Thứ sáu, 29/03/2024

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu những ý kiến hưởng ứng sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư.


sach tbt
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: noichinh.vn).

Xây dựng cơ chế để tham nhũng không xảy ra mới là thành công

Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa; phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để cán bộ không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng.

Đây là những giải pháp quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên ngay dưới phần thứ nhất của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Sau khi phát hành, cuốn sách đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn khởi đón nhận và coi đây là “cẩm nang” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Đọc kỹ từng trang cuốn sách càng thấy rõ trăn trở của Tổng Bí thư là phải làm gì, làm như thế nào để chiến thắng thứ “giặc nội xâm tàng hình” nguy hiểm này. Những điều ấy, tác giả đã nung nấu hơn nửa thế kỷ trước với nhiều bài viết khi còn là cán bộ nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản và mang tầm nhìn mới, quyết tâm mới, cách làm mới từ khi là người đứng đầu Đảng ta, là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những câu hỏi đặt ra trong cuộc đấu tranh nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ được lý giải thuyết phục thông qua tư duy của một nhà nghiên cứu lý luận cùng với kinh nghiệm thực tiễn suốt nhiều năm trực tiếp chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ được tiến hành kiên trì, quyết liệt, bài bản, hiệu quả như những năm vừa qua với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Hàng loạt vụ án, vụ việc, trong đó nhiều vụ tồn đọng từ lâu, tưởng “chìm xuồng”, hoặc lâu nay được coi là nhạy cảm, là “vùng cấm” đã lần lượt được điều tra làm rõ, đưa ra xét xử nghiêm minh; hàng loạt cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý vì trực tiếp vi phạm hay do trách nhiệm chính trị của người đứng đầu.

Thực tế đó cho thấy, việc mạnh tay xử lý cán bộ tham nhũng dù rất quyết liệt, nhưng rõ ràng là chưa đủ để ngăn tình trạng “di căn” của căn bệnh nan y này. Nhiều lần Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, không ai thích thú gì phải kỷ luật, xử lý cán bộ của mình, nhưng kỷ luật một vài người để cứu muôn người; không phải xử lý nhiều cán bộ vi phạm mới là tốt. Phải có cơ chế ngăn chặn, phòng ngừa chặt chẽ để tham nhũng, tiêu cực không xảy ra, như thế mới là thành công.

Hơn 10 năm qua, Trung ương và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có hàng nghìn văn bản khắc phục một bước tình trạng bất cập làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu từ cuộc sống.

Vấn đề đặt ra là vừa tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, bịt kín các kẽ hở dễ bị lợi dụng để vụ lợi cá nhân, vừa nâng cao hơn nữa tinh thần tự giác, ý thức, đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Để “không thể”, “không dám” tham nhũng, thiết nghĩ, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thường xuyên, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định, quy chế với những chế tài cụ thể, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần phục vụ, vì cái chung.

Các quy định, quy trình công tác, các văn bản liên quan đến công việc của người dân và doanh nghiệp phải được tuyên truyền sâu rộng và niêm yết công khai tại các cơ quan công sở cho ai cũng biết để thực hiện. Đó còn là cơ sở để người dân giám sát quá trình thực hiện công vụ của cán bộ. Đây là giải pháp quan trọng để cán bộ “không thể”, “không dám” tham nhũng.

NGUYỄN VĂN (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội)

 

Bảo vệ và phát triển đoàn kết trong Đảng

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta phát động, nhất là từ năm 2013, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư thật sự đã trở thành “phong trào” và “xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa phát hành mới đây, tôi rất tâm đắc những đánh giá toàn diện của đồng chí tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, cùng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả.

Nhìn lại những năm qua có thể thấy những thành tựu của nước ta đạt được tiếp tục khẳng định mạnh mẽ đường lối đổi mới đất nước đúng đắn của Đảng ta. Nhưng đồng chí Tổng Bí thư cũng lưu ý tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong khi đó, dự báo tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Nhờ đoàn kết, thống nhất mà chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Bài học không bao giờ quên là đã đoàn kết thì trong khó khăn càng phải đoàn kết hơn bao giờ hết.

Đoàn kết để thống nhất khi đánh giá tình hình đất nước, cái gì làm tốt thì phát huy, đâu là tồn tại, yếu kém, cùng tìm cách khắc phục, tuyệt đối không được “cua cậy càng, cá cậy vây” như Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở. Theo Tổng Bí thư, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì trước hết phải đoàn kết trong Đảng. Đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là tiền đề nâng cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Muốn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, không thể không chăm lo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; nhất là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,...

Càng đọc, càng nghiên cứu sâu bài phát biểu nêu trên và nhiều bài viết trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi càng thấy cuốn “cẩm nang” quý này thật sự giúp các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, giúp các ngành, địa phương và nhân dân nắm vững, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quan trọng này, mà trước hết từng cấp ủy, tổ chức Đảng phải trực tiếp chỉ đạo thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ. Phải được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia một cách tích cực, tự nguyện của các tầng lớp nhân dân nhằm làm cho Đảng ta đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa, để Nhà nước ta mãi mãi là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

BÙI TRẦN DỰ (xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)

 

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: