Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng đội ngũ trí thức. Người luôn đề cao vai trò của trí thức, trân trọng và động viên đội ngũ này đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đánh giá cao vai trò và địa vị của trí thức, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế… Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964.
(Ảnh tư liệu)
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, Hồ Chí Minh là người khởi xướng và lãnh đạo thành công cuộc cách mạng lớn nhất, khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc, cũng là người đã đối đãi với trí thức một cách mẫu mực. Người là bậc thầy cho các thế hệ lãnh đạo chính trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là noi theo Người, làm theo Người trong hành động cách mạng, là “sửa đổi cách lãnh đạo”, trong đó có cách ứng xử và đối đãi của người lãnh đạo, quản lý đối với trí thức.
Một là, phát triển tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc của trí thức. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất sớm rằng, ở đời ai cũng có quyền tin theo một học thuyết, một chủ nghĩa nhưng có một điểm chung mà hễ là người Việt Nam thì ít nhiều ai cũng có. Đó là tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc. Như mọi người Việt Nam yêu nước khác, trí thức cảm thấy nô lệ, mất nước là quốc nhục. Họ mong muốn tìm lối thoát nhưng bế tắc. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sáng suốt tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Năm 1941, Người viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng… Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”. Và quan trọng là người đứng đầu cuộc cách mạng ấy đã bằng cả cuộc đời bôn ba nếm mật nằm gai, bất chấp gian khổ, hy sinh nên lời kêu gọi ấy có sức nặng của sự hòa đồng, đồng tâm, đồng chí, của sự dẫn dắt đầy tin cậy: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”[2].
Lấy cứu quốc là việc chung, Hồ Chí Minh đã làm cho cả nước một lòng, không còn mấy ai nghi kỵ, mặc cảm, đắn đo. Hầu hết trí thức có tên tuổi của nước Việt Nam như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, các ông Phan Kế Toại, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước; các văn nghệ sĩ trí thức như Xuân Diệu, Huy Cận, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Xuân Hữu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Ngô Tất Tố… và biết bao trí thức yêu nước khác, cùng với toàn dân đã tập hợp dưới ngọn cờ Tổ quốc do Hồ Chí Minh dẫn dắt làm cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công và làm hai cuộc kháng chiến dài nhất, gian khổ nhất trong lịch sử thắng lợi. Phát triển tinh thần yêu nước của trí thức, đồng thời thẳng thắn, chân thành khuyên nhủ và bằng cả tấm lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, với đạo đức trong sáng và tác phong giản dị, Hồ Chí Minh đã phát huy được năng lực sáng tạo của trí thức, giúp họ ngày một tiến bộ, vững bước cùng dân tộc. Cùng với những đánh giá, khen ngợi, khích lệ, Người đã chân tình, thẳng thắn khuyên “những người trí thức… cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế”, không nên chỉ bằng lòng với những kiến thức, lý luận đã học được mà “lý luận phải đem ra thực hành… lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”[3]. Cơm áo và danh dự là hai mặt của một vấn đề làm người trí thức băn khoăn. Trong thư trả lời một trí thức vào khoảng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp khó khăn, thiếu thốn, Hồ Chí Minh đã viết: Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt còn truyền đến ngàn đời về sau.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã phát triển tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc của từng người trí thức hòa đồng vào chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự cường dân tộc của toàn dân. Nhờ đó, trí thức Việt Nam ngày càng trở thành đội ngũ hùng hậu của dân tộc, đã xây đắp nên mối liên kết tất yếu của sự phát triển: Cách mạng và trí thức, trí thức và cách mạng.
Hai là, trân trọng trí thức, tìm kiếm người tài đức là nghĩa vụ và bổn phận của nhà lãnh đạo. Hồ Chí Minh với thái độ quang minh chính đại, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết nên đã cảm hóa, tập hợp, thu phục, phát huy được đông đảo trí thức. Trong lúc chính quyền non trẻ, vận mệnh quốc gia như ngàn cân treo sợi tóc, nhiều trí thức nổi tiếng xuất thân từ tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội, được đào tạo trong các nhà trường của đế quốc, phong kiến đã nghe theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh gác bút nghiên lên đường tranh đấu.
Những ngày đầu tiên, trên cương vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc, dễ hiểu về mối quan hệ giữa nhân tài và kiến quốc. Người viết “Kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Và, Người thiết tha “mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến…, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”[4]. Trong công tác tổ chức nhân sự, Hồ Chí Minh đã nghiêm cấm các cơ quan đảng, chính phủ không được “tư túng – kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”[5].
Chính Người đã nghiêm khắc tự phê bình vì chưa bao quát hết nên một số cơ quan chính phủ đã quan liêu, thiếu sâu sát để cho một số người tài đức chưa có dịp tham gia việc kháng chiến kiến quốc. Một chỉ thị ngắn, rất ngắn, không cần lắm chữ nhiều lời, ngày 20-11-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là một chỉ thị trường tồn cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo đất nước: “Tìm người tài đức. Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiển năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”[6].
Ba là, tin dùng, mạnh dạn trao cho người trí thức những chức vụ tương xứng với tài năng và đức độ của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng... Vì vậy, người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình”[7].
Tôn trọng, sử dụng trí thức là vấn đề rất lớn, ta không chỉ tìm thấy những chỉ dẫn từ các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh mà còn phải nghiêm túc, ôn lại lịch sử để thấy Người đã đối đãi với trí thức trong từng trường hợp mẫu mực như thế nào.
Năm 1946, nhận trọng trách Quốc hội khóa I giao cho thành lập Chính phủ trong lúc cần tập hợp sức mạnh toàn dân tộc vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu những trí thức nổi tiếng, ngoài Đảng giữ các chức vụ quan trọng: “Bộ Nội vụ, một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng…; Bộ Quốc phòng: một thanh niên trí thức và hoạt động quốc dân ta đã từng nghe tiếng: Ông Phan Anh,… Bộ xã hội, kiêm cả Y tế, Cứu tế và Lao động: Một nhà chuyên môn có tiếng trong y giới: Bác sĩ Trương Đình Tri;… Bộ Giáo dục: một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: Ông Đặng Thai Mai;… Bộ Tư pháp: cũng là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: Ông Vũ Đình Hòe”[8].
Biết bao trí thức với những tài năng, đức độ và cả những cá tính khác nhau đã đi cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ xâm lược với sự tin dùng và ân cần chỉ bảo, chăm sóc của Hồ Chí Minh. Họ đã có sự nghiệp vẻ vang trong vinh quang chói lọi của Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Những tên tuổi lớn: GS. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, GS. Nguyễn Văn Huyên, GS.VS Tôn Thất Tùng, GS.VS Trần Đại Nghĩa, GS. Trần Hữu Tước, GS. Lương Định Của, GS. Trần Đức Thảo…; các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa: Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi…; các tướng lĩnh trí thức quân sự tài ba sau Võ Nguyên Giáp là những Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn v.v…, mà sự nghiệp của họ, nhờ có Hồ Chí Minh và cách mạng nên còn mãi với non sông đất nước.
Bốn là, chăm lo đào tạo đội ngũ trí thức mới với tầm nhìn vì sự nghiệp trăm năm. Suốt đời Hồ Chí Minh luôn chăm lo sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng cho hiện tại và tương lai của đất nước. Với tầm nhìn xa, trông rộng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý đào tạo trí thức giải quyết hài hòa giữa kháng chiến và kiến quốc.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể khẳng định nhờ có Đảng, nhờ có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước có được một đội ngũ trí thức xuất thân từ công nhân, nông dân, bộ đội, thanh niên xung phong, đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ nặng nề cùng nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới, thực hiện CNH, HĐH, hội nhập quốc tế như hiện nay.
Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945) một ngày, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề nâng cao dân trí, chống giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam mới. Người khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Liền sau đó là phong trào xóa nạn mù chữ đồng thời lần lượt tất cả các bậc, từ tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học được thành lập.
Trước khi qua đời, Người còn dặn phải đào tạo thanh thiếu niên trở thành những người có đạo đức và tài năng “vừa hồng”, “vừa chuyên”. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay đang là vấn đề bức thiết của Nhà nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo một đội ngũ trí thức, một thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, thể hiện nỗi ưu lo dân – nước đang đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải suy tư để thực hiện tốt lời dạy cuối cùng của Người.
Năm là, phải giữ danh giá của người lãnh đạo mà đối xử với trí thức. Lãnh đạo trí thức là việc khó. Nhưng Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói khó dễ đều bởi tại lòng mình. Lòng người lãnh đạo mà trong sáng, nhân hậu, chí công vô tư thì đó là sức mạnh, là bí quyết để dùng người. Nếu không sẽ “hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”[9].
Hồ Chí Minh khuyên “người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu… phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”[10] để lãnh đạo cho đúng, dùng cán bộ đúng.
Dùng cán bộ đúng là nghĩa vụ, bổn phận của nhà lãnh đạo, đồng thời cũng là phẩm chất chính trị và danh giá của họ. Theo Hồ Chí Minh, để làm tròn nhiệm vụ và giữ gìn danh giá của mình, người lãnh đạo cần: Phải có độ lượng vĩ đại để dùng cán bộ một cách chí công vô tư, khiến cho cán bộ không bị thành kiến, không bị bỏ rơi, không lãng phí, thất thoát nhân tài; “Phải có tinh thần rộng rãi” để gần gụi tất cả mọi người, kể cả “những người mình không ưa”. “Phải có tính chịu khó dạy bảo” để nâng đỡ những người còn kém, giúp họ tiến bộ. Mà muốn dậy bảo người khác, nhất là đối với trí thức thì người lãnh đạo phải tự hiểu mình, phải học hỏi để hiểu người. Không có trình độ, không hiểu công việc của người khác thì không thể lãnh đạo được họ; “Phải sáng suốt” để không bị “bọn cơ hội, bọn vu vơ bao vây” mà xa cách cán bộ tốt – “Phải có thái độ vui vẻ, thân mật” cán bộ cấp dưới mới “vui lòng gần gụi mình”, mới coi mình là đồng chí, là thầy, là bạn của họ. Sinh thời, Người đã thể hiện những điều trên một cách khoa học và nghệ thuật trong các tình huống, với từng đối tượng khác nhau.
Hiện nay, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, trong các kỳ Đại hội gần đây, Đảng ta đều khẳng định “phát triển giáo dục và đào tạo nhằm bồi dưỡng nhân tài”. Từ những bài học lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, cần suy nghĩ một cách nghiêm túc, thấu đáo, vận dụng và phát triển sáng tạo để có thể trọng dụng nhân tài một cách có hiệu quả nhất. Nhân tài không chỉ từ một nguồn giáo dục và đào tạo, mà còn từ đời sống thực tiễn, trong số gần 100 triệu đồng bào. Muốn có nhân tài, phải điều tra, phát hiện, lựa chọn, hiểu biết rồi mới bồi dưỡng và quan trọng nhất là trọng dụng, tức là phải quý trọng thật sự và khéo dùng họ đúng tài, xứng việc. Tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”[11].
Tuy nhiên, cần phải học lại “quy trình” công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm thật sự, không dừng lại ở câu chữ trên nghị quyết hoặc làm “đúng quy trình” một cách máy móc, hình thức, để lọt những cán bộ phẩm chất kém vào bộ máy. Đối với nhân tài, phải chân thực, thành tâm, tạo môi trường dân chủ để họ phát huy hết tài năng cống hiến cho đất nước và dân tộc. Bản thân người sử dụng nhân tài phải hiểu biết nhân tài, phải có đạo đức “dĩ công vi thượng”. Thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu đức, thiếu trí tuệ, bản lĩnh sẽ không bao giờ biết quý trọng nhân tài, có được nhân tài và dùng được nhân tài./.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 184.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 230.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 275.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 114.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 65.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 504.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 322.
[8] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 4, tr. 193-194
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 319.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 325.
[11] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 167.
Thượng tá, ThS Đặng Công Thành
Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)