Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

LTS: Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu, công tác trên nhiều chiến trường trọng điểm, suốt cuộc đời mình (93 tuổi đời, 76 tuổi Đảng), Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực, tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đại tướng được đồng chí, đồng đội và nhân dân biết tới với tên gọi được Bác Hồ đặt - Hai Mạnh (mạnh cả về chính trị và quân sự); nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến gọi là Tướng Thao Chăn. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài “Tướng Hai Mạnh - nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam”.

Bài 1: Thực tiễn cách mạng tôi rèn và tư duy đột phá

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng và những tác phẩm, bài nói, bài viết của Đại tướng Chu Huy Mân để lại nhiều bài học quý báu cả về tư duy lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trong đó đáng chú ý là tư duy đột phá về chính trị, quân sự.

Tầm nhìn chiến lược

Đại tướng Chu Huy Mân giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở quê hương Nghệ An. Trong cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931), đồng chí tham gia Đội tự vệ Đỏ và là Đội phó Đội tự vệ của xã Yên Lưu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cuối năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Chu Huy Mân liên tục được luân chuyển qua nhiều cương vị chủ trì lãnh đạo, chỉ huy ở những địa bàn chiến lược trọng yếu, nhiều khó khăn, gian khổ, như: Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào; Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Quân khu ủy; Chính ủy Quân khu Tây Bắc, Bí thư Khu ủy và Bí thư Quân khu ủy; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, Phó bí thư Khu ủy Khu 5 và Bí thư Quân khu ủy; Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3-Tây Nguyên...

Tài năng quân sự, chính trị của Đại tướng được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đồng chí luôn coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của cha ông; chủ động tháo gỡ khó khăn, thách thức, tìm tòi các phương pháp công tác đầy táo bạo, hiệu quả. Tư duy đột phá của Đại tướng Chu Huy Mân luôn xuất phát từ thực tiễn, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, những tình huống chính trị, quân sự phức tạp và được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

dai tuong chu huy man 1
Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra các đơn vị chiến đấu năm 1973.
 Ảnh tư liệu

Năm 1961, khi đảm nhiệm Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Quân khu ủy, đồng chí Chu Huy Mân đã nhận rõ vị trí, nhiệm vụ quan trọng của Quân khu 4. Đây là tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam và Lào. Quân khu 4 cùng lúc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Quân khu, bảo vệ miền Bắc; trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam... Sớm nhận thấy âm mưu của Mỹ-ngụy sẽ leo thang chiến tranh xâm lược đánh phá miền Bắc, đồng chí Chu Huy Mân cùng các cán bộ Quân khu đến Sư đoàn 325 và một số đơn vị bố trí dọc giới tuyến sông Bến Hải kiểm tra nắm tình hình. Đồng chí nhanh chóng phát hiện trong nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy và trong thực tiễn công tác giáo dục, huấn luyện bộ đội, cũng như trong kế hoạch tác chiến của các đơn vị, chủ yếu là quán triệt tư tưởng chiến lược phòng ngự tích cực, chủ động đánh trả, đối phó với tình huống quân địch vượt sông Bến Hải đánh sang bờ Bắc, chưa hình thành tư tưởng chiến lược chủ động tiến công, sẵn sàng xuất kích đánh địch.

Trước tình hình đó, đồng chí Chu Huy Mân báo cáo với Ban Thường vụ Đảng ủy và đi tới quyết định đề nghị Quân ủy Trung ương cho triệu tập Đại hội Đảng bộ Quân khu 4. Đại hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng và đi tới quyết nghị, nhất trí cao việc chuyển nhận thức tư tưởng cán bộ, chiến sĩ Quân khu từ phòng ngự tích cực sang chủ động tiến công, sẵn sàng vượt sông Bến Hải cùng đồng bào Nam giới tuyến đánh địch. Các cơ quan, đơn vị trong giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, tổ chức lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu: Bộ đội, đơn vị phải luôn sẵn sàng chiến đấu được ngay, có lệnh là lên đường, không được chần chừ. Phải bảo đảm đánh tiêu diệt địch nhanh, gọn. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ ý chí quyết tâm chiến đấu ngoan cường, tiến công, đánh thắng ngay từ trận đầu. Sẵn sàng cơ động trên bất cứ chiến trường nào khi Tổ quốc cần đến.

Năm 1965, đồng chí Chu Huy Mân đảm nhiệm cương vị Chính ủy Quân khu 5, Bí thư Quân khu ủy, Phó bí thư Khu ủy. Thời điểm này, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ bị phá sản, Mỹ đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ". Trên chiến trường Khu 5 từ Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Cam Ranh (Khánh Hòa), An Khê (Gia Lai)... trở thành những căn cứ liên hợp quân sự lớn của Mỹ. Đồng chí Chu Huy Mân cùng Thường vụ Khu ủy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã nhạy bén đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân trên địa bàn chủ động tiến công tiêu diệt và làm tan rã quân đội Việt Nam cộng hòa. Thực hiện “3 bám” (bám đất, bám dân, bám địch) quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược; trong đó việc xây dựng thế trận vành đai diệt Mỹ liên hoàn, vững chắc bao quanh các căn cứ quân sự Mỹ là sáng tạo rất độc đáo, mang tính đột phá chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên chiến trường Khu 5.

Vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện

Trong quá trình đảm nhiệm những trọng trách được giao, đồng chí Chu Huy Mân không ngừng bồi đắp, phát triển tư duy mang tính hệ thống. Trong đó, tư duy chính trị và tư duy quân sự gắn kết chặt chẽ, trở thành tư duy tổng hợp về chính trị, quân sự được thể hiện rõ nét và kiểm nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, nhất là xử lý các tình huống chính trị, quân sự phức tạp ở những thời điểm đầy khó khăn, thử thách.

Năm 1965, Khu 5 là địa bàn Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Với vị trí chiến lược nối hai miền đất nước, Khu 5 trở thành nơi phải đối mặt với những đạo quân xâm lược đầu tiên. Lúc này, trong nội bộ quân ta xuất hiện tư tưởng “sợ Mỹ”, “ngại đương đầu với quân Mỹ”. Trước tình hình đó, đồng chí Chu Huy Mân đã nêu cao ý chí cách mạng kiên cường, tư duy chiến tranh cách mạng sâu sắc, lấy mục tiêu đánh thắng quân Mỹ xâm lược làm tư tưởng chỉ đạo hành động.

Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi tình huống, Ban Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 kịp thời phân tích, đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ trong công tác tư tưởng và tổ chức, chủ động chuẩn bị đón đánh quân Mỹ. Quân khu chủ trương củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng “vành đai diệt Mỹ”, tổ chức đánh phủ đầu quân Mỹ, phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn khu.

Đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo xây dựng vành đai diệt Mỹ: Đà Nẵng, Chu Lai, bao vây các căn cứ quân Mỹ, một hình thức phát triển cao của chiến tranh du kích, dựa vào làng xã chiến đấu, vận dụng phương châm kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, liên tục tiến công địch bằng cả 3 mũi quân sự, chính trị và binh vận, vận dụng mọi thứ vũ khí thô sơ và hiện đại, sáng tạo nhiều cách đánh nhằm tiêu diệt nhỏ, tiêu hao nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Đi đôi với lãnh đạo xây dựng các vành đai diệt Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân cùng Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo đánh những trận phủ đầu hạ uy thế quân chiến đấu Mỹ, kiểm nghiệm cách đánh của ta, trên cơ sở đó nắm được điểm mạnh, yếu của quân Mỹ ở thực tế chiến trường. Với phương châm “vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh lãnh đạo quân và dân Khu 5 trực tiếp đương đầu với quân Mỹ.

Cuối tháng 5-1965, dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy, kiêm Tư lệnh Quân khu, Trung đoàn 1-trung đoàn chủ lực của Quân khu 5 và LLVT địa phương huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tiến công cứ điểm Gò Cao (còn gọi là Ba Gia), mở đầu chiến dịch Ba Gia. Sau 3 ngày chiến đấu có sự phối hợp chặt chẽ của nhân dân và du kích, quân ta đã đánh tiêu diệt quân địch trong cứ điểm, đánh tan các cánh quân ứng cứu, hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt, đánh thiệt hại 4 tiểu đoàn địch. Thắng lợi của chiến dịch là lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, một trung đoàn chủ lực của ta tiến công tiêu diệt một chiến đoàn chủ lực của địch, trong đó có 1 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược của quân đội Việt Nam cộng hòa, trong một thời gian ngắn.

Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, việc tác chiến trực tiếp với quân Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Chiến dịch Plei Me là chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên, trong đó trận then chốt quyết định của chiến dịch ở Ia Đrăng đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự thất bại đầu tiên của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, dưới sự chỉ huy mưu lược của Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là đồng chí Chu Huy Mân (Thiếu tướng, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch), cùng sức tiến công mãnh liệt của bộ đội, chiến dịch Plei Me (từ ngày 19-10 đến 26-11-1965) đã đạt mục tiêu đề ra. Quân giải phóng Tây Nguyên đánh bại cuộc hành quân “Lưỡi lê bạc” của sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ.

Với tư duy đột phá và tài thao lược về chính trị, quân sự, Đại tướng Chu Huy Mân luôn có những ý tưởng và giải pháp mới mang tính sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu có ý nghĩa chiến lược và mang tính cấp thiết được đặt ra trong thực tiễn, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt đã đi vào lịch sử của dân tộc và của Quân đội ta.

Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Trước khi nghỉ công tác, Đại tướng Chu Huy Mân giữ cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Với những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất.

 

(còn nữa)

ĐÔNG HẢI

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: