiểu tướng". Tấm gương của anh hùng Phùng Văn Khầu đã theo tôi từ bé cho đến tận bây giờ.

Mười mấy năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết định nhất, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đang là thầy giáo ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi nhập ngũ, trở thành người lính binh nhì của Sư đoàn Rađa thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Một thời gian sau, tôi được điều về Tổng cục Chính trị (TCCT), nhận công tác ở Phòng Văn nghệ Quân đội, làm việc tại số 4 Lý Nam Đế-ngôi nhà nổi tiếng, nơi sống và làm việc của bao thế hệ nhà văn-chiến sĩ. Vào những năm 1957-1959, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhiều lần đến đây, thăm hỏi, trao đổi và cả tranh luận, nhưng đằng sau đó là tìm hiểu, học tập về văn hóa-văn nghệ, về đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật mà ông với tư cách là Chủ nhiệm TCCT, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực rất mới mẻ đối với ông. Ông thực sự trở thành người bạn tâm giao của giới văn hóa, văn nghệ.

Chị Hà, con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhiều lúc tự đặt câu hỏi về người cha của mình: Là "đại tướng nông dân", nhưng rất lạ là ba rất yêu và rất giỏi về văn hóa, văn nghệ? 15 năm công tác, làm việc tại số 4 Lý Nam Đế, tôi đã tìm được câu trả lời. Ông học suốt đời, vì theo ông: "Không biết gì về văn chương, nghệ thuật thì lãnh đạo thế nào được văn nghệ sĩ?". Ông trở thành người bạn thân thiết của giới văn nghệ, trong đó, ông chọn một số làm người thầy thực sự của mình. Ông tự nhủ: "Học thầy, học bạn, học trong đấu tranh, trong công tác, trong tổng kết, trong sách vở, trong giao dịch, tiếp xúc...". Ông thực sự trở thành người bạn, người anh thân thiết của cán bộ, chiến sĩ, của giới sáng tạo văn nghệ trong và ngoài Quân đội, đúng như cảm nhận chân thành của nhà thơ Chế Lan Viên: "Nhớ đến anh Thanh, cứ như thấy anh đứng trước mắt. Nước da ngăm đen, đôi mắt ngời sáng mà rất chân tình, nghiêm mà lại vô cùng nhân hậu".

Mấy năm sau chiến tranh, có một vị tướng ở chiến trường Tây Nguyên về làm Phó chủ nhiệm TCCT, trực tiếp phụ trách lĩnh vực tuyên huấn, văn hóa, văn nghệ đó là đồng chí Đặng Vũ Hiệp. Khi làm việc với anh, tôi nhận thấy anh say mê, nhanh nhạy, mẫn cảm và thực sự khiêm nhường. Anh chân thành, khoáng đạt khi tiếp xúc với những người hoạt động sáng tạo văn hóa-văn nghệ trong và ngoài Quân đội. Đầu năm 1992, TCCT tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quân. Anh trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Tại hội nghị, anh vẫy tôi lại, chỉ vào bản báo cáo của một đơn vị đang trình bày trước hội nghị và nói nhỏ với tôi: "Đây rồi, Dũng ạ". Tôi nhìn vào bản báo cáo, thấy anh gạch đậm nhiều lần 4 từ "Môi trường văn hóa" và giao ngay nhiệm vụ cho tôi: "Cậu về soạn thảo ngay một dự thảo chỉ thị về vấn đề này". Sau một thời gian ngắn, ngày 12-5-1992, Chỉ thị "Về xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị Quân đội" được ban hành do Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ký. Những năm sau, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định đó là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Quân đội thời kỳ mới. Có lẽ, Quân đội là nơi đầu tiên nhấn mạnh vấn đề xây dựng "môi trường văn hóa".

Do nhiệm vụ, có nhiều lần tôi được làm việc với Đại tướng Chu Huy Mân, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm TCCT, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1984, Nhà nước phong đợt đầu tiên Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Quân đội được hơn 20 người. TCCT tổ chức đón tiếp, gặp gỡ. Đại tướng Chu Huy Mân gọi tôi lên, yêu cầu báo cáo thành tích của từng người. Ông nói: Vì ở chiến trường nhiều năm nên thật tiếc, không biết hết được các tài năng đó. Ông nói, phải chuẩn bị bài phát biểu thật ngắn nhưng trân trọng, chân tình với các văn nghệ sĩ. Ở ông toát ra một phong cách lãnh đạo chặt chẽ, dứt khoát, thân tình.

Gần 25 năm trong quân ngũ, tôi được đi hầu hết đơn vị Quân đội, đến cả các tiểu đội, các điểm đóng quân xa xôi nơi biên giới, hải đảo, từ mũi Cà Mau, Trà Vinh, biên giới Việt Nam-Campuchia, quần đảo Trường Sa và đặc biệt 3 lần lên Vị Xuyên (nay thuộc Hà Giang), Lạng Sơn vào những năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1995, tôi ra Trường Sa được chứng kiến hình ảnh một chiến sĩ trẻ, sau khi nghe bài hát về Tổ quốc, xúc động và chạy lên sân khấu tặng vội ca sĩ cây san hô và nói: "Chúng tôi sẽ bảo vệ vững chắc hòn đảo thân yêu này". Có lần gặp gỡ, trò chuyện với các chiến sĩ vừa lên thay ca bảo vệ chốt trên điểm cao ở Vị Xuyên, một chiến sĩ cười hồn nhiên nói với chúng tôi rằng: "Trên điểm cao này toàn đá là đá. Chúng em như những con thằn lằn bám đá để chiến đấu. Chúng em sẽ bảo vệ bằng được từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc".

van hoa bo doi
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân,
 tỉnh Hà Tĩnh, năm 2018. Ảnh: ĐÌNH HÀ

Nuôi dưỡng, tô thắm nét đẹp văn hóa Bộ đội Cụ Hồ

Nét đẹp văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, tất nhiên, nó không phải là sản phẩm tự phát, mà đó là quá trình rèn luyện, phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, tô thắm, xây dựng, phát triển văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để làm tốt nhiệm vụ này, điều cần thiết là phân tích đặc trưng, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, những giá trị mang tính đặc thù về văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong từng giai đoạn lịch sử; đồng thời phân tích sự tác động phức tạp của đời sống đương đại hiện nay đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách, phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ cách mạng mới.

Đặc trưng lịch sử và văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một sức mạnh to lớn, sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhân dân và các thế hệ thanh, thiếu niên trong những năm kháng chiến thì hiện nay, nó đang bị thử thách quyết liệt từ góc độ thực tế và tâm lý. Nếu tạo ra trong cảm nhận của con người hôm nay, rằng kiểu mẫu ấy chỉ là sản phẩm đẹp của quá khứ, sẽ xuất hiện hai dạng tâm lý: Tâm lý chỉ có thể ngưỡng mộ hoặc tâm lý thất vọng. Như vậy sẽ không thể tiếp tục phát triển được kiểu mẫu nhân cách đó trong hiện tại và tương lai với tư cách là một giá trị văn hóa quân sự bền vững.

Nếu chỉ làm thao tác đối chiếu máy móc giữa nhân cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ với người chiến sĩ hôm nay, lấy chuẩn mực quá khứ, vốn rất đẹp nhưng là sản phẩm có tính đặc thù về mặt quân sự và văn hóa, làm thước đo tuyệt đối, sẽ khó có khả năng tiếp tục nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới. Vì thế, cần xác định những giá trị văn hóa cốt lõi và cơ bản trong nhân cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được hình thành trong lịch sử để củng cố, khẳng định, đồng thời bổ sung, phát triển những nhân tố mới trước những đặc điểm rất mới của giai đoạn lịch sử hiện nay. Sự ra đời, phát triển của một kiểu mẫu nhân cách, nét đẹp văn hóa mới không bao giờ là một quá trình tự phát hay tự nhiên mà có. Đó là cuộc đấu tranh không mệt mỏi, đầy trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc. Đó là sự nghiệp “trồng người” cần trăm năm nuôi dưỡng, chăm sóc như Bác Hồ dạy.

Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa quân sự sâu sắc về nhân cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong những năm qua chỉ có thể phát triển trong thời gian tới trên cơ sở quá trình tiếp tục tô thắm, nuôi dưỡng, xây dựng bền bỉ với sự công phu và trí tuệ khoa học, cách mạng. Đó chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, con người mới và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới...

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: